Các nhà khoa học, các nhà quản lý về tôn giáo, các nhà tu hành cùng có chung nhận định này tại hội thảo khoa học Phật giáo và quyền con người, do Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Viện Trần Nhân Tông (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức chiều 17-5 tại Học viện Phật giáo Việt Nam ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
PGS.TS Chu Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu tôn giáo) đánh giá cao chủ đề hội thảo, một chủ đề hay và ông cho đây là hội thảo đầu tiên về chủ đề này.
Bản chất Phật giáo là quyền con người
Nói về quyền con người trong Phật giáo, sư cô Thích Nữ Hữu Hiếu (Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội) nói nếu như điều 1, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền viết: “Tất cả con người được sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi”, thì hơn 2.500 năm trước, Đức Phật đã nói điều có ý nghĩa tương tự: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính”.
Còn Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã từng tuyên bố ủng hộ việc ngừng thực hiện hình phạt tử hình. Lý do là hình phạt tử hình là hình thức đặc biệt hà khắc, không nên áp dụng bởi nó tước đi cơ hội thay đổi, và đền bù tổn thất của người vi phạm.
TS Bùi Hữu Dược - vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ - khẳng định bản chất của Phật giáo là quyền con người, Phật giáo không giải quyết vấn đề gì khác ngoài quyền con người.
Vài trăm năm gần đây xã hội hiện đại mới nói đến nhân quyền nhưng Phật giáo đã giải quyết từ rất sớm, ở cấp độ rất cao.
Khi xã hội Ấn Độ phân biệt đẳng cấp ghê gớm thì Đức Phật đã nói: “Máu ai cũng đỏ, nước mắt ai cũng mặn, tất cả chúng ta đều là con người”. Và suốt hơn 2.500 năm qua, câu nói ấy đã trở thành chân lý của nhân loại.
Về quyền lao động, Đức Phật từng nói không làm thì không ăn. Về quyền học tập thì Đức Phật nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Mỗi người hãy tự đốt đuốc mà đi”.
Phật cũng nói về sự bình đẳng giữa Phật và mọi chúng sinh, rằng “Mọi chúng sinh đều có Phật tính”.
Máu ai cũng đỏ, nước mắt ai cũng mặn
GS.TS Nguyễn Hùng Hậu (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nói trong Phật giáo có thể không có từ nhân quyền, nhưng các quyền tự nhiên của con người như quyền được sống, quyền tự do, quyền bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc… đều luôn hiện hữu.
Phật giáo thừa nhận quyền được sống mà không một ai có thể hủy hoại nó, bởi được làm người là cực kỳ khó.
Phật còn đi xa hơn, không chỉ thừa nhận quyền được sống mà còn đặt ra vấn đề sống thế nào để được hạnh phúc, an lạc mãi mãi, hoặc chí ít sau này lại được làm người.
Ông Hậu nói quyền được sống trong Phật giáo không chỉ dừng lại ở con người, mà thuộc về mọi chúng sinh. Phật không chỉ nói đến nhân quyền mà còn là “chúng sinh quyền”.
Phật giáo thừa nhận quyền trí tuệ khi nói mỗi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi, chính mình phải tự làm chủ lấy mình, phải chịu mọi trách nhiệm cho hành động, hành vi, suy nghĩ của chính mình.
Không chỉ thừa nhận nhân quyền, Phật giáo còn đưa ra những giải pháp để con người trở lại với chính mình, không bị tha hóa, đánh mất mình, không chạy theo những ảo ảnh phù du, phù phiếm, tạm bợ bên ngoài.
Khi giác ngộ, con người hoàn toàn tự do, tự tại, bình thản, an vui, hạnh phúc viên mãn. Đó cũng chính là tính đặc thù của nhân quyền trong Phật giáo.
Phật giáo thừa nhận quyền tự do trong quan điểm tu hay không tu là quyền lựa chọn của mỗi người, không ai bắt buộc, và người tu phải “tự thắp đuốc lên mà đi”…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận