Cộng đồng mạng xã hội xôn xao với tin “chê chủ tịch UBND tỉnh trên Facebook, bị phạt tiền và kỷ luật” - Ảnh: T.Tr. |
Như Tuổi Trẻ thông tin, Sở Thông tin - truyền thông tỉnh An Giang vừa ra quyết định xử phạt và kỷ luật ba cán bộ vì tỉnh trên Facebook.
Theo đó, bà Lê Thị Thùy Trang (giáo viên Trường THPT Long Xuyên, TP Long Xuyên) và ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc (nhân viên Điện lực An Giang) mỗi người 5 triệu đồng. Còn bà Phan Thị Kim Nga (phó văn phòng Sở Công thương) chỉ bị nhắc nhở.
Ba cán bộ này còn bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền, do họ đưa thông tin lên Facebook xúc phạm danh dự, ảnh hưởng uy tín chủ tịch UBND tỉnh An Giang.
Trước đó sau khi đọc báo trên mạng có nội dung Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bà Trang tải lại thông tin này lên Facebook cá nhân rồi bình luận chê chủ tịch UBND tỉnh...
Từ đó nhiều người, trong đó có ông Phúc vào comment, câu like trên Facebook của bà Trang.
Thời điểm trước đại hội Đảng bộ tỉnh
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Xe - bí thư Đảng ủy khối dân chính Đảng tỉnh An Giang - cho biết trên Facebook cá nhân của bà Trang và một số comment có những nội dung xúc phạm tương đối nặng nề ảnh hưởng đến uy tín chủ tịch UBND tỉnh.
Thời điểm đó đang trước thềm đại hội Đảng bộ tỉnh, sợ những thông tin đó ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo tỉnh, của Đảng bộ tỉnh nên các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, kiểm tra làm rõ, sau đó làm việc với các cơ quan chủ quản nơi ba cán bộ này công tác.
Cả ba đều đã làm tường trình, kiểm điểm, thừa nhận hành vi sai trái. “Vụ việc được báo cáo với Ban nội chính Tỉnh ủy, với Đảng ủy khối dân chính Đảng.
Đảng ủy khối dân chính Đảng đã làm việc, yêu cầu Sở Giáo dục - đào tạo, Sở Công thương và Điện lực An Giang tiến hành kiểm điểm, xem xét xử lý cán bộ của mình. Tất cả đều thực hiện đúng quy định pháp luật, đúng quy trình, công khai” - ông Xe khẳng định.
Mức phạt có tính nhắc nhở
Ông Trương Minh Thuần, giám đốc Sở Thông tin - truyền thông tỉnh An Giang, cho biết sau khi cơ quan chức năng làm việc, bà Trang đã gỡ bỏ nội dung xúc phạm lãnh đạo tỉnh khỏi Facebook cá nhân.
Còn bà Nga khai do chồng mình là ông Phúc đã dùng mật khẩu vào Facebook của bà, rồi câu like hùa theo nên bà Nga không bị xử phạt.
Bà Trang và ông Phúc bị phạt hành chính do đã vi phạm truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín, danh dự người khác.
Việc xử phạt căn cứ điểm G, khoản 3, điều 66 theo nghị định 174 ngày 13-11-2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính tần số viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến.
“Sở đã cân nhắc, xem xét xử lý đúng các quy định, mỗi người bị phạt hành chính 5 triệu đồng mới là mức xử phạt đầu khung, có tính nhắc nhở” - ông Thuần nói.
Việc xử phạt, kỷ luật này dư luận có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Phần lớn cho rằng việc xử lý căn cứ vào quy định pháp luật như Luật viên chức, quy định về Đảng là có cơ sở.
Tuy nhiên nếu xét về tình và nếu cân nhắc xem xét kỹ thì mức độ vi phạm của ba cán bộ trên chưa cần phải xử lý kỷ luật nặng như thế.
“Mỗi người có quyền bày tỏ ý kiến, nhận định về người khác trên Facebook cá nhân của mình. Đấy là điều thường gặp trên mạng xã hội.
Nếu xét thấy nội dung đó có xúc phạm lãnh đạo tỉnh, lẽ ra chỉ nên chỉ rõ sai trái, kiểm điểm và nhắc nhở họ thì thể hiện được tính khoan dung, độ lượng, như vậy sẽ thu phục nhân tâm hơn.
Việc kỷ luật vô tình làm nhiều người ngộ nhận, tạo ra thêm những dư luận không hay lắm” - nhiều cán bộ về hưu bày tỏ.
Phạt thiếu căn cứ, không thuyết phục
Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, khẳng định việc xử phạt đối với cô giáo Trang và ông Phúc trong trường hợp trên là thiếu căn cứ, không thuyết phục.
Cơ quan chức năng căn cứ nghị định 174/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện để xử phạt.
Trong khi chỉ có điểm G, khoản 3, điều 66 nghị định 174 quy định hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” thì bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Phân tích trong trường hợp này, cơ quan chức năng xử phạt hành chính là thiếu căn cứ về cả hành vi vi phạm tương ứng và mức xử phạt.
Theo tiến sĩ Tuyết Dung, việc cô giáo Trang dẫn lại trên Facebook của mình thông tin được đăng tải chính thống, công khai về việc Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm chủ tịch tỉnh là không sai.
Cô giáo Trang đăng thêm dòng nhận xét dưới tấm hình của chủ tịch tỉnh rằng “nhìn cái mặt kênh kiệu” cũng hoàn toàn bình thường, không có gì là vi phạm pháp luật đến mức phải xử phạt hành chính. Bởi lẽ, chủ tịch tỉnh là người làm chính trị, người của công chúng.
Thông tin và hình ảnh của lãnh đạo tỉnh được phát, truyền thông thường xuyên trên các phương tiện. Nếu có người dân nào đó cảm thấy ghét, thương, “nhìn kênh kiệu”... thì cũng là cảm xúc bình thường của mọi người và họ có quyền bày tỏ cảm xúc đó.
Ở nhiều nước phương Tây, các chính trị gia còn bị cử tri, người dân phê phán, lên án, thậm chí ném cà chua, trứng để bày tỏ bức xúc trước chính sách, quyết định của chính trị gia...
Trong khi đó cô giáo Trang chỉ ghi dòng cảm xúc dưới tấm hình chủ tịch tỉnh như thế thì không đủ dấu hiệu cho rằng vi phạm “đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm người khác”. Còn ông Phúc chỉ là người comment, “like” mà cũng bị xử phạt.
Việc các cơ quan chức năng căn cứ vào quy định xử lý kỷ luật mức cảnh cáo đối với viên chức (cô giáo Trang) và kỷ luật cán bộ công chức (đối với bà Nga) với hành vi trên là không rõ ràng, không thuyết phục.
Cùng quan điểm, tiến sĩ Lê Minh Hùng - giảng viên Đại học Luật TP.HCM - cho biết về pháp lý thì chưa thấy có dấu hiệu vi phạm hành chính đến mức xử phạt của cô giáo Trang và ông Phúc.
Theo tiến sĩ Minh Hùng, chủ tịch tỉnh là chính trị gia nên người dân, cử tri có cảm xúc thương ghét và bày tỏ như thế cũng là bình thường.
Tuy nhiên, ở góc độ là người công tác trong ngành giáo dục, là viên chức (cô Trang), cán bộ công chức, đảng viên (bà Nga) nếu có bức xúc, không hài lòng nào đó về chủ tịch tỉnh thì cũng nên bày tỏ trong phạm vi, phương thức hợp lý, hợp tình hơn.
Trong trường hợp này, cơ quan chức năng xử phạt hành chính, kỷ luật là chưa ổn và không nên thay vì họ hoàn toàn có thể lý giải, vận động, giải tỏa tâm tư... đối với cô giáo Trang đăng sự việc trên lên Facebook (cùng với bà Nga, ông Phúc) với tinh thần xây dựng, nhắc nhở.
Nếu hành xử như thế, cơ quan chức năng chưa đạt được lý mà cũng chưa đạt được tình trong công tác dân vận...
Có thể khiếu nại hoặc khởi kiện Một số luật sư cho rằng muốn xử lý kỷ luật ba cán bộ này, cơ quan chức năng cần phải chứng minh được những nội dung đưa lên Facebook cá nhân đó đã gây mất uy tín, thiệt hại cụ thể thế nào đối với vị chủ tịch UBND tỉnh. Luật sư Võ Đức Toàn - văn phòng luật sư Võ Đức Toàn, Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết hành vi của ba cán bộ này bị kỷ luật như vậy là quá... nghiêm khắc. Thay vì cơ quan chức năng chỉ nên nhắc nhở, yêu cầu rút kinh nghiệm thì thuyết phục hơn, người vi phạm cảm thấy tâm phục khẩu phục. Theo luật sư Toàn "ba cán bộ này có quyền khiếu nại các quyết định kỷ luật, quyết định xử phạt hành chính đối với mình; hoặc khởi kiện ra tòa yêu cầu hủy các quyết định đó. Tòa án có nghĩa vụ phải thụ lý vụ kiện”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận