10/05/2017 10:13 GMT+7

Pháp điều tra vụ tấn công mạng nhằm vào ông Macron​

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Các công tố viên Pháp bắt đầu mở cuộc điều tra liên quan tới khối dữ liệu lớn bị rò rỉ sau cuộc tấn công mạng nhằm vào ông Macron ngay trước ngày bầu cử.

Ông Mike Rogers, giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ phát biểu trước Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 9-5 - Ảnh: AP
Ông Mike Rogers, giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ phát biểu trước Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 9-5 - Ảnh: AP

Theo hãng tin Reuters, chiến dịch tranh cử của ông Macron cho biết, những kẻ tấn công đã tung lên mạng các dữ liệu đánh cắp bao gồm email, tài liệu và thông tin tài chính của chiến dịch ngay trước khi chiến dịch này kết thúc ngày 5-5 để nước Pháp bước vào thời điểm im lặng theo luật trước giờ bỏ phiếu chính thức.

Chính quyền Pháp đã áp dụng các biện pháp để ngăn chặn vụ tấn công mạng có thể gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử. Ngày 6-5, Ủy ban bầu cử đã cảnh báo các cơ quan thông tấn báo chí không được đăng tải lại những dữ liệu bị tin tặc đánh cắp, nếu vi phạm sẽ bị kết tội hình sự.

Nguồn tin từ cơ quan tư pháp của Pháp ngày 9-5 cho biết, các công tố viên đang điều tra "về việc thâm nhập vào hệ thống dữ liệu tự động và vi phạm bí mật thư tín".

Cuộc điều tra sẽ do một đơn vị chuyên trách về tội phạm công nghệ cao của cảnh sát Paris đảm nhiệm.

Cũng trong ngày 9-5, cơ quan an ninh mạng của chính phủ Pháp ANSSI cho biết ủy ban bầu cử tổng thống cũng đã yêu cầu họ hỗ trợ các chuyên gia công nghệ trong quá trình điều tra.

Theo nhóm tranh cử của ông Macron, các tài liệu bị tin tặc lấy cắp chỉ liên quan tới những hoạt động thông thường của chiến dịch tranh cử.

Tuy nhiên điều đáng nói theo họ là nhóm hacker đã trà trộn vào đó những thông tin giả mạo nhằm "gây ngờ vực và đánh lạc hướng dư luận".

Hãng bảo mật Flashpoint của Mỹ ngày 5-5 cho rằng, theo đánh giá bước đầu của họ, lực lượng đứng sau vụ tấn công mạng nhằm vào ông Macron có thể là nhóm APT 28, một nhóm có liên quan tới cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU). Tuy nhiên chứng cứ xác quyết cho cáo buộc này tới nay vẫn chưa có.

Trước đó điện Kremlin bác bỏ cáo buộc có liên quan tới các cuộc tấn công mạng và can thiệp trên truyền thông vào chiến dịch tranh cử của ông Macron.

Chính phủ Đức cũng đã cảnh báo các đảng phái chính trị của họ cần nâng cao các biện pháp phòng vệ trước nguy cơ tấn công mạng sau vụ việc xảy ra với ông Macron.

Mỹ đã cảnh báo trước Pháp về vụ tấn công mạng

Trong diễn biến liên quan, theo báo Guardian, tại phiên điều trần trước ủy ban Thượng viện ngày 9-5, ông Mike Rogers, giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), cho biết ông đã từng ngầm cảnh báo cho những người đồng cấp Pháp từ trước khi xảy ra vụ tấn công mạng với ông Macron.

Ông Mike Rogers cũng nói NSA hiện đang hợp tác với Anh và Đức trong việc bảo vệ các cuộc bầu cử tới đây khỏi sự can thiệp của nước ngoài. Anh và Đức sẽ lần lượt tổ chức tổng tuyển cử trong hai ngày 8-6 và 24-9 tới.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên