Nhóm sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cùng sản phẩm phao cứu sinh điều khiển từ xa do các bạn nghiên cứu, chế tạo - Ảnh: Q.L.
Nhóm gồm 6 chàng trai: Bùi Hoàng Sơn, Trần Nhất Tri, Võ Trường Giang, Hồ Đắc Nguyên, Huỳnh Trần Ngọc Thịnh, Nguyễn Minh Toàn và cùng học khoa kỹ thuật tàu thủy.
Các thành viên đều rất nhiệt tình, đam mê nghiên cứu mà những kết quả bước đầu như thế rất đáng khen ngợi khi xét ở trình độ, quy mô và kinh phí dành cho các nghiên cứu của sinh viên hiện nay.
PGS.TS VŨ NGỌC BÍCH (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM)
Từ nỗi đau vùng lũ
Có đến 3 thành viên trong nhóm quê ở Phú Yên mà việc chứng kiến cảnh lụt lội hằng năm đã không còn quá xa lạ, thậm chí từng thấy cảnh người bị lũ cuốn trước mắt mà bất lực.
Đắc Nguyên nói tìm đọc các số liệu về tình trạng đuối nước, con số hàng ngàn trẻ em chết đuối mỗi năm thực sự đau lòng.
Học chuyên ngành thiết kế tàu thủy, công nghệ đóng tàu thủy, mỗi thành viên khi chưa quyết định vào chung nhóm đã có những nghiên cứu, tìm tòi thiết kế của riêng mình.
PGS.TS Vũ Ngọc Bích - thầy hướng dẫn của nhóm - kể đã biết các bạn đang mày mò nghiên cứu tàu ngầm nổi và robot lặn trước đó, nên khi gặp, ông có nói các bạn thử nghiên cứu sản phẩm nào đó thực tế hơn xem và gợi ý làm phao cứu sinh chẳng hạn.
Gợi ý này như tiếp thêm động lực cho cả nhóm vì các bạn đã có nghĩ đến. Vậy là làm thôi! Tìm đọc tài liệu, những chiếc phao cứu sinh điều khiển từ xa vốn không lạ gì với một số nước nhưng hầu như chưa có nhóm nghiên cứu nào trong nước làm cả.
Tham khảo một vài sản phẩm của nước ngoài, rồi đọc và chọn lựa thông số, hình ảnh chiếc phao cứu sinh có thiết bị điều khiển từ xa đã nhen nhóm thành hình.
Học ở quận 12 nhưng phòng thí nghiệm lại ở cơ sở quận Bình Thạnh nên hầu như chỉ có ngoài giờ học cả nhóm mới tụ lại cùng làm. May mắn các bạn được trường tạo điều kiện hết mình.
Thầy Nguyễn Huy Minh - phụ trách phòng thí nghiệm cơ khí động lực và kiểm định thiết bị (Viện cơ khí) - đã xin phép trường để hai ngày nghỉ cuối tuần mở cửa cho nhóm vào làm bởi sản phẩm nếu thành công sẽ có khả năng ứng dụng rất cao.
Có đợt, cả bọn kéo nhau về nhà nhóm trưởng Bùi Hoàng Sơn ở Đồng Nai. Đó là chặng cuối để ra sản phẩm đầu tiên.
Trường Giang nhớ lại: "Trẻ mà, hứng chí lên, thách nhau một tuần coi xong không và kết quả là thức ngày thức đêm. Cuối cùng, sản phẩm đầu tay đã trình làng sau… 6 ngày dù còn thô sơ".
Góp tay giảm đuối nước
Phao được thiết kế hình chiếc móng ngựa với vỏ bằng vật liệu composite. Phần đầu hơi nhọn và nhô mô phỏng như đầu cá mà theo lý giải của nhóm có thể giúp di chuyển linh hoạt, nhất là trong điều kiện vùng nước lũ chảy xiết.
Hai bên đuôi được gắn hai động cơ chạy bằng pin, phao chuyển động nhờ sức đẩy nước của 2 chân vịt. Phao sẽ di chuyển bằng thiết bị điều khiển từ trên cạn kết nối với hộp điều khiển gắn bên trong phần đầu phao.
Bùi Hoàng Sơn cho biết nhóm đã thử nghiệm chạy thử phao trong môi trường nước của hồ, sông Sài Gòn với thời gian hoạt động của pin hiện khoảng 37 phút.
Tổng khối lượng chiếc phao đang dao động trên dưới 15kg, dài 1,1m, ngang 0,8m với vận tốc di chuyển chừng 15km/h. Khi thử tải, phao có thể chịu được sức bám của 3 người dưới nước và thiết bị điều khiển "bắt sóng" trong bán kính 500m.
Nhóm cũng tham khảo một sản phẩm tương tự do lực lượng cứu hộ cứu nạn của một tỉnh hiện có được mua từ nước ngoài về với giá trên trăm triệu đồng.
Tính toán thử, các bạn ước tính giá thành sản phẩm có thể vào khoảng một nửa so với sản phẩm mua từ nước ngoài, mà nếu sản xuất quy mô công nghiệp thì giá sẽ còn thấp hơn.
Lần đầu tiên đi thi, sản phẩm giành được giải nhì Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2021 dành cho nhóm nghiên cứu về kỹ thuật công nghệ, lĩnh vực giao thông vận tải.
Đó như cú hích cho các bạn sau những tháng ngày mày mò tìm kiếm, cả đi học lóm phần lắp ráp điện tử của anh thợ sửa xe vì "không đứa nào rành về điện".
Nhưng niềm vui không chỉ là sản phẩm đã nên hình nên dạng dù cả nhóm vẫn đang tiếp tục theo đuổi đam mê chung, hoàn thiện đứa con tinh thần đầu đời của mình.
"Điều mọi người mong mỏi hơn là nếu được sản xuất thì chúng ta sẽ có thêm thiết bị giúp cho việc cứu hộ cứu nạn, nhất là với những vùng lũ lụt khi địa hình khó tiếp cận, làm sao giảm bớt tình trạng đuối nước đã là thành công rồi" - Đắc Nguyên chia sẻ.
Cải tiến sản phẩm
Hiện nhóm đang làm phiên bản thứ tư với một số cải tiến, ưu tiên giảm khối lượng xuống. Chẳng hạn lớp vỏ ban đầu được kết thành từ 4 lớp, với phiên bản 4 chỉ còn 2 lớp vật liệu song qua kiểm nghiệm đảm bảo không làm ảnh hưởng đến chất lượng.
Khi bảo vệ đề tài trước hội đồng khoa học, có thầy đã hỏi vui nhưng rất thực tế rằng nhỡ phao nặng quá, quăng xuống trúng đầu làm bị thương người cần cứu thì sao! "Tụi mình đang cố gắng giảm khối lượng để phao nhẹ bớt, đồng thời tính toán động lực để phao hoạt động nhanh và mạnh hơn, rồi dùng số lượng pin ra sao để kéo dài thời gian sử dụng cũng được nhóm tiếp tục làm" - Bùi Hoàng Sơn chia sẻ.
Thầy hướng dẫn Vũ Ngọc Bích nói sản phẩm này là dự án nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam, một nhánh trong đề tài khoa học cấp bộ do ông đang thực hiện.
"Sẽ phải hoàn thiện nhiều vấn đề trước khi tính toán việc sản xuất hàng loạt, trong đó quan trọng là tối ưu hóa khối lượng, thậm chí có thể nghĩ đến dùng một vật liệu khác thay thế" - thầy Bích phân tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận