13/07/2024 05:43 GMT+7

Pháp lý cho cây sâm: lên luật hay ở nghị định?

Mới đây, tỉnh Quảng Nam đã gửi công văn tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị xem xét ban hành Luật Sâm Việt Nam.

Trồng sâm dưới tán rừng ở miền núi Quảng Nam - Ảnh: L.TR.

Trồng sâm dưới tán rừng ở miền núi Quảng Nam - Ảnh: L.TR.

Đề xuất này nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc bảo tồn, phát triển loại dược liệu quý giá này, đặc biệt là sâm Ngọc Linh - được xem như "quốc bảo" của Việt Nam, nhưng cũng có ý kiến khác về vấn đề này.

Khung pháp lý để phát triển sâm Việt Nam

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, mặc dù cây sâm Ngọc Linh đã và đang từng bước phát triển, tạo thu nhập ổn định cho người dân và doanh nghiệp, song vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc cần được giải quyết. Việc phát triển vùng trồng sâm vẫn gặp nhiều khó khăn. 

Theo nghị định số 84 của Chính phủ, sâm Ngọc Linh (tự nhiên) thuộc nhóm IA do Cơ quan quản lý CITES cấp mã số cơ sở nuôi trồng vì mục đích xuất khẩu. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể để xác định thế nào là sâm Ngọc Linh tự nhiên và sâm nuôi trồng nhân tạo. 

Điều này gây khó khăn trong việc cấp mã số cho cơ sở nuôi trồng và triển khai phát triển sản xuất kinh doanh hướng đến xuất khẩu đối với sâm nuôi trồng nhân tạo.

Hơn nữa, do chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời gian, mức giá và hạn mức thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, việc xác định cây sâm Ngọc Linh hiện nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm; thiếu cơ sở vật chất và hạ tầng để kiểm định, phân định rõ ràng. 

Điều này dẫn đến tình trạng sâm Ngọc Linh giả vẫn còn diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng sản phẩm.

Ông Hồ Quang Bửu, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có một khung pháp lý riêng cho sâm Việt Nam: "Cần phải luật hóa để cây sâm đem lại giá trị kinh tế lớn cho người dân, doanh nghiệp trên toàn quốc. 

Khi đã luật hóa rồi thì các ngành, cơ quan, người dân chung tay xây dựng sản phẩm sâm của mình ngang bằng với Hàn Quốc và các nước trên thế giới".

Ông Trần Út, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, cũng cho rằng nếu có luật riêng sẽ điều chỉnh một cách cụ thể hơn, bảo vệ thương hiệu, sản xuất, chất lượng và có định hướng phát triển. Luật sẽ giúp ích cho ngành nông nghiệp từ khâu quản lý, giống, sản xuất, quy hoạch đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị nhiều giải pháp khác như đầu tư hạ tầng thủ phủ vùng sâm Ngọc Linh, thu hút các tập đoàn lớn đầu tư phát triển sâm, chọn một ngày trong năm để người dân Việt Nam dùng sâm Việt Nam, tổ chức lễ hội sâm quốc gia và phát triển du lịch sâm Việt Nam.

Cần luật hay làm tốt các quy định đã có?

Mặc dù đề xuất ban hành Luật Sâm Việt Nam nhận được sự ủng hộ từ chính quyền địa phương, nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội vẫn bày tỏ những lo ngại về tính khả thi và phù hợp của đề xuất này.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cho rằng việc xây dựng một bộ luật riêng cho cây sâm có thể chưa phù hợp với hoàn cảnh chung của Việt Nam. Bà Lan đề xuất nên tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách ở các nghị định, thông tư để bảo tồn, phát triển và xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh. 

Bà cũng lưu ý rằng ở Hàn Quốc có luật riêng về công nghiệp nhân sâm, nhưng sâm ở nước này rất phổ biến và đứng hàng đầu thế giới về nuôi trồng, chế biến. Trong khi đó, sâm ở Việt Nam chưa thực sự phổ biến, chủ yếu là sâm Ngọc Linh và chỉ tập trung ở một số vùng nhất định.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cũng nhận định rằng việc tách riêng cây sâm để xây dựng thành luật riêng là chưa phù hợp. Ông Hòa lưu ý sâm Ngọc Linh chỉ được trồng và phát triển ở một số nơi tại Quảng Nam và Kon Tum, không phải đại trà, và Việt Nam còn có nhiều loại dược liệu quý khác. 

Đồng thời nhấn mạnh hiện nay Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chương trình phát triển cây sâm Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, và trong Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Luật Dược, Luật Trồng trọt đã có các quy định liên quan đến nuôi trồng và phát triển cây sâm.

PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), đề xuất thay vì xây dựng luật riêng, nên kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng có cơ chế chính sách riêng để giải quyết các vướng mắc khó khăn, thúc đẩy phát triển cây sâm. 

Ông Thịnh gợi ý khi Luật Dược được sửa đổi và ban hành, có thể kiến nghị để bổ sung, lồng ghép việc phát triển cây sâm vào nghị định hướng dẫn thi hành luật mới. Ngoài ra, địa phương có thể kiến nghị thêm với Chính phủ để có chỉ thị riêng của Thủ tướng về việc phát triển cây sâm trong thời gian tới.

Củ sâm Ngọc Linh - Ảnh: L.TR.

Củ sâm Ngọc Linh - Ảnh: L.TR.

Chờ Chính phủ và Quốc hội

Dược sĩ Đào Kim Long, người đầu tiên phát hiện giá trị sâm Ngọc Linh, cũng đưa ra những góp ý quan trọng. Ông chỉ ra rằng hiện nay sâm Ngọc Linh được đưa giống đi nhiều nơi nuôi trồng và sau đó quảng cáo, giới thiệu là sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, chất lượng sâm tốt nhất phải là sâm ở núi Ngọc Linh (Quảng Nam và Kon Tum). 

Ông đề xuất cần có chính sách cụ thể quy định chỉ dẫn, bảo hộ thương hiệu cụ thể sâm Ngọc Linh là phải ở núi Ngọc Linh. Còn với sâm dù lấy giống ở Ngọc Linh nhưng trồng ở các nơi khác sẽ không được chỉ dẫn là sâm Ngọc Linh mà phải chỉ dẫn ở nơi trồng ra hoặc gọi chung là sâm Việt Nam. Làm được điều này sẽ hạn chế tình trạng sâm giả, nhái trên thị trường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Quang Bửu lý giải đây mới chỉ là kiến nghị, đề xuất mang tính lâu dài cho tương lai. 

"Khả thi hay không thì mình đâu biết được, nhưng chắc chắn khi ban hành luật thì sẽ tốt hơn là không có. Nhiều nước, đặc biệt là những nước phát triển, họ cũng có nhiều luật để bảo vệ sản phẩm nước họ, mình cũng phải học hỏi thế giới", ông nhấn mạnh.

Đồng thời lưu ý cây sâm là của Việt Nam chứ không phải riêng một địa phương nào, và đây là sản phẩm quốc gia. Ông cũng hy vọng với một khung pháp lý riêng, sản phẩm sâm Việt Nam có thể vươn ra thế giới và đứng vững trên thị trường quốc tế.

Mặc dù vậy, ông Bửu cũng thừa nhận để ban hành một bộ luật cần phải trải qua một quá trình nghiên cứu lâu dài và kỹ lưỡng. Ông nhấn mạnh tỉnh Quảng Nam chỉ đang đề xuất dựa trên thực tế khách quan và mong muốn hỗ trợ cho một sản phẩm của Việt Nam phát triển tốt hơn. 

Quyết định cuối cùng sẽ thuộc về Chính phủ và Quốc hội.

Hiện nay, Quảng Nam đã quy hoạch diện tích vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh là 15.567ha, trong đó từ độ cao 2.000m trở lên là 2.238ha, ở độ cao từ 1.200 - 2.000m là 13.329ha.

Tổng diện tích cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh là 1.428,96ha, trong đó hộ gia đình - cá nhân chiếm 428,96ha và tổ chức - doanh nghiệp chiếm 1.000ha.

Diện tích trồng cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện đạt 1.243ha, chủ yếu tập trung tại huyện Nam Trà My.

Đạo luật nhân sâm - bước ngoặt của ngành công nghiệp Hàn Quốc

Hàn Quốc, vốn nổi tiếng với ngành công nghiệp nhân sâm, đã trải qua một cuộc cách mạng quan trọng vào năm 1996. Chính quyền Seoul ban hành đạo luật về ngành công nghiệp nhân sâm, chấm dứt thời kỳ độc quyền nhà nước và mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành này.

Đạo luật này tạo điều kiện cho cá nhân và doanh nghiệp tham gia vào việc trồng, chế biến và kinh doanh nhân sâm với điều kiện đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng và cơ sở vật chất. Quyết định này đã thúc đẩy cạnh tranh và đổi mới trong ngành, dẫn đến sự phát triển vượt bậc.

Kết quả của chính sách này là:

1. Mở rộng sản xuất: diện tích trồng và sản lượng nhân sâm tăng đáng kể.

2. Đa dạng hóa sản phẩm: đặc biệt là sự phát triển của hồng sâm, chiếm 74% sản lượng.

3. Tăng cường xuất khẩu: mở rộng thị trường quốc tế và nâng cao giá trị thương mại.

4. Tăng trưởng thị trường: quy mô và mức tiêu thụ sản phẩm nhân sâm tăng mạnh.

Đến năm 2018, Hàn Quốc đã trở thành nước sản xuất nhân sâm lớn thứ hai thế giới với 23,265 tấn, chỉ sau Trung Quốc. Công ty KGC của Hàn Quốc đạt doanh thu ấn tượng 1,2 tỉ USD, chiếm 69% thị phần trong nước và 20% thị phần toàn cầu.

Đạo luật nhân sâm không chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp trong nước mà còn củng cố vị thế của Hàn Quốc trên thị trường nhân sâm quốc tế.

Quảng Nam kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Sâm Việt NamQuảng Nam kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Sâm Việt Nam

Tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chính phủ có chủ trương trình Quốc hội ban hành Luật Sâm Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên