Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc (National Worker's Football Championship) do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, báo Tuổi Trẻ và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phối hợp tổ chức. Công ty VietNews Media là đơn vị đồng hành với ban tổ chức để vận hành giải đấu.
Trước đó, ngày 21-6-2023 Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, VFF và báo Tuổi Trẻ đã đồng ký kết và ban hành kế hoạch liên tịch về việc phối hợp tổ chức Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc năm 2023.
Giải đấu sẽ được tổ chức định kỳ
Chủ tịch Quốc hội đã ký vào lá cờ và quả bóng thi đấu của giải. Qua đó chính thức phát động giải bóng đá danh giá và quy mô lớn nhất trong lịch sử dành cho công nhân Việt Nam. Lá cờ và quả bóng thi đấu của giải sau đó đã được Chủ tịch Quốc hội trao cho ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ và bà Nguyễn Thanh Hà - phó tổng thư ký VFF.
Không chỉ là sân chơi thể thao bổ ích, giải còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Giải đấu là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028.
Tại giải, ban tổ chức còn tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân. Hoạt động bên lề này được tổ chức thành "Ngày hội công nhân" với các hoạt động như gian hàng giảm giá, bốc thăm trúng thưởng, giao lưu văn hóa, văn nghệ, gặp gỡ những nghệ sĩ và cầu thủ nổi tiếng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngọ Duy Hiểu nêu rõ chương trình khởi động giải với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội cùng lãnh đạo Quốc hội, các bộ, ban, ngành đã khẳng định đây là giải thi đấu hết sức quan trọng. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với việc chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động.
Ông Hiểu cũng bày tỏ sự tin tưởng với chương trình khởi động hôm nay và sự quan tâm của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ thúc đẩy giải đấu thực sự thực chất, hiệu quả, thu hút nhiều đội bóng tham gia với tinh thần fair-play. Bên cạnh đó sẽ có sức hấp dẫn để giúp giải đấu này được tổ chức định kỳ dành cho công nhân, người lao động cả nước.
Cơ hội để công nhân thể hiện tài năng đá bóng
Ông Hiểu cũng nhấn mạnh lực lượng công nhân chính thức của Việt Nam vào khoảng 17 triệu người. Đây là những người tạo ra sản phẩm, giúp phát triển kinh tế cho đất nước. Song, họ lại đang chịu nhiều thiệt thòi như thu nhập không cao, đời sống tinh thần còn nghèo nàn.
Do đó, việc tổ chức giải đấu không chỉ là sân chơi để chăm lo đời sống tinh thần, rèn luyện sức khỏe cho công nhân, người lao động mà còn là cơ hội để họ thể hiện tài năng bóng đá của mình. Đồng thời, thông qua giải đấu sẽ giúp tăng cường đoàn kết giữa các công nhân, người lao động với nhau và các khu công nghiệp trên cả nước.
Ông Lê Thế Chữ khẳng định giải đấu là sân chơi thiết thực, bổ ích và vô cùng nhân văn dành cho công nhân lần đầu được tổ chức tại Việt Nam.
Ban tổ chức cam kết sẽ làm việc nỗ lực, hết mình để giải đấu diễn ra thành công, đúng tiến độ và vì niềm vui của người lao động. Trong vai trò đơn vị thực hiện công tác chuyên môn của giải, Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết VFF sẽ làm hết sức mình để giải đấu diễn ra trọn vẹn.
Tổng giá trị giải thưởng lên tới 800 triệu đồng
Sự kiện phát động "Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc - National Worker's Football Championship" nhằm đánh dấu, khởi động cho chuỗi hoạt động của giải đấu từ tháng 9 đến tháng
11-2023. Giải sẽ thi đấu trên sân cỏ nhân tạo, theo Luật Bóng đá 7 người do Cục Thể dục thể thao ban hành. Vòng bảng dự kiến tổ chức từ tháng 9 đến tháng 10-2023 tại tám khu vực trên toàn quốc. Vòng chung kết dự kiến tổ chức vào tháng 11-2023, với sự góp mặt của tám đội xuất sắc nhất ở tám khu vực vượt qua vòng bảng.
Cơ cấu giải thưởng của giải cũng lớn chưa từng có khi lên tới 800 triệu đồng và nhiều hiện vật giá trị. Nhà vô địch vòng bảng sẽ nhận được phần thưởng 20 triệu đồng, 15 triệu đồng cho đội đứng thứ hai và 5 triệu đồng cho mỗi đội đồng hạng ba. Phần thưởng tại vòng chung kết của giải gồm: 150 triệu đồng cho đội vô địch, 100 triệu đồng cho đội hạng nhì và 60 triệu đồng cho đội hạng ba.
Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao rất nhiều giải phụ như giải phong cách trị giá 40 triệu đồng và các giải thưởng cho các cá nhân, tập thể như Đội fair-play, Cầu thủ xuất sắc, Vua phá lưới, Thủ môn xuất sắc... với mức 10 triệu đồng mỗi giải. Những tháng qua, công tác tổ chức giải đấu đã được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, báo Tuổi Trẻ, VFF gấp rút triển khai với tinh thần chuyên nghiệp, hết mình vì người lao động.
Mỗi đội bóng là một sắc màu
Theo quy định của ban tổ chức, các đội bóng tham dự Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 phải là đội bóng đại diện duy nhất cho các công ty tại khu công nghiệp, khu chế xuất.
VĐV tham gia là nam công nhân, người lao động đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các liên đoàn lao động tỉnh, TP, công đoàn ngành trung ương và tương đương; công đoàn tổng công ty trực thuộc tổng liên đoàn; ưu tiên công nhân lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Mỗi đội bóng đăng ký tham dự tối thiểu 14 cầu thủ và tối đa 18 cầu thủ (trong đó có hai thủ môn là bắt buộc).
Món ăn tinh thần tuyệt vời cho công nhân chúng tôi!
Anh Vũ Văn Thanh (công nhân nhà máy luyện đồng tại Lào Cai thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, người có mặt tại tòa nhà Quốc hội vào chiều 28-7 để tham gia đối thoại với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ) chia sẻ: "Chúng tôi là công nhân ở miền núi xa xôi, đây là lần đầu tiên được về Hà Nội và đến tòa nhà Quốc hội.
Được dự lễ phát động giải bóng đá dành cho công nhân, tôi càng thấy thêm ý nghĩa và tự hào. Giải đấu thực sự là món ăn tinh thần quá tuyệt vời cho những người công nhân chúng tôi. Ước gì tôi và đội bóng của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam sẽ giành quyền tham dự giải đấu".
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hào - trưởng ban an toàn lao động của Tập đoàn Fecon - cho biết giải rất thiết thực bởi bóng đá vừa giúp anh em công nhân rèn luyện nâng cao sức khỏe và tạo ra năng lượng, tinh thần tốt. Từ đó khi quay trở lại làm việc sẽ giúp tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, giải đấu sẽ giúp phát triển, phát huy tinh thần liên kết tập thể anh em công nhân với nhau.
Công nhân vui khỏe, năng suất tăng
Nhiều năm gần đây, các hoạt động thúc đẩy phong trào thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe cho cán bộ, thanh niên công nhân đã được liên đoàn lao động cơ sở ở TP.HCM chăm chút.
Kết quả là nhiều người lao động bày tỏ cảm xúc vui mừng, thậm chí sảng khoái ngay cả khi họ vừa trải qua một ngày lao động.
Rất nhiều mô hình, giải pháp và cách làm sáng tạo được liên đoàn lao động các quận, huyện, liên đoàn cơ sở thực hiện nhằm nâng tầm phong trào.
Phòng giải trí bên trong nhà xưởng
Tại khu sản xuất của Công ty TNHH Schneider Electric Manufacturing Việt Nam (Khu công nghệ cao TP.HCM) - doanh nghiệp FDI với 100% vốn đầu tư của Pháp chuyên sản xuất công tắc, ổ cắm và thiết bị thông minh - có một khuôn viên rất đặc biệt nằm lọt thỏm giữa khu xưởng rộng hơn 5.000m2. Đó là một căn phòng rộng khoảng 120m2, được tô vẽ bắt mắt, bên trong được trang bị một bàn bida, hai bàn bi lắc và một bàn bóng bàn.
Cách đó không xa là gian phòng có tên "Well-being". Bà Trần Lê Bích Thảo - trưởng phòng nhân sự công ty - cho biết phòng Well-being được hiểu là "khỏe mạnh về thể chất và tinh thần". Đây là không gian dành riêng cho những cán bộ, công nhân đam mê bộ môn yoga. Các chuyên gia, HLV dạy yoga được mời đến đây 2 lần/tuần để hướng dẫn mọi người cùng tập. Ai trong công ty cũng có thể vào đây để vui chơi, nghỉ ngơi trong giờ giải lao hay sau giờ làm.
Thoải mái, người lao động mới làm việc tốt
Theo bà Thảo, muốn phát triển hơn nữa phong trào rèn luyện sức khỏe cho toàn thể người lao động thì hai phòng trên vẫn chưa đủ. Vì vậy, việc thành lập và duy trì lịch hoạt động thường xuyên của các CLB bóng đá, cầu lông, bóng bàn... cũng được công ty tích cực hỗ trợ.
Hiểu rõ khó khăn của người lao động, công ty đã đứng ra thuê luôn sân bóng đá và phòng bóng bàn ở TP Thủ Đức và Đồng Nai để phù hợp với điều kiện chỗ ở của người lao động nhằm tạo điều kiện cho người lao động thường xuyên được rèn luyện thể thao.
"Theo chúng tôi, chỉ khi người lao động vui vẻ, thoải mái thì họ mới làm việc tốt. Và mọi kinh phí sẽ do công ty chi trả", bà Thảo chia sẻ.
Từ một người chưa hề chơi môn thể thao nào nhưng đến nay chị Trịnh Thị Tâm (công nhân Công ty Schneider Electric Manufacturing Việt Nam) kể đã mê mệt với trò bi lắc. Dù cuộc sống công nhân còn nhiều áp lực nhưng việc được tham gia các trò chơi thể thao giúp chị Tâm thư thái hơn.
Hơn nữa, việc công ty quan tâm tới sức khỏe, tinh thần của người lao động giúp chị tăng thêm động lực để làm việc. Đó còn là dịp để chị giao lưu, trò chuyện thêm tình gắn kết cùng mọi người.
"Giờ thứ 9" cuối tuần
Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Củ Chi Phan Thanh Huệ cho biết phong trào thúc đẩy thói quen rèn luyện thể dục thể thao, sức khỏe cho cán bộ, thanh niên công nhân ở huyện thời gian qua đã đạt được rất nhiều thành tích.
Riêng hội thao vừa qua đã ghi nhận con số kỷ lục khi thu hút hơn 100 đội thi đấu với hơn 600 VĐV tham gia tranh tài các môn cầu lông, bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền...
Một điểm mới, theo ông Huệ, rất đáng ghi nhận trong hội thao là ban tổ chức đã mạnh dạn thay đổi cách thức tổ chức, từ việc chỉ diễn ra trong nửa ngày như các năm thì nay đã kéo dài trong hai tháng.
Vì còn phải ưu tiên cho lao động sản xuất nên thời gian diễn ra hội thao chỉ xoay quanh "giờ thứ 9" của mỗi thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Và để làm mới các hoạt động ở hội thao, Liên đoàn Lao động huyện cùng các liên đoàn cơ sở phải làm mới nội dung thi. Ông Huệ cho biết đơn vị đã đưa môn mới "bóng chuyền hơi" vào nội dung thi tại hội thao toàn huyện vừa qua.
Mỗi đội thi gồm năm người. Môn này có hình thức giống môn bóng chuyền nhưng yêu cầu kỹ thuật, kỹ năng và sức không quá cao. "Ban đầu đưa ra, các liên đoàn cơ sở cũng bỡ ngỡ nhưng khi được xem người khác chơi và được hướng dẫn lại thì anh chị em chơi rất sung, hò hét tưng bừng", ông Huệ kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận