03/05/2018 20:02 GMT+7

Phan Vũ - ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

TTO - Trường ca Em ơi! Hà Nội phố từ đây đã chính thức có một hình hài trong tập thơ Ta còn em, cùng với 32 bài thơ khác của Phan Vũ, sau khi dự án in riêng trường ca vào năm ngoái không thành hiện thực vì nhiều lý do.

Phan Vũ - ngôi sao lẻ lạc vào  căn xép nhỏ - Ảnh 1.

Nhà thơ bên cạnh chân dung tự họa - Ảnh: NGUYỄN TRỌNG CHỨC

Ta còn em… chính là điệp khúc được nhà thơ nhắc đi nhắc lại để kể về những ký ức Hà Nội tháng Chạp 1972, khi cuộc không kích chiến lược bằng máy bay B-52 của không quân Mỹ đã tàn phá nặng nề Hà Nội. Nhưng bài thơ lại được bắt đầu từ những khung cảnh bình yên của Hà Nội như một lời thầm thì tình tự:

Em ơi! Hà Nội phố/ Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa/ Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya/ Cọt kẹt bước chân quen/ Thang gác thời gian/ Mòn thân gỗ/ Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ...

Cứ thế, 24 đoạn thơ như 24 đoạn thời gian nhắc nhở về những gì còn lại của Hà Nội phố, sau bom đạn và sau những dâu bể. Vừa như lời thủ thỉ, lại như tiếng kêu nhỏ nhắc ta về một Hà Nội hãy còn cái vẻ "đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa" nhưng hình như sắp mất, sắp hóa màu xám hư vô chợt nhòe chợt hiện, nhợt nhạt vàng son, đậm đầy cay đắng…

Bài trường ca dễ chinh phục người đọc bởi cách nhấn nhá có chủ đích những địa danh nổi tiếng, "Ta còn em một Cổ Ngư, tên thật cũ", "Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm, thoáng mùi sen nở muộn", "Ta còn em mảnh đại bác, ghim trên thành cũ", đan cài các hình ảnh đặc trưng của một đời phố Hà Nội. Những địa danh lấp lánh giọng kể có màu sử thi trên cái nền khi bàng bạc của những trang thơ buồn, khi ríu rít màu phố náo nhiệt như tấm toan bức tranh ấn tượng.

Trong Ta còn em, những bài thơ khác của Phan Vũ để lại ấn tượng về một tâm hồn "lãng tử rực rỡ cuồng si" nhưng có cái khắc khoải cô độc và những dự cảm bất an.

Từ bài thơ Bình vỡ (1956) đến Bài thơ về một câu hỏi (còn gọi là Sài Gòn phố - 1986-2017), tâm trạng ngổn ngang quán xuyến. Ngổn ngang nỗi mất mát tình yêu, sự nhọc nhằn của kiếp người, sự ưu tư thời cuộc.

Thể thơ tự do Phan Vũ chọn với những từ vừa chân phương vừa bí ẩn, làm nên một cái giọng bàng bạc như bụi đường trên balô kẻ lữ hành, mà ông có gọi tên là giọng thổ: "Gửi lại em tiếng thì thầm giọng thổ" (Tiệc cuối ngày - 1996).

Tôi vẽ dọc ngang/ Chi chít những song hành/ Câu hát đen đồng nghĩa/ Với phán truyền/ Tôi vẽ một lõa lồ/ Không che đậy

Nguyên khổ những hình hài khao khát/ Đam mê (Tôi vẽ - 1996).

Những câu thơ nói về việc vẽ nhưng cũng nói nhiều điều về cá tính và đời sống riêng tư của tác giả. Vốn là một biên kịch sân khấu, rồi làm phim, và song song với làm thơ ông còn vẽ tranh,

Phan Vũ đã sống cuộc đời hơn chín thập niên đúng như câu thơ chấm phá về cái nghiệp của bản thân: không che đậy những khao khát đam mê. Để làm được điều ấy, ham muốn sáng tạo của người nghệ sĩ hẳn phải rất mãnh liệt.

Phần thưởng của cuộc đời nhiều khi khiêm nhường, nhưng Phan Vũ đã có cho riêng mình một "đêm kinh kỳ thuở ấy xanh lơ", nơi ông soi thấy số phận mình: "Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ" (Em ơi! Hà Nội phố - 1972).

Em ơi! Hà Nội phố của Phan Vũ gợi ra ở mỗi người một giọng đọc, và rồi dẫn dắt hình dung về một Hà Nội với những chi tiết nhỏ bé, tham gia vào sự tưởng tượng về một không gian đã nhiều điều nay thành lạ.

Tất nhiên cùng với bài hát đã được Phú Quang phổ nhạc từ vài đoạn trong bài thơ khiến cho "Em ơi! Hà Nội phố" trở nên phổ biến (thậm chí ăn khách), và một ký ức tập thể của nhiều triệu người nhớ về Hà Nội, chúng ta có một Hà Nội neo trong tâm tưởng. Bài thơ đã làm chúng ta tin, bởi giọng riêng mà sức cộng hưởng rộng lớn.

Phan Vũ - còn một màu xanh thời gian

TTO - Em ơi! Hà Nội - phố/Ta còn em đường lượn mái cong/Ngôi chùa cổ/Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương/Ai còn ngồi bên gốc đại già?/Chợt quên vườn hồng đã ra hoa/Chợt quên bên đường ai đứng đợi.../Cuộc đời có lẽ nào/Là một thoáng bâng quơ!

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên