Hình ảnh bị giật liên tục trong trận đấu Nhật Bản - Colombia tối 19-6 - Ảnh: ĐỨC THIỆN
"Bóng đá hấp dẫn nhất là những khoảnh khắc bất ngờ dẫn đến bàn thắng, những diễn biến nhanh chóng và cả những pha bóng khiến người xem mừng hụt. Nhưng với gia đình tôi và một số hộ dân khác, điều đó đã mất đi nhiều vì sự chậm trễ của truyền hình qua mạng so với xem trực tiếp trên truyền hình thông thường" - anh Hoàng Lâm, chung cư Saigonres (quận Bình Thạnh, TP.HCM), chia sẻ.
Người ta "vào" còn mình "xoay vòng vòng"!
Vì ở trong chung cư việc bắt truyền hình vệ tinh rất bất tiện, trong khi nhà đã có sẵn đường truyền Internet cáp quang tốc độ cao nên anh Lâm tận dụng đường Internet để xem truyền hình.
"Tôi mua luôn một chiếc set-top-box của Công ty FPT để dễ dàng xem các kênh truyền hình trên cùng đường truyền của nhà mạng này. Bình thường việc xem các kênh truyền hình rất tốt, nhưng khi có sự kiện có nhiều người xem như World Cup là có vấn đề".
"Tình trạng mà tôi và nhiều người khác ở đây gặp phải là diễn biến chậm hơn so với quán cà phê trực tiếp đá banh xung quanh. Khi tôi còn đang háo hức theo dõi một pha bóng thì họ đã hô "vào!", mấy chục giây sau tôi mới thấy bàn thắng. Tình trạng cứ thế tiếp diễn khiến chúng tôi hết cả hào hứng", anh Lâm than phiền.
Tương tự, anh Công Long (quận 6) phản ảnh nhiều trận banh thường xuyên đứng hình và giật rất khó chịu dù sử dụng mạng 4G: "Khi thấy nhà mạng Viettel quảng cáo có gói cước 4G xem World Cup rất ngon, tôi đã đăng ký để xem trên điện thoại cho tiện nhưng tình trạng thường xuyên gặp phải qua các trận banh đầu tiên là hình ảnh bị giật, thậm chí đứng hình rất lâu, giống như bị nghẽn mạng".
Ngày càng có nhiều người xem World Cup 2018 trên điện thoại di động - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Lượng người gặp phải tình trạng như anh Long rất nhiều. Việc dễ dàng tìm thấy các điểm phát sóng WiFi cũng như mạng 4G đã khiến nhiều người sử dụng thiết bị cá nhân (smartphone, máy tính bảng, laptop) để xem đá banh tiện lợi mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là sinh viên, công nhân, thế nhưng tình trạng tốc độ không ổn định, lúc nhanh lúc chậm như hiện nay đang khiến nhiều người dùng bức xúc vì nó không đúng so với những lời quảng cáo về dịch vụ và tốc độ của các nhà cung cấp.
Không chỉ khó chịu khi bỏ tiền nhưng chỉ xem được những trận banh "cà giật", có người còn bị thiệt hại khá nặng khi chấp nhận đầu tư nhưng lại ế khách. Anh Minh Phúc, kinh doanh quán cà phê ở quận Thủ Đức, bức xúc cho biết anh mở quán cà phê để khách xem trực tiếp bóng đá là chính, vì vậy anh đã chấp nhận đầu tư hẳn một đầu thu xịn để xem kênh chất lượng cao (HD) phục vụ khách.
"Thế nhưng hình ảnh trận đấu quán tôi có được lại chậm hơn 5, 6 giây so với quán bên cạnh dù họ chỉ dùng loại rẻ tiền. Hậu quả là khách chuyển qua quán bên cạnh", anh Phúc bức xúc.
Xem World Cup qua ứng dụng trên điện thoại di động - Ảnh: NAM TRẦN
Nghẽn do lượng người dùng tăng đột biến
Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện FPT Telecom cho biết: "Trong quá trình tiếp sóng World Cup 2018, lượng truy cập trên truyền hình OTT (Over-The-Top) FPT Play tăng gấp khoảng 10 lần so với bình thường.
Do đặc thù của dịch vụ OTT là khách hàng dùng ở nhiều hạ tầng mạng khác nhau cũng như phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng mạng Internet của người dùng nên có một số thời điểm đã xảy ra tình trạng giật, lắc hoặc loading (tải) trên các thiết bị, đặc biệt là Android box. Đội ngũ kỹ thuật của FPT Telecom đã phải nỗ lực tối đa, phân tách lượng người dùng trên các nền tảng để khắc phục việc này".
Giải thích cụ thể hơn, ông Phan Thanh Giản, giám đốc điều hành dịch vụ Clip TV, cho rằng có 2 lý do chính gây nên tình trạng giật hình khi xem World Cup. Lý do đầu tiên là hệ thống máy chủ quá tải và đường truyền nội bộ giữa các trung tâm dữ liệu bị quá tải băng thông. Lý do thứ hai là lượng truy cập Internet lớn tại khu vực của người dùng.
Ông Nguyễn Văn Tấn - phó tổng giám đốc VNPT Media, đơn vị cung cấp dịch vụ MyTVnet - cho biết số lượng người sử dụng MyTV tăng đột biến, vượt xa mức dự kiến của nhà cung cấp dịch vụ.
Theo ông Tấn, số lượng người sử dụng xem bóng đá qua MyTV tăng đột biến vì đây là dịch vụ truyền hình Internet được cung cấp không thu phí, trong khi các nhà cung cấp dịch vụ tương tự đều thu phí. Tuy nhiên, VNPT Media đã tăng gấp bốn lần đường truyền dẫn của hệ thống MyTV, đồng thời bổ sung server cho các điểm mạng.
Một số nhà mạng khác cũng cho biết họ đã "nâng cấp hệ thống máy chủ lên gấp vài lần" sau khi ghi nhận có tình trạng người dùng bị nghẽn khi xem World Cup.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông nói: "Các nhà mạng thường đưa ra lý do như lượng người dùng tăng đột biến, các sự cố mạng... là hoàn toàn đúng nhưng cũng kèm theo đó là bài toán tối đa lợi nhuận. Chẳng hạn, để bán được nhiều thiết bị set-top-box thì sản phẩm của nhà mạng A sẽ được hỗ trợ tốt hơn khi dùng trên mạng Internet của A thay vì dùng trên mạng B hoặc set-top-box các thương hiệu X, Y, Z có thể sẽ bị "làm khó" khi dùng trên mạng A...".
Chuyên gia này cho rằng vì World Cup diễn ra chỉ đúng 1 tháng, các nhà mạng đương nhiên sẽ chọn cách tối ưu hệ thống, đường truyền thay vì trang bị thêm máy chủ hoặc thuê thêm máy chủ, băng thông làm tốn chi phí đầu vào.
"Còn việc người dùng sử dụng ra sao là... tùy họ, gặp sự cố thì nhà mạng... từ từ giải quyết từng trường hợp một nếu có phản ánh, nhưng tiền thì luôn phải đóng đúng thời hạn, đóng đủ cước phí", chuyên gia này nói.
Đường truyền tín hiệu trận đấu đến khán giả - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Làm thế nào để xem "ngon lành"?
- Cách xem các trận bóng World Cup tốt nhất hiện nay là qua các kênh truyền hình truyền thống (tivi mới đã có tích hợp sẵn chức năng thu sóng DVB-T2, tivi cũ chưa có thì phải trang bị đầu thu DVB-T2).
- Với người dùng xem qua Internet, việc xem qua đường truyền cáp quang đương nhiên sẽ ổn định hơn với mạng WiFi. Nếu xem qua dịch vụ truyền hình IPTV hay các ứng dụng OTT trong các set-top-box khác, nên kết nối set-top-box với modem Internet qua dây cáp mạng thay vì kết nối WiFi.
- Trong quá trình xem nếu hình ảnh liên tục bị giật, lắc, có thể chọn khởi động lại set-top-box, thậm chí là cả modem kết nối mạng vì các thiết bị này có thể bị "đơ" do hoạt động liên tục trong thời gian dài.
- Xem qua các ứng dụng trên smartphone hay xem qua website trên laptop: nên chọn những ứng dụng hay website chính thống của các nhà đài phát sóng hoặc nhà mạng cung cấp đường truyền. Chẳng hạn có thể xem qua các ứng dụng di động và website của VTV, hoặc các ứng dụng của các nhà mạng như FPT.
- Với người dùng di động, hầu hết các nhà mạng di động đều có gói cước dữ liệu riêng với nhiều ưu đãi về băng thông, dung lượng cho những người dùng để xem trực tiếp các trận bóng đá World Cup, tùy theo nhu cầu sử dụng của mình.
Vi phạm bản quyền: nguy cơ không được xem World Cup
Sau gần một tuần World Cup 2018 khởi tranh, có đến hàng ngàn website, tài khoản Facebook, YouTube bị phát hiện vi phạm bản quyền. Trong đó hàng trăm đường link vi phạm đã bị VTV đánh chặn.
Không thể một mình giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền, ngày 16-6 VTV đã có công văn nhờ Bộ TT-TT can thiệp để xử lý. Nếu tình trạng vi phạm bản quyền World Cup vẫn diễn ra tràn lan, nguy cơ người hâm mộ VN không thể tiếp tục xem World Cup 2018 là hoàn toàn có thể xảy ra.
Để hỗ trợ VTV, ngày 19-6, bộ trưởng Bộ TT-TT đã chỉ đạo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử và Cục An toàn thông tin hỗ trợ VTV rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bản quyền World Cup 2018. YouTube cũng đề nghị đơn vị sở hữu bản quyền là VTV trực tiếp có yêu cầu tới YouTube để xử lý các vi phạm.
Trước đó, chỉ trong 3 ngày đầu World Cup 2018 diễn ra, VTV cho biết đã phát hiện hơn 700 trường hợp vi phạm bản quyền phát sóng giải đấu này trên hệ thống Internet và đã xử lý hơn 300 trường hợp. Trong đó chủ yếu là trên Internet và mạng xã hội Facebook, YouTube.
Cho đến trận đấu tối 18-6 rạng sáng 19-6, vẫn có rất nhiều website ngang nhiên livestream, đăng tải clip vi phạm bản quyền trên Facebook và YouTube. Mặc dù VTV đã rất tích cực xử lý những trang web vi phạm bản quyền nhưng các trang web này liên tục thay đổi địa chỉ IP để chia sẻ tín hiệu lậu. Hiện có hơn 30 hiệp sĩ online tình nguyện tham gia "canh sóng" và phát hiện các trang vi phạm để gửi về VTV xử lý.
Dù vậy đến thời điểm này vẫn còn rất nhiều trang web vi phạm bản quyền World Cup 2018 bằng cách livestream các trận đấu trên website của họ. Trong đó điển hình là các trang bóng đá trực tuyến như: mybongda.com, vaobong88.com, xembong.com, tructuyenbongda. Các trang này còn chèn quảng cáo cá độ bóng đá.
Năm 2016 - 2017, VTVcab từng bị đối tác ngắt sóng UEFA Champions League vì tình trạng ăn cắp bản quyền tại VN và bị đối tác yêu cầu nộp phạt khoản tiền rất lớn.
K.X.
Thông báo nghẽn mạng không xem được trên website vtv.vn tối 19-6 - Ảnh: T.T.D.
Không xem được World Cup trên vtv.vn
Trong những ngày diễn ra World Cup 2018, nhiều khán giả xem qua website vtv.vn, nơi phát trực tiếp kênh VTV6. Tuy nhiên khán giả thường xuyên không thể xem trực tiếp do tình trạng quá tải. Tối 18-6, trang vtv.vn cho biết: "Lượng người xem quá đông nên quý vị không xem được chương trình này. Mời quý vị theo dõi trực tiếp trên VTV6 và VTV6 HD truyền hình số mặt đất, truyền hình VTVcab. Xin lỗi quý vị về sự bất tiện này". Ngoài ra nhiều khán giả cho biết cũng không xem được World Cup trên ứng dụng vtvgo của VTV.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Ngọc Huấn, chủ tịch VTVcab, cho biết VTVcab không nhận được phản ảnh của khách hàng về việc không xem được World Cup trên truyền hình. Với ứng dụng trên Internet, ông Huấn nói: "Nếu không ngồi trước tivi thì khán giả có thể xem World Cup qua ứng dụng On Me và VTVcab On trên Internet. Chúng tôi đầu tư hệ thống kỹ thuật hiện đại nên cùng lúc 3-4 triệu người có thể truy cập các ứng dụng này, chất lượng hình ảnh mượt mà".
K.X.
Tràn sóng sang các nước láng giềng
Theo thông tin từ VTV, một số tỉnh biên giới như Lạng Sơn có báo cáo cho biết một số khu vực như Mẫu Sơn giáp biên giới Trung Quốc có tình trạng tràn sóng truyền hình số mặt đất World Cup 2018 sang Trung Quốc. Tuy nhiên, theo VTV, đây là điều không tránh khỏi bởi những khu vực "chồng lấn" đều có thể xảy ra tràn sóng ngẫu nhiên. Do là ngẫu nhiên không có chủ ý nên không lo bị FIFA phạt.
Đại diện của VTV chia sẻ: "Sóng bị tràn sang các nước láng giềng là sóng truyền hình số mặt đất, các vùng giao thoa như khu vực biên giới vẫn bị tràn sóng như thường. VN có thể tràn sang Trung Quốc, Lào hay Campuchia cũng có thể tràn sóng sang VN. Hiện không có phương tiện kỹ thuật nào có thể xử lý tràn sóng ở vùng chồng lấn này, chỉ có thể can thiệp bằng cách can nhiễu. VTV cũng có báo cáo FIFA về việc phát sóng trên phương tiện kỹ thuật nào để FIFA biết. Chúng tôi báo cáo cả phương pháp khóa mã cho FIFA".
Theo đại diện của VTV, việc tràn sóng truyền hình số mặt đất không đáng lo như tràn sóng vệ tinh. Vị này chia sẻ: "Chúng tôi sợ nhất là bị tràn sóng vệ tinh Vinasat 1 vì nếu tràn thì sóng vệ tinh sẽ đi rất rộng. Hiện chúng tôi đang phát băng C vệ tinh Vinasat 1, nếu không được khóa mã thì nó sẽ tràn sóng sang tận vùng Đông Bắc Á, lúc đó cả Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đều có thể thu được tín hiệu. Hiện VTV đã khóa mã rồi nên hoàn toàn yên tâm không bị tràn sóng vệ tinh ra bên ngoài".
KHƯƠNG XUÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận