Ông Nguyễn Sỹ Cương - Ảnh: V.Dũng |
Tại sao như vậy?
Đó là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên Tuổi Trẻ với ông Nguyễn Sỹ Cương - ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
* Chỉ ít ngày sau khi ban hành danh mục mới về thuốc được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả (giảm tỉ lệ chi trả 28 loại thuốc, trong đó có những thuốc điều trị ung thư, viêm gan...), khi bị dư luận phản ứng thì Bộ Y tế mới “lắng nghe tâm tư người bệnh” để điều chỉnh, ông nghĩ gì về câu chuyện này?
- Lâu nay, dư luận bức xúc rất nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư.
Nhiều người từng nói cứ ngồi trên trời mà làm chính sách nên chính sách không phù hợp với thực tế, đặc biệt là quá trình soạn thảo không lấy ý kiến của những đối tượng liên quan trực tiếp.
Ví dụ, khi xây dựng danh mục thuốc BHYT thì lẽ ra phải lấy ý kiến của người bệnh, của cơ sở y tế, của hệ thống phân phối thuốc...
Tôi nghĩ rằng nếu muốn điều chỉnh tỉ lệ chi trả BHYT thì Bộ Y tế cần có lộ trình điều chỉnh dần, chứ tạo ra một cú sốc lớn ngay lập tức đối với người bệnh thì mức độ phản ứng cũng sẽ tương ứng.
* Có một vấn đề nữa là khi xây dựng một chính sách có liên quan đến nhiều bộ, ngành với những quyền lợi khác nhau, thậm chí xung đột thì bộ, ngành nào cũng kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình, nhưng khi bị dư luận phản ứng thì tất cả đều chối bỏ trách nhiệm...
- Tôi đọc trên báo Tuổi Trẻ thấy trong chuyện trên đây có sự đổ lỗi cho nhau, Bộ Y tế nói rằng do có áp lực của Bảo hiểm xã hội nên mới giảm tỉ lệ chi trả một số loại thuốc như vậy, còn Bảo hiểm xã hội nói rằng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm vì họ có quyền ban hành danh mục.
Tôi thấy bấy lâu nay phát ngôn của nhiều bộ, ngành không chuẩn, không đảm bảo sự thống nhất. Lẽ ra trong trường hợp này Bộ Y tế phải là người phát ra tiếng nói mang quan điểm chung của cả ngành y tế và bảo hiểm xã hội, chứ không phải là đổ lỗi cho nhau.
* Luật nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN cũng mới có hiệu lực thi hành được mấy ngày, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải chủ trì một cuộc họp khẩn cấp với các bộ, ngành liên quan để tìm phương án giải quyết rắc rối do quy định của luật này gây ra. Ông nói thế nào về việc này?
- Là một đại biểu Quốc hội từng bấm nút thông qua luật này, khi đọc câu chuyện trên báo Tuổi Trẻ về một tàu du lịch với hơn 2.300 du khách vào VN gặp quá nhiều thủ tục nhiêu khê, phiền hà, tốn kém, tôi rất suy nghĩ.
Tôi đọc lại luật thì đúng là có quy định cứng nhắc rằng người nước ngoài nhập cảnh VN phải có đơn dán ảnh, có hộ chiếu và nộp lệ phí.
Tôi nghĩ đây là quy định chung, nhưng đối với cửa khẩu quốc tế thì hiện nay đang thiếu quy định về thủ tục rút gọn đối với những trường hợp nhập cảnh VN trong thời gian ngắn, bởi có những tàu chỉ dừng lại mấy tiếng hoặc một ngày rồi người ta lại đi.
Điều luật này thiếu sót ở chỗ không giao Chính phủ quy định về thủ tục rút gọn đối với những trường hợp quá cảnh trong thời gian ngắn, cần đơn giản về thủ tục.
Tôi ra nước ngoài thấy ở nhiều nước người ta đặt máy quét, máy chụp ngay tại cửa an ninh, chụp ảnh và lưu vào hệ thống ngay, sau đó đóng một cái dấu quá cảnh cho khách là xong, người ta làm rất đơn giản.
Vậy tại sao mình cứ đòi hỏi phải có đơn, phải có ảnh như là những trường hợp nhập cảnh thời gian dài buộc phải có visa?
Tại sao trước đây mình cho phép làm thủ tục nhập cảnh cho cả một chiếc tàu đến mấy nghìn người mà chỉ cần một văn bản thế là cho vào hết? Tức là có lúc thủ tục quá dễ dãi, khi siết lại thì ở mức quá phiền hà.
* Việc xây dựng chính sách, pháp luật được quy định với các quy trình chặt chẽ, đặc biệt là việc lấy ý kiến nhân dân. Không ít quan chức từng phản pháo dư luận rằng: “Chúng tôi đưa dự thảo lên trang điện tử cả tháng trời có thấy ai góp ý đâu mà bây giờ thi hành lại lắm ý kiến thế?”.
- Việc quan trọng nhất trong xây dựng pháp luật là phải phù hợp với thực tiễn. Tức là ban hành ra phải vừa giúp công tác quản lý nhà nước, vừa ít gây phiền hà cho đối tượng quản lý, đạt được sự đồng thuận cao trong xã hội.
Tôi cho rằng việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo luật, chính sách hiện nay là khâu khá hình thức.
Số lượng dự thảo văn bản luôn quá nhiều, đến anh em công chức còn không có thời gian ngồi đọc hết, huống chi là người dân bình thường phải lo kiếm sống, thời gian đâu mà hằng ngày lên trang web của bộ nọ ngành kia xem có dự thảo gì không để đọc mà tham gia ý kiến.
Hơn nữa, nếu đọc mà không có chuyên môn, thiếu thực tiễn thì biết đâu mà góp ý.
Vì vậy, điều quan trọng là khi xây dựng văn bản thì cơ quan chủ trì phải tổ chức lấy ý kiến đối tượng được điều chỉnh, đối tượng chịu sự tác động một cách thực chất.
Ví dụ, khi sửa đổi quy định về thủ tục nhập cảnh, cơ quan soạn thảo phải mời ngành du lịch lên và giải thích rằng hiện nay quy định mở thế này, tới đây sẽ siết lại thế này, các anh có ý kiến gì không?
Phải hỏi cụ thể như vậy mới có hiệu quả, chứ cứ treo lên mạng mấy chục ngày, đôi khi đối tượng chịu sự điều chỉnh người ta cũng không biết, đến hết thời hạn lấy ý kiến anh không thấy ai góp ý gì thì đem ra ban hành, khi gặp sự cố lại bảo “sao lúc tôi lấy ý kiến không thấy ai nói gì?”.
* Theo ông, có thể cụ thể hóa trách nhiệm trong việc xây dựng và ban hành luật, chính sách được không?
- Nếu nói về trách nhiệm thì rất rộng. Tôi nghĩ rất khó đổ lỗi cho cơ quan thẩm định (Bộ Tư pháp) và cơ quan thẩm tra (ủy ban của Quốc hội).
Xét cho cùng, cách xây dựng luật của chúng ta đến nay vẫn là giao bộ chủ quản lĩnh vực mà luật đó điều chỉnh chủ trì soạn thảo. Mục đích giao cho cơ quan quản lý thì anh có kinh nghiệm, trải nghiệm, có thực tế từ lĩnh vực đó.
Nhưng điều này dẫn đến tình trạng rất đáng chú ý là không ít bộ, ngành vì quyền lợi, lợi ích cục bộ của mình nên khi soạn thảo luật họ cố giữ bằng được quy định có lợi cho sự quản lý và lợi ích của mình.
Khi thẩm định thì Bộ Tư pháp chủ yếu rà soát về quy trình, thủ tục, tính hợp hiến, hợp pháp chứ Bộ Tư pháp đâu phải là cơ quan chuyên môn mà góp ý sâu vào từng nội dung quy định của dự thảo ấy.
Ngay cả khâu thẩm tra tôi cũng xin nói thẳng là các ủy ban của Quốc hội vẫn giao các vụ nghiên cứu, rồi một vị thường trực trong ủy ban chủ trì, sau đó đưa ra phiên họp ủy ban để thảo luận. Với lực lượng như vậy thì đôi khi cũng khó rà soát, phát hiện hết các vấn đề.
Tóm lại, muốn có luật, chính sách tốt thì tất cả các khâu trong quy trình xây dựng phải kỹ hơn, thực chất hơn, đặc biệt gắn trách nhiệm của những người trực tiếp với dự thảo luật (bộ trưởng, thứ trưởng).
Phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu ban soạn thảo các luật, chính sách nếu quy định đó có vấn đề. Gốc rễ của vấn đề vẫn là con người, nếu không nâng cao được chất lượng đội ngũ tham mưu thì rất khó.
Cần bổ sung chế tài Thời gian gần đây, rất nhiều chính sách pháp luật vừa ban hành nhưng đã gặp sự phản ứng gay gắt của người dân bởi nội dung quy định không phù hợp thực tế. Nhiều luật, nghị định, thông tư được ban hành gây phiền toái khi đẻ thêm thủ tục hoặc áp đặt những điều hết sức thiếu thực tế khiến những cá nhân, cơ quan tổ chức phải thi hành chỉ còn biết “kêu trời”. Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, những văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành phải lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo văn bản. Nhiều dự thảo luật, nghị định, thông tư đã được các bộ đăng trên website của bộ để lấy ý kiến. Tuy nhiên, việc tiếp thu các ý kiến góp ý ấy ra sao còn phải bàn, nhưng thực tế có nhiều văn bản sau khi chính thức ban hành mới thấy rất nhiều điều không phù hợp. Theo quy định thì Bộ Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền rà soát, phát hiện văn bản trái luật để đề nghị hủy bỏ. Tuy nhiên, luật hiện đang thiếu quy định về xử lý, hủy bỏ những văn bản (tuy được ban hành đúng trình tự, quy định pháp luật, đúng thẩm quyền) nhưng lại không phù hợp thực tế, gây phiền toái cho người dân. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hoạt động giám sát của Quốc hội cũng không quy định cá thể hóa trách nhiệm cá nhân đối với quy định kiểu “trên trời”. Do vậy, cần bổ sung quy định về kiểm tra và giám sát không chỉ đối với những văn bản trái pháp luật mà cả văn bản không phù hợp thực tế. Từ đó ban hành những quy định cụ thể về trách nhiệm cá nhân của những người chịu trách nhiệm soạn thảo và chế tài kèm theo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận