Người biểu tình tại Berlin (Đức) ngày 12-10, theo giờ địa phương - Ảnh: REUTERS
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu cuộc tấn công lực lượng dân quân người Kurd từ hôm 9-10. Ankarra từ lâu coi lực lượng này là các phần tử khủng bố, mặc cho sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.
Trong một tuyên bố chung giữa các cơ quan ngoại giao và quốc phòng, Pháp cho biết đã ngừng mọi kế hoạch bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, những thứ giúp Ankara leo thang cuộc tấn công tại Syria.
Tuyên bố trên được Paris đưa ra chỉ vài giờ sau khi Berlin thông báo quyết định tương tự. Đức là một trong những nhà cung cấp vũ khí chính của Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số quốc gia châu Âu đã lên tiếng chỉ trích các vụ tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, Phần Lan, Na Uy và Hà Lan đã tuyên bố ngừng xuất khẩu vũ khí sang nước này.
Biểu tình tại Frankfurt, Đức - Ảnh: REUTERS
Biểu tình tại Cologne, Đức - Ảnh: REUTERS
Hàng ngàn người tại nhiều thành phố lớn của châu Âu cũng xuống đường để phản đối hành động của Thổ Nhĩ Kỳ.
Người biểu tình mặc trang phục xanh, đỏ và vàng theo màu cờ của lực lượng Kurd và chỉ trích Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, theo Hãng tin AFP.
Ban tổ chức cho biết hơn 20.000 người đã tham gia biểu tình tại Paris (Pháp) hôm 12-10. Biểu tình cũng diễn ra ở một số thành phố khác tại Pháp như Marseille, Strasbourg, Bordeaux, Lille và Grenoble.
Hãng tin DPA cũng thông báo hơn 10.000 người tại Cologne và vài trăm người khác rải rác khắp nước Đức đã xuống đường.
Cờ của người biểu tình tại khu vực tháp Eiffel, Paris, Pháp - Ảnh: REUTERS
Biểu tình còn diễn ra tại thủ đô Budapest (Hungary), Nicosia (Cyprus) và Hi Lạp.
Cả 2 tuyên bố của Pháp và Đức hôm 12-10 cảnh báo xung đột có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng về phương diện nhân đạo.
Theo bản báo ngày 13-10 của tờ Bild của Đức, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết nước này sẽ không cấp phép mới cho bất kỳ thiết bị quân sự nào có khả năng được sử dụng bởi Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.
Người dân xuống đường biểu tình tại Hi Lạp - Ảnh: REUTERS
Đáp lại, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói với Đài phát thanh Deutsche Welle rằng cuộc tấn công của Thổ vào lực lượng người Kurd là "vấn đề về an ninh quốc gia, về sự sống còn".
Ông Cavusoglu nhấn mạnh bất kỳ lệnh cấm vận vũ khí nào sẽ chỉ củng cố quyết tâm của Ankara.
"Ngay cả khi các đồng minh của chúng tôi ủng hộ tổ chức khủng bố, ngay cả khi chúng tôi đơn độc, ngay cả khi lệnh cấm vận được áp dụng, bất kể họ làm gì, cuộc đấu tranh của chúng tôi đều nhằm vào tổ chức khủng bố này", ông Cavusoglu đáp trả mạnh mẽ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận