Chia sẻ tại hội thảo Tăng cường quản lý HIV tiến triển tại Việt Nam ngày 11-7, bà Phan Thị Thu Hương - cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) - cho hay người bệnh khi được đưa vào điều trị HIV, có tới 20-30% người được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, họ đang gặp những khó khăn về tiếp cận với xét nghiệm, truyền thông và rào cản kỳ thị.
Người nhiễm HIV tăng nhanh trong giới trẻ
Bà Hương cho hay mặc dù Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách, huy động nguồn lực tài chính nhưng vẫn còn 80.000 người chưa được tiếp cận điều trị. Hằng năm vẫn có 2.000 - 3.000 người tử vong.
Hiện nay Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong việc kiểm soát HIV trong cộng đồng. Đặc biệt trong năm 2022 số người nhiễm HIV mới là hơn 11.000 người, tăng nhanh trong giới trẻ, tuổi từ 16 - 29.
Trong đó 21% là công nhân lao động. Thậm chí nhiều người nhiễm HIV nhưng không biết, đến giai đoạn HIV tiến triển, giai đoạn bệnh AIDS mới phát hiện bệnh.
Theo các chuyên gia, bệnh HIV tiến triển là tình trạng người nhiễm HIV có số lượng tế bào CD4 <200 tế bào/mm3 hoặc giai đoạn lâm sàng 3 hoặc 4 đối với trẻ từ 5 tuổi trở lên và người trưởng thành. Tất cả trẻ dưới 5 tuổi nhiễm HIV đều được coi là có bệnh HIV tiến triển.
Khi HIV tiến triển có thể khiến các bệnh nhiễm trùng cơ hội phát triển như lao, nhiễm nấm, viêm màng não... và khả năng lây nhiễm cộng đồng cao.
Bà Hương cho hay hậu quả của COVID-19 kéo dài đã gây thách thức lớn lên toàn bộ hệ thống y tế dự phòng, trong đó có vấn đề nhân lực, tài chính. Mặc dù thời gian qua phòng chống HIV đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế nhưng chỉ hỗ trợ được khoảng 50% nhu cầu chung của các tỉnh, thành phố.
Chủ yếu lây nhiễm qua quan hệ tình dục
Theo bà Hương, "mô hình truyền nhiễm HIV hiện nay đã có nhiều thay đổi. Nếu trước kia, người nhiễm HIV chủ yếu nằm ở nhóm người có sử dụng, nghiện hút ma túy thì nay chủ yếu lây qua quan hệ tình dục.
Tỉ lệ phát hiện HIV mới đa số nằm ở nhóm nam quan hệ đồng giới, người chuyển giới.
Ngoài ra, hiện vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người mắc HIV. Thậm chí, chính những người nhiễm HIV cũng kỳ thị bản thân, họ ngại đến các cơ sở y tế khiến việc tiếp cận phát hiện và điều trị muộn.
Chính vì lý do đó, khi phát hiện họ có thể đã bị mắc nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội (hay còn gọi là HIV tiến triển) gây khó khăn trong điều trị và là nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng".
Theo ông Daniel Levitt - giám đốc dự án Hoàn thành mục tiêu và Duy trì kiểm soát dịch bệnh (EpiC) Việt Nam của USAID, mô hình truyền nhiễm HIV tại Việt Nam đang có xu hướng lây nhiễm cao hơn thông qua hoạt động tình dục đồng tính nam hoặc ở những người chuyển giới nữ.
Đây là lý do khiến lây nhiễm ngày càng tăng ở các tỉnh, thành không có nhiều nguồn lực chứ không chỉ riêng ở các thành phố lớn tại Việt Nam.
Dự án Hoàn thành mục tiêu và Duy trì kiểm soát dịch bệnh đang triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và tư vấn trực tuyến để cải thiện tình trạng HIV tiến triển ở ba tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, cùng kỳ vọng mở rộng mô hình can thiệp HIV tiến triển đến nhiều tỉnh, thành khác.
Thiếu trang thiết bị, sinh phẩm chẩn đoán, điều trị
Theo báo cáo đánh giá năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh HIV tiến triển tại Việt Nam do TS.BS Vũ Quốc Đạt (Trường đại học Y Hà Nội) và DS Nguyễn Lê Hiệp (Trường đại học Antwerp, Vương quốc Bỉ) thực hiện cho thấy tại Việt Nam hiện nay còn gặp khó khăn trong việc chẩn đoán HIV tiến triển.
Trong đó, cả nước có 44 cơ sở thực hiện được xét nghiệm khẳng định HIV; 9 cơ sở thực hiện được xét nghiệm tải lượng vi rút và chỉ có 8 cơ sở thực hiện xét nghiệm CD4 (phát hiện HIV tiến triển).
Nguyên nhân chưa phát hiện được HIV tiến triển là do thiếu thiết bị, sinh phẩm, chi phí.
Đại diện CDC Đồng Nai cho hay tại tỉnh đang có 10 cơ sở, phòng khám điều trị HIV. Các đơn vị này đang quản lý điều trị ARV nhưng chỉ được cấp thuốc, đối với những bệnh lý khác như nấm, nhiễm trùng lao... thì bệnh nhân phải tự đến cơ sở y tế khác thăm khám.
Bên cạnh đó, xét nghiệm chẩn đoán HIV tiến triển đang bị bỏ qua do thiếu trang thiết bị, sinh phẩm. Chính vì vậy, việc phát hiện và điều trị cho bệnh nhân HIV tiến triển đang gặp khó khăn.
Để khắc phục những khó khăn này, nhiều đại biểu đề xuất cần tăng cường hỗ trợ chẩn đoán cho bệnh nhân HIV ngay từ ban đầu.
Bên cạnh đó, cần đầu tư trang thiết bị, đảm bảo vật tư y tế để xét nghiệm HIV tiến triển.
Đặc biệt, sau khi điều trị ARV cần tiếp tục theo dõi, xét nghiệm HIV tiến triển để kịp thời điều trị, ngăn ngừa nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
"Phải đối phó với sự kỳ thị"
Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đánh giá Việt Nam là một ví dụ điển hình trong việc điều trị HIV hiệu quả và bền vững. Điều này có được là do Việt Nam đã triển khai chương trình khám và điều trị HIV miễn phí thông qua bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, sự kỳ thị với người nhiễm HIV vẫn là một rào cản lớn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Daniel Levitt cho biết nhiều người Việt Nam thậm chí không biết mình bị nhiễm HIV hoặc giấu giếm tình trạng vì không muốn bị kỳ thị. Tình trạng này dẫn đến rủi ro lây nhiễm khi họ có hoạt động tình dục hoặc sử dụng chung kim tiêm.
Ông Daniel Levitt nhấn mạnh đại dịch HIV đi kèm với cái giá phải trả rất đắt, ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng làm việc, xây dựng gia đình và chăm sóc con cái. Vì vậy, việc phát hiện và đưa người nhiễm HIV vào điều trị trước khi trở nặng có thể giúp họ sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn, đồng thời đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận