Trong chuyến thăm Paris ngày 26-4 để trao đổi về kế hoạch phát triển xe tăng thế hệ mới chung giữa Pháp và Đức, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Boris Pistorius gọi văn bản ghi nhớ (MOU) về việc phát triển xe tăng chung giữa hai bên là một “cột mốc quan trọng”.
Tuy nhiên, ông Pistorius cũng cho biết vẫn còn một chặng đường dài để hiện thực hóa dự án phát triển xe tăng quân sự thế hệ mới chung giữa Đức và Pháp, theo Hãng tin Reuters.
Tại cuộc gặp, ông Pistorius cũng cho biết văn bản ghi nhớ trên dự kiến sẽ là bàn đạp để tiến đến hoàn tất dự án mang tên Hệ thống chiến đấu chính trên bộ (MGCS).
Theo Hãng tin Reuters, việc Pháp và Đức tiến đến giai đoạn tiếp theo của tiến trình phát triển khí tài chung là vô cùng quan trọng, làm nổi bật cách châu Âu có thể tự chủ về phòng thủ, chủ động cạnh tranh với những đối thủ mới như Ấn Độ hay Trung Quốc, đồng thời dẫn trước các đối thủ lớn như Nga và Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức cũng bày tỏ tin tưởng rằng Quốc hội Đức sẽ ủng hộ cho dự án MGCS - dự án phát triển công nghiệp vũ khí lớn thứ hai giữa Pháp và Đức, bên cạnh tham vọng chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo có tên FCAS.
FCAS được cho là sẽ thay thế các hệ thống tên lửa Leopard cũ của Đức và tên lửa Leclerc của Pháp.
Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Lecornu cho biết với dự án chung đang hình thành, Pháp và Đức đang dẫn trước Mỹ, quốc gia được cho là vẫn còn đang loay hoay về tương lai của dòng xe tăng Abrams.
“Các xe tăng mới sẽ kết hợp sức mạnh hỏa lực của xe tăng thế hệ tiếp theo, sức mạnh của vũ khí tác chiến điện tử, trí tuệ nhân tạo cũng như vũ khí laser”, ông Lecornu nói thêm về dòng xe tăng thế hệ mới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Lecornu nhận định Nga đang gặp một số thất bại với các mẫu xe tăng kế nhiệm mới.
Trước đó hôm 22-3, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius gọi ngày hôm đó là “bước đột phá mang tính lịch sử” sau khi thành công với một thỏa thuận được ký kết bao gồm một bản MOU phân chia các công việc giữa hai nước trong việc phát triển dự án MGCS.
Hồi năm 2017, Berlin và Paris đã đồng ý hợp tác chế tạo máy bay chiến đấu chung dưới sự chỉ đạo của phía Pháp, với chi phí chế tạo lên đến khoảng 100 tỉ euro, cũng như phát triển xe tăng thế hệ mới chung giữa Pháp và Đức kế nhiệm dòng Leopard 2 của Đức và Leclerc của Pháp.
Tuy nhiên, cả hai dự án đều gặp phải những bất đồng và chậm trễ, trong khi mối quan hệ Pháp - Đức cũng trở nên căng thẳng hơn do những khác biệt trong quan điểm về vấn đề năng lượng và về mối quan hệ giữa các nước châu Âu với Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận