Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis (trái) bắt tay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau buổi ký thỏa thuận bán tàu chiến tại Paris, Pháp, vào ngày 28-9 - Ảnh: REUTERS
Ngày 28-9, phát biểu tại Paris, ông Macron cho biết thỏa thuận tàu ngầm với Úc bị hủy chỉ ảnh hưởng vài trăm việc làm, và nhất là nó không ảnh hưởng đến chiến lược của Pháp tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Chúng tôi có hơn 1 triệu công dân sống tại khu vực này và hơn 8.000 binh lính được triển khai tại đây" - ông Macron khẳng định.
Trước đó, Pháp phản ứng mạnh khi Úc tham gia thỏa thuận tăng cường hợp tác ba bên AUKUS với Mỹ và Anh. Theo thỏa thuận AUKUS, Úc sẽ xây dựng một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự giúp đỡ của Mỹ và Anh, đồng nghĩa với việc Paris mất thỏa thuận tàu ngầm trị giá 40 tỉ USD với Canberra.
Pháp cho rằng đã bị các đồng minh "đâm sau lưng", đồng thời triệu đại sứ tại Mỹ, Úc về nước và ngưng hàng loạt hoạt động với các nước này. Sự việc tạm lắng sau các cuộc trao đổi song phương cấp tổng thống và cấp ngoại trưởng Mỹ - Pháp. Vài ngày sau đó, ông Macron cũng nói chuyện với Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Tổng thống Pháp thông báo đại sứ của nước này sẽ trở lại Washington làm việc.
Cùng lúc, tổng thống Pháp thông báo sẽ bán 3 tàu chiến cho Hy Lạp, một thỏa thuận được cho là ẩn chứa thông điệp từ Paris nhằm thúc đẩy sự tự chủ quân sự của châu Âu.
“Hôm nay là một ngày lịch sử cho Hy Lạp và Pháp. Chúng tôi quyết định nâng cấp hợp tác quốc phòng song phương” - Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nói ngày 28-9. Theo ông Mitsotakis, thỏa thuận cũng bao gồm việc “hỗ trợ song phương” và “hành động chung ở mọi cấp”.
Hãng tin Reuters dẫn một số nguồn tin tiết lộ thỏa thuận này trị giá khoảng 5 tỉ euro, bù đắp phần nào cho Tập đoàn công nghiệp quân sự Naval Group của Pháp - công ty chịu trách nhiệm đóng tàu cho Úc.
"Thỏa thuận sẽ đóng góp cho an ninh châu Âu, củng cố chủ quyền và tự chủ chiến lược, và cho hòa bình, an ninh quốc tế" - ông Macron nói. Nhà lãnh đạo Pháp cũng cảnh báo châu Âu bớt "ngây thơ" về tình hình cạnh tranh địa chính trị sau việc Pháp bị hủy hợp đồng tàu ngầm với Úc.
“Người dân châu Âu hãy thôi ngây thơ. Khi chịu áp lực từ các cường quốc với lập trường ngày càng cứng rắn, chúng ta cần phản ứng và thể hiện rằng chúng ta có sức mạnh, năng lực để tự bảo vệ mình” - Tổng thống Macron nhấn mạnh.
Theo ông Macron, sự tự chủ của châu Âu không phải để thay thế mối quan hệ liên minh với Mỹ, mà là châu Âu muốn nhận trách nhiệm giữ vai trò trụ cột trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận