Nhiều bạn đọc cho biết chuyện phát đơn xin không thi tuyển sinh vào lớp 10 không phải cá biệt tại Trường THCS Nguyễn Văn Bứa (Hóc Môn, TP.HCM), cũng không phải chỉ diễn ra mới đây.
Học sinh khá cũng được khuyên không tuyển sinh lớp 10
Theo tài khoản lavi****@gmail.com: "Vụ việc này đã hình thành vài năm trước đây. Ban giám hiệu họp phụ huynh khối lớp 9 đặt vấn đề: Động viên các em lớp 9 học yếu thì viết đơn không tham dự kỳ thi tuyển vào lớp 10. Bởi các em thi cũng trượt thôi, mà trượt thì làm thành tích của trường tụt xuống.
Các em làm đơn không thi thì nhà trường sẽ nâng điểm để các em học yếu đó đạt tốt nghiệp THCS, rồi đăng ký học lớp 10 trường tư thục hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề.
Nếu các em yếu không làm đơn "không thi tuyển sinh" thì nhà trường sẽ cho các em rớt lớp 9.
Bản chất sự việc là "hai bên cùng có lợi". Nhà trường thì được tỉ lệ học sinh tốt nghiệp 100% và tỉ lệ đậu lớp 10 cao, các em học yếu được tốt nghiệp lớp 9".
Bạn đọc Nguyễn Ngọc Anh kể thêm: "Ngay tại ngoại thành Hà Nội nơi tôi đang ở, không những giáo viên ép học sinh có học lực yếu mà cả những học sinh trung bình khá cũng không đăng ký tuyển sinh lớp 10. Nhà trường còn tổ chức cho đội ngũ tư vấn các trường trung học nghề để tiếp cận và định hướng cho các em nữa!".
Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, bạn đọc Tuấn chia sẻ "nỗi buồn của một giáo viên dạy lớp 9". "Đó là ngành giáo dục còn nặng nề bệnh thành tích, như quận nơi tôi dạy năm nay đặt chỉ tiêu vào công lập 86%, mỗi môn thi trên trung bình khoảng 70%.
Là giáo viên môn toán, tôi dám chắc một điều rằng chỉ tiêu môn toán trên trung bình 70% rất khó đạt được (trừ những trường top đầu). Điều này gây ra áp lực rất nặng nề cho giáo viên lớp 9.
Chính vì bị giao chỉ tiêu quá cao như thế, tất cả hiệu trưởng và giáo viên lớp 9 đều biết không thể đạt được. Do đó họ mới có kế hoạch tư vấn cho các em học còn yếu, học lực trung bình khá lựa chọn không thi tuyển lớp 10.
Nếu còn đánh giá giáo viên, xếp hạng trường THCS theo chỉ tiêu thi tuyển vào lớp 10 thì tình trạng này sẽ không bao giờ chấm dứt".
Chuyện không đáng trách?
Tuy nhiên, một số bạn đọc có góc nhìn khác về chuyện này.
Bạn đọc Lê Hào viết: "Nhìn ở mặt tích cực thì nhà trường cho phụ huynh cam kết không thi lên lớp 10 công lập là chuyện không phải đáng trách. Bám sát năng lực học sinh, biết học sinh thi chắc chắn rớt thì tham gia thi làm gì cho tốn tiền của gia đình và xã hội.
Cho các em quen dần với việc muốn làm gì cũng căn cứ vào năng lực, chứ không phải thi cho có, cho vui. Hãy dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật cho các em đi theo con đường phù hợp với năng lực mới thức thời và đúng đắn".
Đồng tình, độc giả Lê Văn Vinh viết: "Cô thầy làm sai, nhưng bản chất là đúng. Vì nhiều học sinh hiện nay học không biết gì mà cũng được công nhận tốt nghiệp THCS.
Theo tôi, các em học yếu, kém nên chọn học nghề".
Tranh luận lại, bạn đọc Hùng Dũ có ý kiến: "Trình độ học tập các em có thể khác nhau nhưng hãy nên cho các em thử sức. Nếu không đạt thì học trường nghề cũng không muộn. Nhà trường và giáo viên không được phép tước đoạt cơ hội của các em".
"Cũng là một lần thử sức trong đời mà, đi thi có mất mát gì đâu, sao không cho các em tham gia. Quan trọng là kỳ thi phải nghiêm túc, hiệu quả", độc giả Đảm Ý bình luận.
Theo bạn đọc Dung: "Học sinh bây giờ đa số có điều kiện được học hành, cứ động viên và tư vấn cho các em thi theo nguyện vọng. Nếu có rớt thì cũng xem như trải nghiệm sau này trong cuộc sống".
Bạn đọc Thuy An nhắn gửi: "Hãy cho các em được hưởng quyền của học sinh, được bình đẳng thi vào lớp 10. Thầy cô nên động viên để các em được thi vào trường cấp 3 mà các em mơ ước. Sau có kết quả em nào không đỗ vào lớp 10 hãy phân luồng.
Tại sao không để sau khi các em thi vào lớp 10, em nào không đỗ thì phân luồng. Lúc đó các em học nghề, học trường dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên vẫn chưa muộn mà".
Cùng quan điểm, độc giả Nhật viết: "Việc một học sinh có thể tốt nghiệp THCS và vào THPT nên được đánh giá thông qua kỳ thi, chứ không phải ý kiến chủ quan của giáo viên. Nếu thầy cô đánh giá tốt nghiệp được thì xét tốt nghiệp, chứ cần chi phải tổ chức kỳ thi cho tốn kém".
Và tài khoản BKT đặt vấn đề: "Chuyện phát đơn không thi tuyển lớp 10 liệu có đi ngược với giá trị vốn có của giáo dục là kích thích sự tích cực của người học? Chuyện này không thể bắt nguồn chỉ từ mỗi giáo viên!".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận