14/03/2021 06:37 GMT+7

Phản ứng sau tiêm vắc xin ở Việt Nam: Vẫn 'trong tỉ lệ cho phép'

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Tỉ lệ người Việt Nam được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 gặp phản ứng tại chỗ (từ nhẹ đến nặng) là 26%, nhưng mức này được cho là 'tương đương' các loại vắc xin khác.

Phản ứng sau tiêm vắc xin ở Việt Nam: Vẫn trong tỉ lệ cho phép - Ảnh 1.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiêm vắc xin chống COVID-1 9 cho nhân viên y tế - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các sở y tế Gia Lai, TP.HCM và Hải Phòng yêu cầu xác minh thông tin, lập hội đồng đánh giá tai biến vắc xin sau tiêm chủng, kết luận nguyên nhân các trường hợp tai biến nặng sau tiêm và triển khai các hoạt động theo quy định.

Văn bản phát đi sau khi TP.HCM ghi nhận 6 trường hợp phản ứng phản vệ độ 2 sau tiêm, Hải Phòng ghi nhận 5 trường hợp và Gia Lai 1 trường hợp.

26% có phản ứng là nhiều hay ít?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Minh Hằng - phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cho biết: "Phản ứng sau tiêm gồm 2 loại phản ứng thông thường và phản ứng nặng, trong đó 12 trường hợp phản ứng phản vệ độ 2 đã ghi nhận đều được xếp vào nhóm phản ứng nặng do phải xử trí tại bệnh viện".

Với khoảng 5.300 người tại 12 tỉnh thành đã được tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 trong 5 ngày từ 8 đến 12-3, tỉ lệ người được tiêm gặp phản ứng tại chỗ là 26%, phản ứng nặng (kẹt huyết áp, phù mạch tại vị trí tiêm, khó thở, nổi mề đay) là 0,7%.

Với tỉ lệ này, bà Dương Thị Hồng - trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, đơn vị đang thực hiện chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 tại Việt Nam - cho biết là mức phản ứng tương tự như của các vắc xin đang sử dụng khác tại Việt Nam.

Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp phản ứng tương tự ở châu Âu (tăng huyết khối), đồng thời cũng chưa ghi nhận các phản ứng được coi là nguy kịch sau tiêm chủng như sốt cao, co giật, sốc phản vệ...

Ông Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - cho biết Việt Nam đang giám sát an toàn tiêm chủng ở mức cao nhất, vì vậy hoạt động điều tra, đánh giá nguyên nhân các phản ứng nặng sau tiêm là hoạt động thông thường.

Tuy nhiên, trong những ngày tới hoạt động tiêm chủng tiếp tục tiến hành theo chỉ đạo "tiêm đến đâu an toàn đến đó" của Bộ Y tế.

Dự kiến trong tuần tới các tỉnh Quảng Ninh, Điện Biên, Đồng Tháp sẽ bắt đầu triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trên địa bàn, nâng tổng số địa phương triển khai vắc xin là 15 tỉnh thành.

Từ ngày 25-3 sẽ có trên 1,3 triệu liều vắc xin về Việt Nam và tháng 4 có khoảng 4 triệu liều, như vậy số người được tiêm chủng sắp tới sẽ tăng tốc nhanh chóng.

Sớm triển khai "hộ chiếu vắc xin"

Dự kiến trong tháng 4 và 5 tới, số người Việt Nam được tiêm chủng sẽ lên tới hàng triệu người, trong khi đó cũng sẽ có hàng ngàn người đã được tiêm chủng ở nước ngoài có nhu cầu đi lại, giao thương trong và ngoài Việt Nam.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 mới đây, Ban Chỉ đạo đã bàn nhiều về việc quản lý đi lại, khai báo y tế của người dân, vận chuyển hàng hóa...

Tại một số địa điểm có dịch, đang xảy ra tình trạng chưa thống nhất về quy định dẫn đến ách tắc cục bộ với hàng hóa và đi lại, thường trực Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn thống nhất, thiết lập hệ thống công nghệ quản lý chặt chẽ người có nguy cơ lây nhiễm để những người còn lại có thể đi lại dễ dàng hơn.

Giải pháp này nhằm đảm bảo kiểm soát dịch bệnh nhưng không "ngăn sông cấm chợ" hay kỳ thị trong xã hội.

Bên cạnh đó, một số quốc gia đã cân nhắc rút ngắn thời gian cách ly cho người đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, được coi là chính sách sử dụng "hộ chiếu vắc xin", thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp cùng các nhà mạng lớn hoàn thiện, sẵn sàng giải pháp và hệ thống kỹ thuật cho việc này.

Đến tháng 4-2021, căn cứ vào đánh giá mức độ an toàn của từng loại vắc xin ngừa COVID-19, từng nước để có chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ mục tiêu kép trong nước nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.

Tiêm thử vắc xin Covivac

Ngày mai (15-3), Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, ĐH Y Hà Nội sẽ bắt đầu tiêm vắc xin Covivac, vắc xin ngừa COVID-19 do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang phát triển. Đây là sản phẩm ngừa COVID-19 "made in Vietnam" thứ 2 được đưa vào sử dụng trên người tình nguyện.

Sẽ có 120 người 18-59 tuổi được tiêm vắc xin đợt này, sau đó sẽ có thêm 300 người tham gia thử vắc xin. Ở giai đoạn thử nghiệm trên động vật, vắc xin đạt hiệu quả đáng kể khi đánh giá tại Việt Nam, Mỹ và Ấn Độ.

Chiều 13-3, có 3 ca mắc COVID-19 ở Bà Rịa - Vũng Tàu và Hải Dương Chiều 13-3, có 3 ca mắc COVID-19 ở Bà Rịa - Vũng Tàu và Hải Dương

TTO - Bản tin 18h chiều 13-3 của Bộ Y tế cho biết có 3 ca mắc mới COVID-19, trong đó 2 ca ghi nhận tại Hải Dương và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên