Phóng to |
Khách hàng tụ tập trước tòa nhà Petroland yêu cầu chủ đầu tư bàn giao nhà - Ảnh: Hữu Khoa |
Tại TP.HCM chỉ trong cuối tháng 6 đầu tháng 7, hàng loạt đơn từ khởi kiện chủ đầu tư đã được các nhóm khách hàng soạn thảo gửi đến tòa án.
Đưa nhau ra tòa
"Các khách hàng nên hợp thành những nhóm để thống kê số liệu khách hàng đóng tiền nhằm tìm giải pháp thương thảo với chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư cù cưa, không nhiệt tình giải quyết, các nhóm khách hàng mới kiện ra tòa. Khi ra tòa với số đông và các con số xác thực sẽ thuyết phục tòa án hơn" Chuyên gia Đinh Thế Hiển |
Có ý định mua nhà khi vừa mới cưới xong, đến nay con đã biết đi nhưng gia đình anh Tuấn, chị Ngà vẫn phải sống cảnh ở trọ.
Cách đây ba năm, vợ chồng anh Tuấn dốc hết số tiền tiết kiệm và vay mượn thêm của gia đình để mua nhà của dự án căn hộ cao cấp và trung tâm thương mại Contentment Plaza (tại thị xã Thuận An, Bình Dương). Dự án do Công ty TNHH XD-DV-TM đầu tư bất động sản Tường Phong (Q.11, TP.HCM) làm chủ đầu tư.
Anh Tuấn cho biết: “Kể từ lúc ký hợp đồng góp vốn, tôi đã ba lần chuyển tiền cho công ty, tổng cộng số tiền 490 triệu đồng. Cách đây một năm, công ty đưa ra lý do khó khăn phải ngừng dự án và chấm dứt hợp đồng với tôi. Tuy nhiên lại không hoàn trả tiền cho chúng tôi”.
Tương tự, ròng rã nhiều tháng qua bà Trần Thị Châu Giang mất ăn mất ngủ với với đống hồ sơ kiện tụng chất cao trong nhà. Đầu năm 2010, gia đình bà Giang được xét duyệt đủ điều kiện mua một căn hộ tại dự án căn hộ PetroVietnam Landmard (Q.2) do Công ty CP Bất động sản điện lực dầu khí VN (PVC LAND) làm chủ đầu tư.
Sau khi ký hợp đồng mua căn hộ, bà Giang thanh toán đủ trị giá căn hộ cho PVC LAND gần 2 tỉ đồng, nhưng sau bao nhiêu năm nhà chẳng có, chỉ thấy rước về những nỗi bực dọc.
Bà Giang bức xúc: “Biết là thị trường bất động sản đang khó khăn nên chia sẻ với chủ đầu tư, nhưng hàng chục lần làm việc với chủ đầu tư tôi không những không được giải đáp thỏa đáng mà họ còn thách thức tôi khiếu kiện”. Hiện đơn khởi kiện của bà Giang vẫn còn “nằm lại” ở TAND Q.2.
Đầu tháng 7-2013, hàng trăm khách hàng mua căn hộ của dự án chung cư Mỹ Phú (60-68 Lâm Văn Bền, P.Tân Kiểng, Q.7, TP.HCM) tụ tập trước tòa nhà Công ty CP Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) với băngrôn yêu cầu chủ đầu tư dự án này là Petroland bàn giao nhà đúng thỏa thuận.
Nhiều khách hàng cho biết sẽ khởi kiện ra tòa nếu chủ đầu tư tiếp tục cù cưa. Theo hợp đồng ký kết, đến quý 3-2012 (hoặc có thể chậm thêm ba tháng) Petroland phải bàn giao nhà nhưng đến nay khách hàng vẫn chưa nhận được nhà.
Phóng to |
Chủ đầu tư lẩn tránh
Trước áp lực khởi kiện của khách hàng, nhiều chủ đầu tư giãi bày những khó khăn không thể tiếp tục dự án. Tuy nhiên, không ít chủ đầu tư lẩn tránh trách nhiệm, thậm chí “phủi tay” lặn mất tăm khiến khách hàng hoang mang.
Từ tháng 7-2006, bà Oanh (Q.8, TP.HCM) mua một lô đất nền tại khu 6B thuộc dự án đất nền tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh của Công ty TNHH TM-XD Sài Gòn Viễn Đông.
Sau khi ký hợp đồng, bà Oanh đã đóng cho chủ đầu tư số tiền 350 triệu đồng, tuy nhiên chủ đầu tư nhận tiền rồi lặn mất tăm. “Tôi đã nhiều lần liên lạc với Công ty Sài Gòn Viễn Đông nhưng họ né tránh. Lần gần đây nhất tôi gọi điện lên thì nhân viên công ty nói giám đốc bị bệnh đi viện chưa ai giải quyết” - bà Oanh bức xúc.
Theo tìm hiểu, hợp đồng của bà Oanh là hợp đồng góp vốn thực hiện dự án và có quy định rõ nếu sau 18 tháng kể từ ngày chủ đầu tư có giấy phép giao đất của UBND TP.HCM mà không giao đất cho bà Oanh, thì sẽ phải trả lại tiền góp vốn và tiền lãi theo lãi suất ngân hàng.
Với dự án chung cư Mỹ Phú (Q.7), sau ngày hàng trăm khách hàng kéo đến đòi quyền lợi, chủ đầu tư đã có biên bản nhằm “hạ nhiệt” sự bức xúc của khách hàng.
Tại biên bản này, đại diện Công ty Petroland cho biết: “Hiện chủ đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu xếp vốn nên sẽ thực hiện bàn giao căn hộ cho khách hàng bắt đầu từ tháng 12-2013”. Đáng nói đây không phải là văn bản hứa hẹn giao nhà đầu tiên của chủ đầu tư...
Trong khi đó, bà Phạm Thị Ngọc Liên - phó tổng giám đốc Công ty TNHH XD-DV-TM đầu tư bất động sản Tường Phong - nói: “Do khó khăn về vốn, dự án đã buộc phải tạm ngưng khi đang nằm ở giai đoạn khoan cọc nhồi. Chúng tôi đã gửi thông báo đến tất cả khách hàng và cam kết hoàn lại toàn bộ số tiền gốc và lãi cho họ nhưng chưa thực hiện được...”.
Theo tìm hiểu, dự án của Tường Phong mới chỉ dừng lại ở mức khoan cọc nhồi, tức chưa hoàn thiện móng nhưng đã tiến hành huy động vốn của khách hàng. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần đẩy rủi ro của khách hàng lên nhiều lần.
Xem kỹ hợp đồng khi mua
Theo luật sư Trần Lê Tiến - Đoàn luật sư TP.HCM, hiện các vụ kiện rơi vào ba trường hợp là chủ đầu tư đã hủy hợp đồng nhưng không hoàn tiền cho khách. Chủ đầu tư cù cưa không giao nhà cho khách nhiều năm liền nhưng chưa hủy hợp đồng.
Và loại hợp đồng góp vốn. Thường chủ đầu tư và khách hàng hay xảy ra tranh chấp ở nội dung giao nhà chậm và phần lớn lỗi này thuộc về chủ đầu tư. Tuy nhiên do khi ký hợp đồng, khách hàng không làm rõ trách nhiệm bồi thường vì giao nhà chậm cho cụ thể từng loại.
Luật kinh doanh bất động sản đã quy định nhà đầu tư phải bồi thường nếu giao nhà chậm, nhưng trong hợp đồng thường nhà đầu tư không ghi rõ cụ thể các loại vi phạm và phạt mỗi loại vi phạm hợp đồng là bao nhiêu gây bất lợi cho khách mua nhà...
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng hiện nay các tranh chấp dẫn đến đưa nhau ra tòa giữa người mua căn hộ, đất dự án rộ lên nhiều nơi. Thực trạng này được cảnh báo từ những năm 2007 khi thị trường bất động sản đang phát triển nóng. Theo ông Hiển, với những tranh chấp giao nhà không đúng chất lượng cam kết thì kiện là điều tất nhiên, còn giao nhà không đúng tiến độ cực chẳng đã mới đưa nhau ra tòa.
“Đầu tiên các khách hàng nên hợp thành những nhóm để thống kê số liệu khách hàng đóng tiền nhằm tìm giải pháp thương thảo với chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư cù cưa, không nhiệt tình giải quyết thì các nhóm khách hàng mới kiện ra tòa. Khi ra tòa với số đông và các con số xác thực sẽ thuyết phục tòa án hơn.
Các vụ kiện dân sự này nếu ràng buộc nhau với hợp đồng mua nhà thì khách hàng có khả năng thắng kiện cao, vì hầu hết hợp đồng đã quy định nếu chủ đầu tư giao nhà trễ phải chịu trách nhiệm” - ông Hiển nói.
Ông Hiển còn khuyến cáo với những khách hàng mới cần phải xem kỹ các điều khoản trong hợp đồng, đặc biệt các điều khoản quy định trách nhiệm khi có rủi ro xảy ra.
Thuê xã hội đen dọa chủ đầu tư Cuối tháng 6 tại trụ sở Công ty bất động sản TH (Q.11, TP.HCM) trong số hàng chục khách hàng đang vây quanh trụ sở công ty này đòi trả lại tiền góp vốn có năm thanh niên bặm trợn bước vào đòi tiền. Đập tờ giấy ủy quyền đòi nợ xuống bàn, năm thanh niên vây quanh bà L. - phó giám đốc công ty - đe dọa nếu không trả tiền sẽ “có chuyện xảy ra”. Sau một hồi thương lượng, bà L. chấp nhận trả. Theo tìm hiểu, năm thanh niên kia được bà T. - một khách hàng mua nhà của dự án này - thuê đi đòi nợ với cam kết bà T. phải trả cho năm thanh niên 160 triệu trong số 320 triệu đồng đòi được. Đ.DÂN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận