Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Hà Nội sáng 8-3 - Ảnh: NAM TRẦN
Trao đổi với báo chí ngày 15-3, GS-TS Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, giám đốc Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, đơn vị đang triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 tại Việt Nam - cho hay trong tuần này sẽ có thêm 3 địa phương mở điểm tiêm ngừa.
Đó là Quảng Ninh, Điện Biên và Đồng Tháp. Như vậy số địa phương tiêm chủng ngừa COVID-19 đã lên con số 15. Đến cuối tháng 3 này sẽ tiêm hết lô vắc xin về đợt đầu (117.600 liều), chuyển sang lô vắc xin trên 1,3 triệu liều do COVAX (quỹ điều phối vắc xin ngừa COVID-19 do Liên minh Vắc xin và tiêm chủng toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới chủ trì điều phối) tài trợ.
Điều đáng chú ý, sau 1 tuần đầu tiên triển khai tiêm chủng, đã ghi nhận khoảng 15 trường hợp gặp phản ứng nặng sau tiêm, trong đó có 14 người phản ứng phản vệ mức 2 (khó thở, kẹt huyết áp, phù mạch tại vị trí tiêm, tiêu chảy) và 1 trường hợp là nữ, tiêm chủng ngày 14-3 ở Hải Dương sốc phản vệ, được coi là phản ứng nặng nhất trong tiêm chủng.
Bên cạnh đó, tỉ lệ gặp phản ứng thông thường là 26%.
Các trường hợp gặp phản ứng đã ổn định
Theo thông báo của Bộ Y tế, trường hợp gặp phản ứng nặng nhất (ở Hải Dương) kể trên có các dấu hiệu nguy hiểm như chân tay co quắp, rét run, sốt, tê bì tay... Các dấu hiệu này xuất hiện ở 8 giờ sau tiêm. Cơ quan y tế cũng đã phát hiện và xử trí kịp thời, hiện bệnh nhân đã ổn định trở lại. 14 người gặp các phản ứng nặng khác cũng đều đã ổn định.
Tuy nhiên điều lo lắng là do số lượng vắc xin về đợt này rất ít ỏi, đối tượng tiêm ngừa rất hạn chế, chỉ mới tiêm ở nhóm nhân viên y tế làm nhiệm vụ chống dịch, người tham gia các tổ phòng chống COVID-19 ở cộng đồng, việc triển khai tiêm ngừa cũng rất cẩn thận: làm trên quy mô nhỏ dưới 50 người/buổi tiêm/1 điểm tiêm, tương tự khi triển khai tiêm chủng cho trẻ em, có khám sàng lọc trước tiêm và theo dõi sau tiêm, nhưng phản ứng nặng hầu như ngày nào cũng gặp và gặp nhiều nhất tại Hải Phòng, TP.HCM, số lượng ít hơn là Hải Dương và Gia Lai.
Bên cạnh đó, tỉ lệ người có các phản ứng tại vị trí tiêm như sưng đau chỗ tiêm khoảng 26%.
Những thông số này dẫn đến băn khoăn liệu có ảnh hưởng đến kế hoạch tiêm chủng? Theo ông Đặng Đức Anh, tỉ lệ người gặp phản ứng sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19 như trên là tương tự với các vắc xin đang sử dụng.
"Chúng tôi cũng đang theo dõi việc tiêm ngừa tại các quốc gia cùng sử dụng vắc xin này để xem tỉ lệ gặp phản ứng không mong muốn, các phản ứng thường gặp, các chống chỉ định... để triển khai tại Việt Nam được an toàn và suôn sẻ" - ông Đức Anh nói.
Chính vì thế, cho đến nay mặc dù có nhiều nước châu Âu đang tạm dừng tiêm vắc xin này, nhưng kế hoạch của Việt Nam vẫn là hết tháng 3 tiêm xong lô vắc xin về đầu tiên (117.600 liều, về đến Việt Nam hôm 24-2), sau đó chuyển sang sử dụng lô vắc xin trên 1,3 triệu liều do COVAX tài trợ. Sang tháng 4 sẽ về tiếp khoảng 4 triệu liều.
Tuy nhiên nguyên tắc triển khai là "triển khai đến đâu đảm bảo an toàn đến đó", theo như lời của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.
Với số lượng vắc xin lớn như vậy, ông Đức Anh cho biết từ cuối tháng 3, đối tượng tiêm chủng sẽ mở rộng hơn nhiều. Tuy nhiên nhóm người trên 65 tuổi, có bệnh lý nền có thể sẽ bị chậm hơn những đối tượng ưu tiên khác, do những người này sẽ được tiêm chủng tại bệnh viện để đảm bảo an toàn.
Việt Nam sẽ tự chủ được vắc xin ngừa COVID-19
Số mắc COVID-19 trên thế giới sau vài tuần có dấu hiệu giảm vào tháng 2 và đầu tháng 3 này, thì tuần gần nhất lại gia tăng trở lại. Một số quốc gia châu Âu cân nhắc áp dụng lại các biện pháp giãn cách xã hội. Điều đó cho thấy sự khó lường của virus corona, khi chưa có vắc xin hay chưa có biện pháp miễn dịch cộng đồng nào đáng kể thì chưa thể yên tâm mở cửa và hòa nhập trở lại.
Chính vì vậy, nếu tiêm được vắc xin trên diện rộng và sau này là tự chủ được vắc xin với giá phù hợp, Việt Nam có thể sớm có miễn dịch cộng đồng. Từ đầu năm 2020, có 4 nhà sản xuất vắc xin lớn ở Việt Nam đã tham gia cuộc đua phát triển vắc xin. Thời điểm đó ít có ai tưởng tượng chỉ sau chưa đầy 1 năm, có 3/4 sản phẩm đã và sắp đưa vào thử nghiệm trên người. Bởi theo truyền thống nghiên cứu vắc xin ở Việt Nam, phát triển mỗi vắc xin cần 5-10 năm.
Hôm qua 15-3, vắc xin thứ 2 trong nhóm này là vắc xin Covivac, do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang phát triển, đã bắt đầu tiêm mũi đầu tiên trên người tình nguyện. Từ 15-3 đến 20-4 sẽ có 120 người được tiêm mũi 1 vắc xin này, chia nhóm với mỗi nhóm 12-18 người, sử dụng 4 nhóm liều 1 mcg, 3 mcg, 10 mcg không có tá chất và 1 mcg có tá chất để đánh giá tính an toàn, liều tối ưu, sau 28 ngày tiêm mũi 1 sẽ tiêm mũi 2.
COVID-19 đã làm thay đổi thế giới trong năm qua, và hi vọng có 80% người dân được tiêm vắc xin trở lên thì mới quay lại như trước 2020 về giao thương, đi lại, học hành, phát triển kinh tế, văn hóa. Việt Nam đã mua và được viện trợ 60 triệu liều vắc xin, đang đàm phán mua 31 triệu liều nữa, và nếu kịp thời thì đầu năm 2022 vắc xin Việt sẽ ra thị trường, Việt Nam sẽ chủ động được nguồn vắc xin, chủ động phòng bệnh.
Vắc xin Covivac phát triển dựa trên công nghệ vector, tương tự công nghệ mà AstraZeneca phát triển loại vắc xin đang được sử dụng tại Việt Nam. Qua đánh giá ở giai đoạn tiền lâm sàng (thử nghiệm trên động vật) tại Việt Nam, Ấn Độ và Mỹ cho thấy vắc xin đảm bảo an toàn và hiệu quả miễn dịch.
Các chuyên gia cũng đánh giá đây là dự án rất khả thi, công suất hiện nay là 6 triệu liều/năm nhưng có thể sớm nâng lên 30 triệu liều/năm, với giá thành dự tính chỉ 60.000 đồng/liều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận