Sáng 6-9, TS Vũ Đức Bình - phó giám đốc Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ - cho hay đơn vị vừa phát hiện một quần thể thông tre lá dài, chè cổ hoang dã và cây lệ dương khi điều tra rừng. Các phát hiện mới này rất có giá trị về khoa học bảo tồn và sinh kế địa phương.
Từ ngày 2-9, đoàn công tác gồm Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ phối hợp với Tổ chức Phát triển cộng đồng Quảng Trị cùng Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh, do tổ chức cứu trợ nhân đạo CRS tài trợ, thực hiện điều tra rừng và đo đếm carbon rừng tự nhiên tại thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).
Đoàn đã chia các tuyến điều tra, khảo sát gần hết 700ha rừng cộng đồng này.
Trong quá trình đó đoàn phát hiện một quần thể khoảng 20ha cây thông tre lá dài (tên khoa học là Podocarpus neriifolius D. Don), có cây đường kính lên đến 90cm. "Cây thông tre lá dài là loài sinh trưởng rất chậm với những cây có đường kính như trên thì độ tuổi có thể lên đến 500 năm tuổi", TS Bình nói.
Cây thông tre lá dài có phân bố ở Bắc Hướng Hóa và huyện Đakrông nhưng không tập trung.
Ngoài ra đoàn khảo sát ghi nhận quần thể khoảng 500 cá thể chè cổ hoang dã với diện tích khoảng 20ha ở độ cao trên 1.000m. "Quần thể này nếu bảo vệ và khai thác tốt sẽ tạo ra sản phẩm chè Sa Mù rất tốt. Ở Luang Prabang (Lào) họ làm sản phẩm này tốt lắm", đoàn khảo sát đánh giá.
Anh Hồ Văn Thuần - người dân địa phương - cho hay thường lên đây hái lá và ngọn chè rừng về nấu uống như nấu chè xanh. Anh Thuần cho biết các cây chè này khoảng 100 tuổi.
Đoàn cũng phát hiện quần thể cây lệ dương, là cây chỉ ghi nhận phân bố ở Tây Bắc Việt Nam nơi có độ cao hơn 1.000m. Việc ghi nhận phân bố cây lệ dương ở Quảng Trị là rất có giá trị. Cây lệ dương không những đẹp mà còn có giá trị dược liệu quý.
Những phát hiện trên đều là lần đầu ở Quảng Trị, nằm ở độ cao trên 1.000m, được đánh giá có ý nghĩa cho khoa học bảo tồn và sinh kế địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận