31/07/2019 14:48 GMT+7

Phát hiện hàng trăm hóa thạch sinh vật biển có đầu như tàu vũ trụ

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Hàng trăm hóa thạch của một loài sinh vật biển nguyên thủy có đầu như tàu vũ trụ đã được khai quật tại Canada, cung cấp nhiều thông tin có giá trị về 'kẻ săn mồi' trong giai đoạn tiến hóa quan trọng của sự sống trên Trái đất.

Phát hiện hàng trăm hóa thạch sinh vật biển có đầu như tàu vũ trụ - Ảnh 1.

Hình ảnh một hóa thạch đầy đủ của sinh vật biển Cambroraster falcatus được khai quật ở công viên quốc gia Kootenay, Canada - Ảnh: REUTERS

Các nhà khoa học ngày 30-7 cho biết sinh vật này tên khoa học Cambroraster falcatus, là một họ hàng xa của loài chân đốt ngày nay - một nhóm đa dạng bao gồm côn trùng, nhện và cua.

Theo Hãng tin Reuters, Cambroraster falcatus sống trong khoảng 506 triệu năm trước khi tất cả các loài động vật đều sống trong các đại dương.

"Hầu hết các động vật trong kỷ Cambri đều nhỏ, chỉ dài vài cemtimet. Như vậy Cambroraster falcatus là một loài khổng lồ có chiều dài đến 30cm" - chuyên gia cổ sinh vật học Joe Moysiuk của Bảo tàng Hoàng gia Ontario và ĐH Toronto, Canada cho biết.

Hóa thạch của loài Cambroraster được tìm thấy trong khu vực đá phiến sét Burgess tại công viên quốc gia Kootenay thuộc dãy núi Rocky. Kỷ Camri là giai đoạn lịch sử quan trọng của quá trình tiến hóa khi ghi nhận lại sự xuất hiện của hầu hết các giới động vật chính.

Phát hiện hàng trăm hóa thạch sinh vật biển có đầu như tàu vũ trụ - Ảnh 2.

Hình ảnh phục dựng từ hóa thạch đầy đủ của sinh vật biển Cambroraster falcatus - Ảnh: REUTERS

"Với chiếc đầu to, thân nhỏ và đôi mắt hướng lên trên, Cambroraster trông giống cua móng ngựa dù về chi tiết chúng là những động vật hoàn toàn khác nhau" - trưởng nhóm nghiên cứu, ông Moysiuk nói.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B cho biết Cambroraster dành phần lớn thời gian gần đáy biển, tìm kiếm các sinh vật chôn vùi trong bùn làm thức ăn.

Cái đầu to của Cambroraster khiến các nhà khoa học Canada nhớ đến con tàu vũ trụ Millennium Falcon trong bộ phim "Star Wars". Phần trước cơ thể Cambroraster có hai cái vuốt phát triển như hai cái cào, giúp loài này cào xuyên qua bùn để tìm sâu biển, cá nhỏ.

Cambroraster được xếp cùng nhóm Radiodont với đỉnh cao thời đó là Anomalocaris, một thợ săn nguy hiểm dài tới 1m và có thể ăn cả Cambroraster.

Radiodont nằm trong số các nhánh đầu tiên của động vật chân đốt, thường được biết đến nhờ các mảnh vỡ hóa thạch còn sót lại. Tuy nhiên các nhà khoa học Canada đã may mắn tìm thấy một số lượng lớn hóa thạch Cambroraster được bảo tồn và hoàn thiện, tạo bước đột phá trong việc hiểu biết về nhóm tuyệt chủng quan trọng này.

Tìm thấy sinh vật sống cổ xưa nhất

TTO - Các nhà khoa học cho biết vừa tìm thấy một trong những sinh vật sống cổ xưa nhất Trái đất và là họ hàng xa nhất của con người: một loại vi sinh vật ăn tảo sống trong một hồ nước ở Na Uy.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên