Sống khỏe mạnh trong hơn 80 năm qua, chú cá này trở thành con cá sống lâu đời nhất thế giới - Ảnh: Brett Taylor / Viện Khoa học biển Úc
Một con cá hồng được đánh bắt ngoài khơi bờ biển Tây Úc đang khiến các nhà khoa học kinh ngạc. Với tuổi thọ 81 năm, "cụ" cá này được đặt tên là "cụ cá sống lâu đời nhất sống ở các rạn san hô nhiệt đới trên thế giới".
Cụ cá được tìm thấy ở vùng Shoals Rowley, cách thị trấn Broome khoảng 300km về phía tây, vào năm 2016 nhưng gần đây mới được công bố rộng rãi.
Cụ cá này đã soán ngôi của một cụ cá vược đỏ được đánh bắt tại Rowley Shoals vào năm 1997 có tuổi thọ 79 tuổi.
Tiến sĩ sinh vật Brett Taylor thuộc Viện Khoa học biển Úc, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết cho đến nay, loài cá lâu đời nhất mà các nhà khoa học tìm thấy ở vùng nước nông nhiệt đới chỉ khoảng 60 năm tuổi. Phát hiện này đã thay đổi những hiểu biết trước đó của con người về tuổi thọ của cá nhiệt đới.
Các nhà khoa học tập trung vào bốn địa điểm dọc theo bờ biển Tây Úc và quần đảo Chagos được bảo vệ ở trung tâm Ấn Độ Dương để nghiên cứu về 3 loài cá không bị đánh bắt là Lutjanus bohar, Macolor macularis và Macolor niger.
Trong quá trình nghiên cứu, bằng cách sử dụng xương tai để xác định chính xác tuổi cá, các nhà sinh vật học đã xác định được 11 con cá thọ hơn 60 tuổi, trong đó cụ này cao nhất.
"Cụ đã sống sót sau cuộc Đại suy thoái và Thế chiến thứ hai. Thật khó tin khi một con cá sống trên rạn san hô trong 80 năm", tiến sĩ Taylor nói.
Theo tiến sĩ Taylor, nghiên cứu này sẽ giúp các nhà sinh vật biển xác định xem biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự tăng trưởng và lão hóa của cá.
Nhóm nhà khoa học cũng đang quan sát cá ở các vĩ độ khác nhau, với nhiệt độ nước thay đổi, để hiểu rõ hơn về cách các loài cá có thể phản ứng khi nhiệt độ ấm lên ở khắp nơi hay không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận