Ông Nguyễn Huy Bằng (chánh thanh tra Bộ GD-ĐT)
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục chưa áp dụng hình thức phạt nguội như vi phạm giao thông. Nếu người dân cung cấp clip thì cũng không thể dùng clip đó để xử phạt, mà đó có thể là căn cứ để lập đoàn kiểm tra, thanh tra xác minh sự việc trong một thời hạn nhất định. Chỉ khi xác minh sự việc đúng như phản ảnh thì mới có thể xử lý vi phạm được.
Và nỗi sợ "bị phạt" có thể khiến nhiều giáo viên không muốn mạnh dạn, quyết liệt khi chạm đến những tình huống giáo dục (GD) học sinh. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Huy Bằng (chánh thanh tra Bộ GD-ĐT) khẳng định:
- Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục không phải công cụ duy nhất mà với mỗi trường hợp, đối tượng, áp dụng các quy định phù hợp. Theo quy định trong Luật cán bộ công chức, viên chức thì cán bộ, giáo viên có hành vi vi phạm khi đang làm việc trong cơ sở giáo dục thì sẽ xử lý theo Luật cán bộ công chức, viên chức, không xử lý theo nghị định này.
Trong dự thảo phần lớn các điều khoản áp dụng với tổ chức. Đối với cá nhân thì áp dụng với các đối tượng không thuộc cơ sở giáo dục và các đối tượng không là cán bộ, công chức, viên chức.
Chuyện nhỏ phạt nặng, chuyện lớn "nương tay"?
* Nhiều giáo viên tâm tư khi cho rằng làm thêm bằng nghề cũng là việc chính đáng nhưng lại bị xã hội phê phán, cơ quan chức năng xử phạt, trong khi ở các nghề khác vẫn có thể hành nghề thêm ở ngoài cơ sở tư nhân. Vậy cơ sở nào để ban soạn thảo đưa ra mức phạt với việc giáo viên vi phạm trong dạy thêm?
- Dạy thêm trái quy định là vấn đề bức xúc nhiều năm nay. Vì vậy, việc quy định ở đây là cần thiết. Khi góp ý cho dự thảo, đa số sở GD-ĐT cho rằng cần tăng mức phạt với hành vi sai phạm trong dạy thêm. Nhưng cũng có ý kiến từ cơ sở cho rằng giáo viên thu nhập thấp, việc dạy thêm chỉ để tăng thêm thu nhập chính đáng. Số người thu cao nhờ dạy thêm không nhiều. Vì thế không nên phạt tiền.
Tiếp thu ý kiến góp ý, ban soạn thảo sẽ suy nghĩ sửa đổi để làm rõ đâu là hành vi dạy thêm trái quy định để xử lý đúng người, đúng vi phạm.
Sau khi cân nhắc, chúng tôi vẫn áp dụng mức phạt với một số hành vi cụ thể trong hoạt động dạy thêm. Luật cho phép phạt tối đa 100 triệu đồng với tổ chức và 50 triệu đồng với cá nhân. Nhưng chúng tôi chỉ đưa ra mức tối đa là 30 triệu đồng với cá nhân và 80 triệu đồng với tổ chức. Và quy định hành vi cụ thể trong khung phạt đã có chú ý đến tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Ví dụ hành vi nghiêm trọng, gây hậu quả nặng nề thì phải tăng nặng.
* Ngược lại với những vi phạm đang được cho là chuyện nhỏ, những vi phạm lớn hơn có thể mang lại nguồn lợi lớn cho người/tổ chức vi phạm thì lại đặt mức phạt quá nhẹ, ông có giải thích gì về việc này?
- Trong dự thảo cũng có những hành vi sau khi xác định hậu quả nghiêm trọng hay nguồn lợi từ việc vi phạm lớn, chúng tôi đã đề nghị mức phạt cao, ví dụ tuyển sinh sai đối tượng trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ vượt chỉ tiêu, phạt tối đa đến 60 triệu đồng; tuyển vượt chỉ tiêu từ 40% trở lên đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ phạt tối đa 80 triệu đồng.
Vi phạm trong liên kết đào tạo, đào tạo liên thông cũng có mức phạt tối đa 40 triệu đồng... Ngoài ra còn có những quy định xử phạt bổ sung khác và buộc khắc phục hậu quả.
* Dự thảo đề xuất phạt tối đa 30 triệu đồng với hành vi "lộ bí mật, làm mất đề thi, đưa đề thi ra ngoài trong thời gian thi..." liệu có quá nhẹ? Vì việc lộ, lọt đề thi thường gây hậu quả rất nghiêm trọng. Người vi phạm có khi thu lợi số tiền khủng, dễ có tâm lý "đánh đổi"? Chưa kể đề thi là bí mật quốc gia, việc lộ đề có thể phải xử lý hình sự...
- Đúng là đề thi trong kỳ thi quốc gia được xem là bí mật quốc gia. Tuy nhiên, quy định này còn áp dụng cho các kỳ thi nói chung. Và việc lộ đề cũng phân biệt lọt đề khi kỳ thi đang diễn ra khác với lộ đề khi chưa thi... Về vấn đề này, tiếp thu góp ý, chúng tôi sẽ điều chỉnh làm rõ.
Cô và trò trong lớp học tại một trường mầm non tư thục ở TP.HCM. Theo Bộ GD-ĐT, trong xử phạt cá nhân chỉ áp dụng với các đối tượng không thuộc cơ sở giáo dục và các đối tượng không là cán bộ, công chức, viên chức -Ảnh: NHƯ HÙNG
"Thế nào là xúc phạm học sinh"?
* Nhiều ý kiến cho rằng nếu mọi hành vi trong nhà trường đều mang ra xử phạt thì nhà trường sẽ thành đồn cảnh sát, trong khi môi trường GD cần xử lý theo cách GD trước. Ông suy nghĩ thế nào về việc này?
- Những hành vi đưa vào dự thảo này đều xuất phát từ thực tế và theo tôi rất cần phải đặt ra cụ thể, trước hết để răn đe, để người tổ chức và hoạt động trong lĩnh vực GD biết rõ đúng, sai mà tránh không phạm phải.
Chúng tôi không đặt nặng việc phải xử phạt nhiều, càng không lấy việc phạt nhiều là tiêu chí thi đua. Khi tập huấn triển khai thực hiện chúng tôi cũng lưu ý để các cơ sở cân nhắc đến đặc thù môi trường GD, không để xảy ra ứng xử phản cảm, đi ngược với mục đích GD.
* Nhưng "thế nào là xúc phạm học sinh"? Nhiều giáo viên băn khoăn vì quy định quá chung chung, trong khi thực tế GD thì có nhiều tình huống phức tạp. Điều này có thể dẫn tới tình trạng giáo viên e ngại không dám áp dụng bất cứ biện pháp GD cứng rắn nào. Ông có thể giải thích rõ hơn về việc này không?
- Dự thảo nghị định được xây dựng trên tinh thần đặt cao tính răn đe, để tránh xảy ra những trường hợp bạo lực tinh thần hoặc thân thể đối với người dạy, người học. Việc này xuất phát từ thực tế có những vụ bạo hành giáo viên, học sinh gây hoang mang, bức xúc dư luận.
Trong dự thảo không thể quy định kỹ và bao quát hết từng tình huống cụ thể. Nhưng sẽ không có chuyện giáo viên áp dụng bất cứ hình thức cứng rắn nào đều bị phạt, mà chỉ những hành vi vi phạm rõ rệt, gây hậu quả xấu cho tinh thần, thể chất học sinh.
Sau khi nghị định ban hành, thanh tra Bộ GD-ĐT sẽ tập huấn cho thanh tra sở, khi đó sẽ trao đổi, hướng dẫn các trường hợp cụ thể, cách thức, quy trình thực hiện xác minh, xử lý.
Bên cạnh quy định xử phạt hành vi xúc phạm nhân phẩm, thân thể học sinh thì cũng có quy định phạt hành vi tương tự đối với giáo viên, nhằm bảo vệ giáo viên. Tôi hi vọng với quy định này, tình trạng bạo hành trong nhà trường sẽ giảm.
* Đưa ra quy định xử phạt sẽ giúp tăng cường kỷ cương trường học, nhưng nhiều người cũng lo ngại với quy định này, nếu ai cũng chăm chăm lạm dụng tình huống để đè ra xử phạt thì sẽ không còn môi trường giáo dục đúng nghĩa...
- Quy định đặt ra các hành vi vi phạm cụ thể, nhưng không phải ai cũng được xử phạt đâu. Theo quy định, người có thẩm quyền xử phạt chỉ gồm thanh tra Bộ GD-ĐT với 30 người, thanh tra tại các sở GD-ĐT (300 người), cùng các chủ tịch UBND xã/huyện/tỉnh.
Việc xử phạt cũng chỉ được thực hiện khi lập biên bản xử phạt, nhưng không phải ai cũng lập biên bản được, mà phải là cán bộ, công chức, viên chức đang thi hành nhiệm vụ. Ví dụ như đoàn thanh tra, kiểm tra đang thi hành nhiệm vụ thì phát hiện và xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận