05/10/2016 13:08 GMT+7

Phản ứng nhanh để bảo vệ cá ở Nhiêu Lộc - Thị Nghè

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TTO - Sáng 5-10, lo ngại việc cá chết hàng loạt có thể lặp lại, chính quyền TP.HCM đã ngay lập tức đi kiểm tra khi được báo cá nổi nhiều ở khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm và giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng kiểm tra kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đoạn qua Q. Tân Bình, TP.HCM lúc 10g35 sáng 5-10 - ẢNH: QUANG ĐỊNH

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, cũng ngay trong sáng 5-10, phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm có mặt tại khu vực đầu kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận Tân Bình) để kiểm tra thực tế, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng của TP thực hiện nhiều biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ đàn cá đông đúc đang sống ở kênh.

Cùng thời điểm này chưa ghi nhận có cá chết “phơi bụng” hàng loạt như nhiều lần trước đó.

Tuy nhiên, trong sáng 5-10, mực nước ở kênh khá thấp, nhiều loại cá nổi lên mặt nước quây quần thành từng đàn, từng cụm…

Trước thực tế như vậy, cơ quan chuyên môn TP đã kiểm tra nhanh điều kiện sinh sống của cá, đặc biệt là lượng ôxy hòa tan trong nước (DO), đã ghi nhận mức DO trong nước ở kênh tụt khá thấp so với mức đảm bảo cho cá có thể sống tốt.

Cơ quan chuyên môn của TP cho biết sẽ rải ngay chất giúp tăng DO trong nước kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè để hạn chế khả năng cá bị chết ngạt do thiếu ôxy.  

Chưa phát hiện xả thải lén lút vào kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Trả lời Tuổi Trẻ vấn đề tại hiện trường kiểm tra thực tế sáng 5-10, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng cho biết:

- Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã chủ động kiểm tra trước thông tin nêu cá ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có biểu hiện chết.

Chúng tôi đã lấy mẫu nước kênh và phân tích cho thấy ôxy hòa tan (DO) tương đối thấp. Hiện DO chỉ cao hơn 1 mg/lít một chút, so với qui chuẩn yêu cầu thì DO phải là 4 mg/lít. Trong khi đó, điều kiện để cá có thể sống tốt thì DO phải từ 4 mg/lít trở lên. 

Chính vì vậy, chúng tôi thực hiện hàng loạt giải pháp để đảm bảo cho đàn cá sống tốt ở kênh này trong đó có việc thả chất gel tạo ôxy hòa tan trong nước. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn nạo vét bùn; tạo tuần hoàn nước ở kênh từ hai họng thu phát nước.

* Đã một số lần cá chết hàng loạt xảy ra ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Sở Tài nguyên và Môi trường TP có đặt vấn đề tìm nguyên nhân để có giải pháp lâu dài, xây dựng các kịch bản ứng phó, bảo vệ đàn cá?

- Việc cá chết đã từng xảy ra và thực tế này đặt ra cho các cơ quan chuyên môn của TP cần có kịch bản như báo Tuổi Trẻ vừa đề cập.

Chúng tôi cũng xác định mỗi đợt mùa nắng chuyển sang mùa mưa, có hiện tượng tích tụ các chất có hại trong hệ thống cống và sau đó chúng dồn ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, gây nên tình trạng thiếu ôxy trong nước, làm cá chết.

Trước thực trạng đó, chúng tôi thường xuyên nạo vét cống dẫn nước mưa xả vào kênh này đồng thời kiểm tra, xử lí nghiêm các cơ sở xả thải trực tiếp, lén lút ra hệ thống cống thu gom nước mưa.

Cũng không được quên việc thường xuyên nạo vét, tạo sự thông thoáng cho hệ thống thu nước, lòng kênh; tạo sự tuần hoàn dòng chảy…

* Ông có thể khẳng định là cơ quan chuyên môn của TP đảm bảo khả năng kiểm soát được việc xả thải vào kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, không còn tình trạng xả nước thải, chất thải, không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường xuống kênh này?

- Đến thời điểm này, qua kiểm tra, chúng tôi chưa phát hiện cơ sở nào xả thải lén lút qua hệ thống thu nước mưa và đổ vào kênh. Nhưng cơ quan quản lí nhà nước không được chủ quan, vẫn phải tiếp tục kiểm tra vấn đề này.

Ở khu vực này đã xây dựng hạ tầng tách nước mưa và nước thải riêng, cải thiện môi trường nước ở dòng kênh, thì toàn bộ công việc kiểm tra, bảo quản, duy tu… là trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở địa phương; đồng thời cần sự chung tay góp sức của người dân.

                 

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên