03/06/2011 07:24 GMT+7

"Phao" vẫn trắng trường thi

NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ
NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ

TT - Theo Bộ GD-ĐT, số lượng thí sinh vi phạm quy chế trong ngày thi đầu tiên đã giảm so với kỳ thi năm 2010. Trong khi đó, tình trạng trao đổi, vứt “phao” thi vẫn tái diễn ở nhiều hội đồng thi. Đặc biệt, tin đồn lộ đề rộ lên ở nhiều địa phương.

Paskipd0.jpgPhóng to

Thí sinh ở hội đồng thi Trường CĐ Sư phạm Huế bàn về đề thi môn vật lý ngay khi ra khỏi phòng thi - Ảnh: TIẾN LONG

Có 14 thí sinh bị đình chỉ thi, giảm gần phân nửa so với năm 2010 (27 thí sinh). Trong khi đó, bốn giám thị bị đình chỉ coi thi.

Theo Bộ GD-ĐT, ngày thi đầu tiên diễn ra khá thuận lợi, tỉ lệ thí sinh dự thi đạt trên 99%. Tuy vậy trong ngày thi đầu tiên vẫn có 3.450 thí sinh bỏ thi trên cả nước. Có gần 500 thí sinh bị bệnh, 42 thí sinh bị tai nạn và 19 thí sinh đến muộn không được dự thi.

Bỏ thi ngay từ ngày đầu

Ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết trong ngày thi đầu tiên ở khối THPT chỉ có bảy thí sinh vắng ở cả hai môn văn và vật lý nhưng ở khối giáo dục thường xuyên có đến 355 thí sinh vắng thi môn văn và 291 thí sinh vắng thi môn vật lý. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo thi Phú Yên, ngay trong ngày thi đầu tiên đã có 40 thí sinh THPT bỏ thi. Ở hệ giáo dục thường xuyên, số thí sinh bỏ thi còn nhiều hơn với 90 thí sinh, trong đó có 57 thí sinh bảo lưu kết quả.

Tại Bình Định, có 20 thí sinh đã đăng ký dự thi nhưng không đến tham dự kỳ thi. Trong đó, ngoài 18 thí sinh vắng không rõ lý do, tại hội đồng thi Trường THPT số 3 An Nhơn có thí sinh Lê Thị Thủy bị bệnh từ tối 1-6 và thí sinh Hà Thảo Ly bị tai nạn ngày 31-5 đứt ngón tay không thể dự thi. Tại ba hội đồng coi thi tốt nghiệp THPT hệ giáo dục thường xuyên đặt tại TP Quy Nhơn đã có 751 thí sinh đến dự thi môn ngữ văn, vắng mười thí sinh không rõ lý do.

Đáng chú ý tại Ninh Thuận, theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh, trong ngày thi đầu có đến 126 thí sinh vắng thi, trong đó thí sinh THPT vắng 49, thí sinh giáo dục thường xuyên vắng 77. Tại Khánh Hòa, trong ngày thi đầu tiên hệ THPT có mười trường hợp bỏ thi. Theo báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, ngày đầu của hệ giáo dục thường xuyên có đến 64 thí sinh (tổng số thí sinh là 2.220) bỏ thi không lý do. Ông Nguyễn Thanh Giang, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết trong ngày thi đầu có 52 thí sinh bỏ thi. Trong đó, hệ THPT có 12 thí sinh, hệ giáo dục thường xuyên 40 thí sinh.

Tại Thanh Hóa có hàng trăm thí sinh bỏ thi ngay trong ngày đầu tiên. Trong đó, hệ THPT có 54 thí sinh bỏ thi không lý do và 14 thí sinh bỏ thi vì bệnh. Riêng hệ giáo dục thường xuyên có đến 160 thí sinh vắng thi, trong đó 88 thí sinh vắng không có lý do. Tại Đắk Lắk có 129 thí sinh vắng mặt.

IDwhm83q.jpgPhóng to
Học sinh tranh thủ trao đổi bài trước khi thi môn vật lý tại hội đồng thi Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) chiều 2-6 - Ảnh: Như HÙNG

Vẫn xuất hiện “phao” thi

Trong khi đó, tuy không phổ biến như các kỳ thi trước nhưng nhiều hội đồng thi tại Hà Nội vẫn xuất hiện tình trạng trao đổi “phao” và vứt “phao” thi. Ngay sau buổi thi đầu tiên, tại khu vực hội đồng thi các trường THPT Nguyễn Trãi, THPT Lê Quý Đôn, thí sinh vẫn hồn nhiên vứt “phao” thi “ruột mèo”. Có thí sinh chưa qua cổng trường đã lấy “phao” thi từ túi quần, tay áo ra bỏ xuống đường. Ở hội đồng thi Trường THPT Quang Trung (Hà Đông) khu vực thuộc “điểm nóng” của Hà Tây (cũ) những năm trước cũng có nhiều thí sinh chuyển cho nhau “phao” thi trước giờ thi môn văn. Sau ngày thi đầu tiên, trước hội đồng thi này nhiều “phao” thi “ruột mèo” và tài liệu photo thu nhỏ được vứt bừa bãi.

Sự cố đáng lưu ý mà nhiều thí sinh Hà Nội gặp phải trước buổi thi đầu tiên là quên giấy chứng minh nhân dân (CMND). Nhiều trường THPT ở Hà Nội không làm thẻ dự thi, thí sinh đi thi bằng CMND. Chỉ riêng ở hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Gia Thiều đã có hàng chục thí sinh quên giấy tờ quan trọng này phải gọi điện nhờ người nhà mang đến.

Một thí sinh nam là học sinh Trường THPT dân lập Lê Văn Thiêm rơi vào tình trạng hoảng hốt vì đến giờ vào phòng thi và khoảng 30 phút là đến thời gian phát đề mới biết đi thi cần có... CMND. Không thể liên lạc với người nhà, thí sinh này dự định tự đi xe ôm quay về nhà cách đó khoảng 6km để lấy. Biết chắc là không thể kịp quay lại đúng giờ bóc đề thi theo quy định, bảo vệ và giám thị vòng ngoài của hội đồng thi đã chỉ dẫn thí sinh vào gặp chủ tịch hội đồng coi thi để trình bày tìm biện pháp giải quyết. Sát giờ vào phòng thi vẫn có vài thí sinh đứng chờ chực người nhà mang CMND đến. Khoảng 15-20 phút trước khi phát đề thi, công an và bảo vệ của nhiều hội đồng thi tại Hà Nội tất bật với việc hỗ trợ thí sinh và người nhà giải quyết chuyện CMND.

Khắp nơi đồn lộ đề

Những ngày qua, tại nhiều địa phương xuất hiện tin đồn lộ đề thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, nhiều nơi xuất hiện tin nhắn qua điện thoại di động có nội dung: “Môn địa lý ôn trong quyển hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp: trang 12 câu 2, trang 38, 39 câu 6 và 9; ôn kỹ ba vùng Tây nguyên, Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Môn văn chắc chắn sẽ ra tác giả Hemingway, phần văn học Việt Nam sẽ ở ba tác phẩm Rừng xà nu, Việt Bắc và Tây Tiến”.

Nhiều thí sinh cho biết đã nhận được những tin nhắn này, dù bán tín bán nghi nhưng cũng thức cả đêm để học kỹ những câu trong tin nhắn. Hậu quả là đến giờ thi nhiều thí sinh không còn sức để làm bài. Thí sinh N.T.S., học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Q.Thủ Đức, TP.HCM, thất vọng: “Đa số các câu em chỉ làm được vài ý do không thể nhớ được kiến thức đã ôn trước đó”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Trước khi kỳ thi diễn ra đã có tin đồn lộ đề văn và địa lý, nhưng thực tế đề văn thi sáng 2-6 hoàn toàn khác với tin đồn. Bộ GD-ĐT vẫn kiểm tra khi có những thông tin liên quan đến đề thi. Nhưng tốt nhất thí sinh không nên tin vào tin đồn, ảnh hưởng đến tâm lý thi các môn tiếp theo”.

Bên lề

Hải Phòng: cán bộ sao in đề thi không đủ tiêu chuẩn

Trước khi kỳ thi diễn ra, Phòng an ninh văn hóa Công an Hải Phòng đã phát hiện hội đồng sao in đề thi tốt nghiệp THPT của Hải Phòng có một thành viên không đảm bảo yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Thành viên này chỉ là một nhân viên hợp đồng tại Trường THPT Đồng Hòa (Hải Phòng) được bổ sung gấp sau khi hội đồng in sao có hai cán bộ bị bệnh đột xuất.

Theo quy chế của Bộ GD-ĐT, thành viên trong hội đồng in sao đề thi phải là cán bộ, chuyên viên, giáo viên. Khi phát hiện sự việc, đề thi đã được in sao và đóng túi xong. Theo ông Đỗ Văn Lợi - chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hải Phòng, giải pháp tình thế trong sự cố này là bố trí nhân viên trên ở trong vòng 3 (không tiếp xúc với các vòng ngoài) để đảm bảo an toàn. (Minh Hòa)

Nhiều thí sinh bị tai nạn

Đáng chú ý, rất nhiều thí sinh bị tai nạn giao thông trong kỳ thi này. Tại Đồng Nai, trong ngày thi đầu tiên, thí sinh Trần Quang Chính, thi tại hội đồng thi Trường THCS Phương Lâm, huyện Tân Phú (hệ giáo dục thường xuyên), đã bỏ thi môn vật lý do bị tai nạn giao thông trên đường đi thi. Sau khi được cấp cứu tại bệnh viện, Chính đã đến hội đồng thi làm các thủ tục liên quan. Bà Huỳnh Lệ Giang, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, cho biết vì Chính đã dự thi môn ngữ văn nên sẽ áp dụng quy chế thi để xét tốt nghiệp của thí sinh này.

Trong khi đó, sau khi kết thúc ngày thi đầu tiên, ông Nguyễn Hoàng Nhi - giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp - xác nhận có ba trường hợp thí sinh phải bỏ thi vì tai nạn giao thông trước ngày thi. Một thí sinh dự thi tại hội đồng thi huyện Krông Ana, Đắk Lắk cũng bị tai nạn giao thông phải bỏ dở kỳ thi. Tại hội đồng thi Hoàng Hoa Thám (TP Nha Trang, Khánh Hòa), một thí sinh bị tai nạn giao thông không thể tham gia kỳ thi. Bên cạnh đó, ba thí sinh bị tai nạn giao thông trước ngày thi, một thí sinh ở hội đồng thi Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Tuy Hòa, Phú Yên) bị bệnh trong quá trình làm bài thi môn ngữ văn cũng đã bỏ thi.

Điểm thi đặc biệt

Đó là điểm thi Trường Quốc Học (Huế) của khối bổ túc THPT, với rất nhiều thí sinh lớn tuổi tiếp tục dự thi sau nhiều lần thi trượt ở những năm trước. Đơn cử là thí sinh Lê Văn Khoa (48 tuổi, cán bộ UBND xã Hồng Bắc, huyện miền núi A Lưới) dự thi lần thứ sáu sau năm lần thất bại. Kế đến là thí sinh Hồ Văn Mưh (50 tuổi, huyện miền núi A Lưới) dự thi lần thứ năm. Giữ “kỷ lục” ở điểm thi này có lẽ là thí sinh Hồ Thị Ranh (36 tuổi, một cán bộ công tác tại huyện A Lưới), bởi đây là lần thứ chín thí sinh này khăn gói về Huế dự thi... (TH.LỘC)

Góp gạo đi thi

Một nhóm thí sinh tại hội đồng thi Trường THPT Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) vì nhà xa nên để tiết kiệm đã cùng góp cơm gạo, thức ăn và tự tổ chức nấu nướng tại khu nhà bán trú dân nuôi cạnh địa điểm thi.

Buổi sáng trước khi đi thi, các bạn phân công nhau đi chợ, nấu cơm sẵn. Đến trưa, đi thi về chỉ việc nấu thêm mấy gói mì là có thể dùng bữa trưa. (T.B.Dũng)

“Đổi” điện thoại lấy thẻ dự thi

b8BZfMaF.jpgPhóng to

Lo ngại học trò trường mình “khổ vì cái alô”, các giáo viên chủ nhiệm Trường THPT Cần Thạnh (Cần Giờ, TP.HCM) chỉ phát thẻ dự thi cho học trò với điều kiện phải nộp lại điện thoại di động (ảnh). “Sợ nhiều em chủ quan, không nhớ để điện thoại trong túi quần nên làm cách này là chắc ăn nhất và cũng có thể giữ cho thẻ dự thi của các em không bị thất lạc” - thầy Nguyễn Diên Tín, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A5, nói. (H.Bình)

NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên