04/04/2016 09:23 GMT+7

Phạt giao thông kiểu mới: Chép 50 lần câu “Tôi hứa...”

HỮU KHÁ (huukha@tuoitre.com.vn)
HỮU KHÁ ([email protected])

TTO - Việc CSGT Đà Nẵng yêu cầu người vi phạm chép phạt 50 lần câu “Tôi hứa sẽ không đi ngược chiều nữa” đã gây cuộc tranh luận nóng bỏng trên mạng xã hội.

Việc xử phạt “kiểu mới” được bàn tán xôn xao trên Facebook - Ảnh: Hữu Khá
Việc xử phạt “kiểu mới” được bàn tán xôn xao trên Facebook - Ảnh: Hữu Khá

Ngày 3-4, trên trang Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng và Tôi yêu Đà Nẵng tiếp tục diễn ra cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề này.

Cuộc tranh luận này đa số người dân đồng ý, khen ngợi với cách xử phạt nhẹ nhàng, linh hoạt của cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn làm như vậy là sai quy định.

“Phạt tiền thì dễ ợt”

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, người vi phạm Luật giao thông trong trường hợp trên là một cô gái chừng 20 tuổi. Vị trí vi phạm tại ngã tư đường Ngũ Hành Sơn - Hồ Xuân Hương (thuộc phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Lúc cô gái này đi vào đường một chiều thì bị cảnh sát giao thông Công an quận Ngũ Hành Sơn phát hiện và yêu cầu dừng xe.

Chiều 3-4, trung tá Trần Việt Hòa, đội trưởng đội cảnh sát giao thông Công an quận Ngũ Hành Sơn, thừa nhận sự việc trên xảy ra trên địa bàn quận vào chiều 1-4.

“Lúc đó ba cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông Công an quận được phân công tuần tra trên đường phát hiện cô gái đi xe vào đường một chiều.

Khi bị yêu cầu dừng xe thì cô gái mất bình tĩnh, không biết mình vi phạm lỗi gì. Nhưng khi nghe thông báo “đã đi ngược chiều” thì cô gái bảo không để ý biển cấm nên không biết” - trung tá Hòa kể.

Trung tá Hòa cho biết thấy cô gái vô ý vi phạm nên cảnh sát giao thông hỏi: “Bây giờ cho chọn: một là nộp phạt, hai là phải chép lại 50 lần lời tự hứa với mình là sẽ không vi phạm nữa.

Cô gái đồng ý chép xong và cười vui vẻ chào cảnh sát ra đi. Thật tình là chiều ấy trời mát mới để cô bé ngồi bên vỉa hè chép như vậy, chớ trời nắng non thì ai mà nỡ".

Theo trung tá Hòa, vừa qua Công an quận Ngũ Hành Sơn quán triệt việc xử lý các trường hợp vi phạm Luật giao thông phải đảm bảo tính nghiêm minh nhưng đồng thời phải tạo môi trường thân thiện, thuyết phục đối với người vi phạm.

“Song song với biện pháp xử phạt bằng tiền phải kết hợp với việc cảnh cáo, nhắc nhở đối với người vi phạm để làm sao mục đích cao nhất là người dân nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông” - trung tá Hòa nói.

Trở lại vụ việc cô gái vi phạm đi ngược chiều bị cảnh sát bắt chép phạt 50 lần, trung tá Hòa nói: “Tôi vẫn nhận thức rằng việc yêu cầu người vi phạm chép 50 lần một “lời hứa” là không đúng quy định.

Tuy nhiên, mục đích cao nhất của cảnh sát giao thông ra đường là giám sát và hướng dẫn người dân trong việc chấp hành Luật giao thông, đi lại đúng quy định. Nếu trong trường hợp này mà chúng tôi lôi biên bản ra xử phạt bằng tiền thì đơn giản, chỉ mấy phút là xong.

Nhưng tôi tin rằng mình căn ke xử lý một người vi phạm lần đầu thì không nên. Bởi như vậy sẽ tạo ra ức chế cho người ta, nhất là người trẻ, họ không phục và từ đó hiệu quả giáo dục sẽ không cao”.

Nhắc nhở đôi khi thuyết phục hơn phạt tiền

Về việc cô gái bị bắt chép lời tự hứa 50 lần, anh Nguyễn Văn Quân, một người dân Đà Nẵng, bình luận: “Làm người dân, tôi vẫn biết việc xử lý như vậy là không đúng quy định. Nhưng tôi vẫn cảm thấy thích thú, ủng hộ trước việc làm thân thiện, nhẹ nhàng của cảnh sát giao thông Đà Nẵng.

Trong cuộc sống, đôi khi hành xử cứng nhắc quá sẽ tạo ra khoảng cách không đáng có giữa người với người. Quan trọng là làm sao cho mọi người ngày càng nâng cao ý thức để giảm thiểu tai nạn giao thông”.

Trong khi đó ông Trần Văn Thành - một người dân Nghệ An từng bị cảnh sát Đà Nẵng “xử lý” trong một lần vi phạm giao thông - kể:

“Nhân sự việc cô gái bị yêu cầu chép phạt 50 lần, tôi thấy giữa cuộc sống khô cứng, xô bồ này vẫn có nhiều điều thú vị. Năm trước, tôi là người ở xa đến Đà Nẵng công tác, mượn ôtô không để ý nên chạy qua cầu sông Hàn trong giờ cấm.

Đáng lẽ tôi bị xử phạt nặng nhưng khi biết tôi là người địa phương khác đến, thật sự vô ý nên anh cảnh sát Đà Nẵng vui vẻ nói “anh đi đi, lần sau nhớ để ý”.

Thật sự với tôi, việc nộp phạt một vài triệu đồng lúc đó cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống, nhưng cách hành xử nhẹ nhàng của anh cảnh sát tạo cho tôi ký ức, từ đó phải tự dặn mình không nên vi phạm”.

Không đúng quy định nhưng hiệu quả cao

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Lê Ngọc, trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an TP Đà Nẵng, thêm một lần nữa khẳng định việc làm trên của cảnh sát giao thông không đúng quy định, nhưng nói thật lòng là cách xử lý “lạ” đó đem lại hiệu quả cao, tạo ra sự gần gũi giữa người dân và công an.

“Anh em ra đường cứ phát hiện người dân vi phạm liền rút biên bản ra lập rồi xử phạt bằng tiền thì đơn giản lắm. Có trường hợp mình phải xử lý nghiêm vì thái độ cố tình vi phạm của người ta.

Nhưng có nhiều trường hợp mình không được cứng nhắc, phải linh hoạt trong ứng xử. Tôi nghĩ rằng ở trường hợp yêu cầu cô gái chép lại 50 lần “lời hứa” là cách xử lý linh hoạt.

Mình xử lý sao để người dân ngày càng thân thiện với mình, chứ đừng đẩy người vi phạm vào cảnh khó khăn”, ông Ngọc cho biết.

HỮU KHÁ ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên