Pháp: Một tổng thống cánh tả để làm gì?

DANH ĐỨC 13/05/2012 19:05 GMT+7

TTCT - Một lần nữa, sau 31 năm, hơn phân nửa số cử tri Pháp lại chọn một ứng viên cánh tả. Trong bài diễn văn đắc cử tối chủ nhật 6-5, tân Tổng thống Pháp François Hollande đã tuyên xưng một lần nữa chọn lựa chính trị của mình:

“Tôi là đảng viên Đảng Xã hội… tập hợp cánh tả”.


Phóng to
Tân Tổng thống François Hollande chào những người ủng hộ từ bancông tổng hành dinh chiến dịch tranh cử tại Paris ngày 7-5 - Ảnh: Reuters

Tuyên xưng chính trị đó rất có ý nghĩa trong một xã hội mà đến nay vẫn quen chia làm hai nửa qua sự chọn lựa bằng lá phiếu: cánh tả và cánh hữu với những chủ trương, đường lối, chính sách đáp ứng “lợi ích nhóm” riêng tư của quần chúng mỗi phe.

Cái “lợi ích nhóm” từng ràng buộc ông Nicolas Sarkozy trong năm năm qua cũng như người tiền nhiệm cánh hữu Jacques Chirac trong 12 năm trời ròng rã trước đó hoàn toàn tương phản với “lợi ích nhóm” từ nay ràng buộc ông Hollande. Điều đó giải thích tại sao 51,67% dân Pháp (tức 17,8 triệu phiếu) bỏ phiếu cho ông Hollande, 48,33% (16,7 triệu) cho ông Sarkozy. Bảo vệ lợi ích nhóm là nhiệm vụ của mỗi ứng viên tổng thống, dù khi đắc cử ai cũng dõng dạc quả quyết: “Tôi là tổng thống của mọi người dân Pháp”.

Từ số ít chủ doanh nghiệp...

“Giảm thâm thủng ngân sách để nắm chặt công nợ, bảo toàn mô hình xã hội để đảm bảo cho mọi người được tiếp cận cùng mọi dịch vụ công” là một cam kết bảo vệ các phúc lợi xã hội mà người dân Pháp đang được hưởng.

“Nhóm” của ông Sarkozy gồm những ai, thế lực nào và ông Sarkozy đã bảo vệ lợi ích nhóm của ông như thế nào? Thật đơn giản đó là giới chủ doanh nghiệp, mà ở Pháp có cả một nghiệp đoàn thành lập năm 1946 dưới cái tên là Hội đồng quốc gia giới chủ (CNPF) có nhiệm vụ bảo đảm hoặc tăng năng suất, tính cạnh tranh, tức tăng lợi nhuận.

Trong thực tế, CNPF đã đóng vai trò không thể thiếu trong những đàm phán lao động, tiền lương tay ba giữa nhà nước, nghiệp đoàn và giới chủ, như có thể thấy trong cuộc khủng hoảng năm 1968. Đến cao trào của cánh tả Pháp năm 1981, CNPF đã nổi lên phản đối các quyết định quốc hữu hóa, sắc thuế đánh trên các tài sản lớn của tổng thống Mitterrand. Đến năm 1997, tức hai năm sau khi một ứng cử viên cánh hữu là ông Chirac lên cầm quyền, CNPF đổi tên thành Phong trào doanh nghiệp Pháp (MEDEF) cho có vẻ bớt tính định chế và bớt “gang thép” hơn cái tên Hội đồng quốc gia.

Dựa vào một nhà nước cánh hữu mới lên ngôi, MEDEF đòi bãi bỏ món quà mà cánh tả dưới trào ông Mitterrand đã tặng giới lao động là tuần lễ 35 giờ làm, song lại là “thuốc độc” đối với giới chủ. MEDEF đòi sửa đổi chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, hưu bổng (1)… nhằm giảm bớt quyền lợi của người lao động để giới chủ bớt phải đóng góp theo và nhờ đó lợi nhuận nhiều hơn.

Mười hai năm dưới trào Chirac, tiếp nối bởi năm năm dưới trào Sarkozy càng làm các nghiệp đoàn ngán ngẩm! Jean-Claude Labranche của nghiệp đoàn cánh tả CGT khu vực Bouches-du-Rhône nhận xét: “Thay vì tấn công vào nạn thất nghiệp, ông ta đã không ngừng tấn công vào người thất nghiệp. Cánh hữu luôn nói: Việc làm vẫn có đấy thôi. Song 4 triệu người thất nghiệp mà chỉ có 300.000 chỗ trống đến từ làn sóng người vừa rời chỗ làm của mình!”.

Năm năm dưới trào ông Sarkozy, người ta thường nghe ông này động viên “Hãy làm việc nhiều hơn nữa để lãnh lương nhiều hơn nữa” (“travailler plus pour gagner plus”). Khẩu hiệu êm tai này đã bị các tổng liên đoàn lao động Pháp đả kích kịch liệt do lẽ hô hào công nhân làm thêm giờ phụ trội để lãnh lương thêm chính là hợp pháp hóa việc giới chủ chẳng chịu đầu tư thêm cho những chỗ làm mới do đã có bốn, năm công nhân làm giờ phụ trội dư đủ để lấp đầy công việc 35 giờ/tuần.

Kết quả hay hậu quả (tùy người đối diện) là giới chủ bớt phải dốc hầu bao ra để tạo chỗ làm mới, còn giới lao động thiếu chỗ làm thật sự mới! Giới nghiệp đoàn đã tính ra rằng chế độ làm giờ phụ trội đã khiến mất đi 400.000 chỗ làm mỗi năm. Cùng với số công chức bị giảm biên chế, thành tích của ông Sarkozy là mỗi năm có thêm nửa triệu người thất nghiệp mới (2).

Chưa hết, ông Sarkozy còn phân nước Pháp lao động làm hai: một giới lao động tư chức mà theo ông là tinh hoa, và một giới lao động công chức mà ông cho là làm nặng gánh nhà nước, làm chặn đà tiến của nước Pháp bằng cái biên chế của họ (3). Ông đã thúc quan điểm này đến tận cùng qua việc tổ chức một cuộc tập hợp vì sự “lao động đích thực” nhân Ngày quốc tế lao động vừa qua, đối đầu với cuộc tuần hành chung của hai tổng liên đoàn tả hữu CGT và CFDT truyền thống, ý nói những nghiệp đoàn này là của những người lao động “cầm chừng”, “ăn bám”…!

…Đến số đông người lao động

Câu chuyện cánh tả, cánh hữu còn dài. Từ khác biệt tả hữu đó sẽ dễ giải mã những biện pháp mà ông Hollande hứa hẹn. Tỉ như tại sao ông nhắm vào tầng lớp đang có thu nhập trên 1 triệu euro/năm để đánh thuế thu nhập đến 75%, một trong 60 dự án cam kết. Bản thân ông, trong chức vụ tổng thống, cũng sẽ phải bị giảm lương 30% cùng với các thành viên chính phủ sắp tới. Tất nhiên, hai biện pháp vừa nêu mới chỉ là “hương hoa” mà trong thẩm quyền tổng thống ông Hollande có quyền ký sắc lệnh.

Trong khuôn khổ của một xã hội mà nhà nước không dễ dàng quyết định sao cũng được, ông dự trù giữa tháng 7 tổ chức quốc dân đại hội, họp “tay ba” giữa nhà nước, nghiệp đoàn, giới chủ để bàn về những chính sách tăng trưởng và việc làm ưu tiên. Ông còn dự trù tu sửa hiến pháp để việc đàm phán này được trở thành một định chế hiến định.

Để sớm có thêm chỗ làm mới, ông Hollande sẽ đưa ra một chính sách gọi là “hợp đồng của thế hệ”. Qua đó nhà nước sẽ giảm nghĩa vụ thuế, phí cho chủ doanh nghiệp nào khi tuyển dụng một nhân viên trẻ mà vẫn lưu dụng một nhân viên lớn tuổi, đồng thời tiến tới hủy bỏ chế độ giờ làm việc phụ trội đang được miễn thuế. Song song đó, ông cũng sẽ sửa lại tuổi về hưu lùi từ 60 đến 62 tuổi… mà ông Sarkozy mới đưa ra năm ngoái: ngay tháng 6 tới này, người lao động nào bắt đầu làm việc từ tuổi 18 chỉ cần đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 41 năm thì có thể về hưu ngay và lĩnh trọn lương hưu.

Trong bối cảnh làn sóng thắt lưng buộc bụng vượt sức chịu đựng người dân các nước láng giềng Hi Lạp, Ý, Tây Ban Nha… và nay đang đe dọa người Pháp, việc ông Hollande tối chủ nhật hứa “giảm thâm thủng ngân sách để nắm chặt công nợ, bảo toàn mô hình xã hội để đảm bảo cho mọi người được tiếp cận cùng mọi dịch vụ công” là một cam kết bảo vệ các phúc lợi xã hội mà người dân Pháp đang được hưởng (y tế, giáo dục công cộng miễn phí).

Lợi ích nhóm là quần chúng lao động của ông Hollande và Đảng Xã hội cùng cánh tả Pháp cũng chính là của các Đảng Xã hội và cánh tả khác ở châu Âu năm ngoái, khi trong vị trí cầm quyền phải “đổ vỏ cho kẻ ăn ốc” cho những chính phủ cánh hữu trước kia cứ lăm lăm vay nợ để chi ngân sách, như có thể thấy qua trường hợp các Đảng Xã hội ở Hi Lạp, Tây Ban Nha… Thành ra ông Hollande cũng nói lên khát vọng của các đảng này: “Ngày 6-5 này phải là một điểm xuất phát mới cho châu Âu”.

Thật ra lợi ích nhóm trên chính là của số đông, khác với lợi ích nhóm của số ít mà nhiều chính phủ đang hướng đến thông qua các gói giải cứu nhân danh tăng trưởng kinh tế. Chưa hẳn ông Hollande sẽ thành công, kinh tế Pháp sẽ vượt qua sóng gió, song đây chính là cái phao trong dông bão. Thế cho nên ông mời gọi cử tri đánh giá ông đến cuối nhiệm kỳ hãy xét xem “Liệu mỗi một quyết định của tôi có công chính hay không và có vì giới trẻ hay không? Liệu tôi có làm cho xã hội được công bằng hơn? Liệu tôi có tạo điều kiện cho thế hệ trẻ có chỗ trong guồng máy đỉnh chung?”.

Giữ vững kim chỉ nam vì số đông này cũng đã là quý hóa lắm rồi, và không dễ dàng đối với bất cứ ai!

__________

(1) http://www.larousse.fr/encyclopedie/divers/Medef/132537
(2) http://gauche2012.wordpress.com/2012/02/17/sarkozy-un-bilan-catastrophique-et-contre-productif/
(3) Le 1er mai de Sarkozy toujours controversé, Fillon prend ses distances, Le Monde.fr avec AFP | 23.04.2012

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận