Tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc lan rộng đã khiến cho ngành y tế Campuchia thất bại trong việc điều trị bệnh - Ảnh: Reuters |
Khám phá này cho phép bác sĩ và các quan chức y tế ngăn chặn tình trạng kháng thuốc lan nhanh trên diện rộng tại Campuchia.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Lancet về các chứng bệnh truyền nhiễm.
Các thành viên trong nhóm nghiên cứu đã thử máu lấy từ đầu ngón tay của bệnh nhân bị sốt rét để xem liệu bệnh nhân có bị loại ký sinh trùng mang gen kháng thuốc tấn công hay không.
Nhóm đã khảo sát trên 300 mẫu máu ở Campuchia, phân tích hàng ngàn biến thể trong chuỗi ADN của ký sinh trùng sốt rét.
Tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc lan rộng đã khiến cho ngành y tế Campuchia xem như thất bại trong việc ngăn chặn căn bệnh này, đồng thời ảnh hưởng đến nỗ lực chung của toàn thế giới trong việc chữa các bệnh do muỗi truyền.
Piperaquine là loại thuốc thường được nhiều quốc gia sử dụng phối hợp với thuốc chứa hoạt chất artemisinin để chữa sốt rét.
Khoảng bảy năm trước, ký sinh trùng sốt rét từng kháng được hoạt chất artemisinin. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã khắc phục thành công khi tìm ra giải pháp sử dụng phối hợp artemisinin và piperaquine.
Tuy nhiên, việc ký sinh trùng tiếp tục kháng lại piperaquine ở Campuchia một lần nữa đã khiến nỗ lực chữa sốt rét thất bại.
“Các ký sinh trùng sốt rét giờ đây có thể kháng lại cả hai loại thuốc. Hiện tượng này sẽ nhanh chóng lan rộng”, ông Roberto Amato, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, giải thích.
Theo số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 200 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh sốt rét trong năm 2015 và khoảng 500.000 người tử vong vì bệnh này, trong đó phần lớn là trẻ em dưới năm tuổi.
Nếu được phát hiện sớm, bệnh sốt rét có thể được chữa khỏi. Tuy nhiên, tình trạng ký sinh trùng kháng thuốc đã khiến diễn biến căn bệnh phức tạp hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận