Ông Bùi Văn Kịp - Giám đốc Kỹ thuật, Phát triển và Đăng ký sản phẩm - Nhánh Khoa học Cây trồng Bayer Việt Nam chia sẻ về cuộc thi
Được tổ chức dưới sự phối hợp giữa Khoa Nông học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Khoa Nông học của Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM và Bayer Việt Nam, cuộc thi giúp sinh viên nâng cao kiến thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn, hiệu quả và hướng đến lợi ích chung của cộng đồng; giúp sinh viên vận dụng những kiến thức đã học và truyền tải tới nông dân cũng như trang bị những kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu công việc sau khi ra trường.
Đánh giá về chương trình, PGS.TS. Nguyễn Tất Cảnh - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: "Chương trình sẽ giúp các em sinh viên trang bị những kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp về sử dụng an toàn hóa chất nông nghiệp nói chung và thuốc BVTV nói riêng. Chương trình rất hữu ích cho sinh viên, cung cấp điều kiện để sinh viên tăng cường tiếp xúc với nông dân để tuyên truyền về việc sử dụng an toàn thuốc BVTV".
Ông Bùi Văn Kịp, Giám đốc Kỹ thuật, Phát triển và Đăng ký sản phẩm - Nhánh Khoa học Cây trồng, Bayer Việt Nam cho biết cam kết sử dụng đúng cách và an toàn các sản phẩm thuốc BVTV là một phần không tách rời với việc quảng bá và cũng là sứ mệnh kinh doanh lĩnh vực thuốc BVTV của Bayer.
Với mong muốn góp phần giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững, Bayer Việt Nam hợp tác với nhà trường nhằm tăng cường kiến thức cho sinh viên, giúp các em hiểu được tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp bền vững.
"Thông qua các hoạt động giáo dục, tập huấn kỹ thuật chuyên môn, trang bị kiến thức ứng dụng thuốc BVTV cho nông dân, các bạn trẻ sẽ truyền tải thông điệp đến với người nông dân, vì tương lai nông nghiệp bền vững hãy cam kết thay đổi hành vi để sử dụng thuốc BVTV an toàn và có trách nhiệm", ông Bùi Văn Kịp chia sẻ.
Cuộc thi được triển khai với hai vòng thi. Ở vòng thi thứ nhất, các bạn sinh viên gửi bài viết trình bày quan điểm và kế hoạch huấn luyện nông dân về sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả.
Bài dự thi hợp lệ thể hiện sự sáng tạo và các nội dung: mối quan tâm của sinh viên về môi trường và sức khỏe cộng đồng, dẫn chứng về hậu quả của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không an toàn, cách thức sinh viên tiếp cận và huấn luyện nông dân hiệu quả, kế hoạch huấn luyện nông dân cụ thể.
Sinh viên tham gia thực hành mặc trang phục an toàn khi sử dụng thuốc BVTV
Ban giám khảo sẽ lựa chọn 20 kế hoạch xuất sắc nhất tham dự vòng thi thứ hai. Tại đây, 20 sinh viên sẽ được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động và tập huấn kiến thức: kỹ năng chuyên môn thuốc BTVT, kỹ năng thuyết trình, quản lý dự án… để sinh viên dễ dàng tiếp cận và hướng dẫn bà con nông dân. Dự án đạt kết quả xuất sắc nhất vòng thi thứ hai sẽ được chọn tham dự chương trình "Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả cho nông dân" tại Châu Âu.
"Khoa Nông học kỳ vọng có thể hợp tác với Bayer Việt Nam để tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các hoạt động thực tiễn, các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ đến nông dân; trực tiếp tham gia các hoạt động hỗ trợ nông dân (3 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm) cũng như sử dụng hóa chất nông nghiệp một cách an toàn, đúng đắn để đảm bảo tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, an toàn cho người sản xuất, tiêu dùng và an toàn cho môi trường", Tiến sĩ Võ Thái Dân, Trưởng Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM chia sẻ.
SV Trần Quốc Toàn - bìa trái là người chiến thắng cuộc thi Đại sứ sử dụng an toàn thuốc BVTV
Chàng Đại sứ sử dụng thuốc BVTV an toàn và có trách nhiệm 2017
Vượt qua 36 dự án xuất sắc nhất, Trần Quốc Toàn (An Giang), sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đã chiến thắng với đề tài "Thu đổi vỏ bao hóa chất, chai nhựa thuốc BVTV đã qua sử dụng" và trở thành Đại sứ sử dụng thuốc BVTV an toàn và có trách nhiệm 2017 được tham quan học tập tại Châu Âu.
Trở về sau chuyến hành trình 7 ngày ở Đức, Quốc Toàn cho biết: "Chương trình đã tạo cơ hội để em tiếp cận với nền khoa học hiện đại, em được làm việc trực tiếp cùng với nhà khoa học trên thế giới cũng như tham quan các công trình nghiên cứu: nuôi ong mật hoặc ông bầu giúp hoa thụ phấn, mô hình cánh đồng mẫu (lúa mạch, rau màu, cây ăn quả…). Thiết nghĩ, các bạn sinh viên nên tự tin, thể hiện nhiệt huyết của tuổi trẻ tham gia chương trình để có cơ hội mở rộng kiến thức và phát triển nghề nghiệp trong tương lai".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận