Phóng to |
Cần mua thuốc đúng theo toa bác sĩ để hạn chế những tác dụng có hại khi dùng thuốc không đúng - Ảnh: T.T.D. |
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh - phó giám đốc trung tâm, con số này tăng so với cùng kỳ 2013 và cao hơn tổng số báo cáo của năm 2012.
Điều đáng chú ý là có những phản ứng có hại ghi nhận ở thuốc được mua tự do, mua không cần đơn, thuốc dùng cho mục đích làm đẹp... Ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết:
- Càng ngày chúng tôi càng nhận được nhiều báo cáo về phản ứng có hại của thuốc xảy ra trong điều trị. Như sáu tháng đầu năm 2014 là 3.700 báo cáo, nhưng so với thực tế thì rõ ràng số lượng được báo cáo chưa là gì, số phản ứng trên thực tế có thể cao gấp nhiều lần. Chúng tôi cũng nhận được những báo cáo liên quan đến tử vong hay phản ứng nghiêm trọng sau dùng thuốc, điều trước đây người ta rất ngại báo cáo. Trong đó, theo dữ liệu được báo cáo, những nhóm thuốc kháng sinh, thuốc chống lao, hạ sốt kháng viêm hay xuất hiện phản ứng có hại nhất.
"Theo dữ liệu được báo cáo, những nhóm thuốc kháng sinh, thuốc chống lao, hạ sốt kháng viêm hay xuất hiện phản ứng có hại nhất" Ông NGUYỄN HOÀNG ANH |
* Thưa ông, có điều gì bất thường ở những nhóm thuốc được coi là thông thường, dùng tự do hay không?
- Qua các báo cáo nhận được, chúng tôi nhận thấy thuốc hạ sốt giảm đau nhóm paracetamol có số lượng báo cáo liên quan đến dị ứng sau dùng thuốc khá nhiều, trong đó có những trường hợp dị ứng nặng dù paracetamol được xem là thuốc lành tính, được bán tự do không cần đơn. Hay như thuốc allopurinol điều trị bệnh gút chúng tôi đã nhận được trên 30 báo cáo gặp phản ứng có hại sau dùng thuốc. Khi người bệnh đi xét nghiệm, lượng acid uric tăng thì bác sĩ kê thuốc allopurinol ngay, trong khi trước lúc dùng thuốc bác sĩ nên khuyên người bệnh điều chỉnh bằng chế độ ăn trước. Sau những khuyến cáo về các trường hợp gặp phản ứng sau dùng thuốc, Bộ Y tế đã có văn bản khuyến cáo bác sĩ thận trọng khi kê đơn thuốc này.
Gần đây chúng tôi cũng nhận được cả những báo cáo phản ứng có hại sau dùng thuốc cản quang. Trước đây có sự chủ quan, không lưu ý trong sử dụng khi chẩn đoán hình ảnh, nhưng nay cũng đã có lưu ý các bệnh viện: đó là thuốc, có nguy cơ gây phản ứng có hại.
* Người Việt có thói quen “tự điều trị”, tự mua thuốc uống để chữa bệnh cho mình và người thân. Ông thấy vấn đề gì đáng ngại từ thói quen này?
- Đây là thói quen đã được cảnh báo từ lâu, có một tỉ lệ không nhỏ khoảng 10-15% từ các báo cáo phản ứng có hại của thuốc chúng tôi nhận được là ở những bệnh nhân tự dùng thuốc, tự mua thuốc ở hiệu thuốc, kể cả những thuốc thông thường như paracetamol. Nguy cơ dị ứng thuốc là có, khi ra hiệu thuốc nhân viên nhà thuốc không lưu tâm bệnh nhân có tiền sử dị ứng hay không. Còn với thuốc điều trị bệnh gút kể trên thì những trường hợp dị ứng không liên quan đến bệnh nhân mà liên quan đến bác sĩ, nên Bộ Y tế cũng đã có khuyến cáo bác sĩ chỉ kê thuốc này trong trường hợp cần thiết.
* Thưa ông, Tổ chức Y tế thế giới từng có khuyến cáo một đơn không nên có quá ba thuốc, nhưng đơn thuốc người Việt thì một đơn có thể có cả chục thuốc. Có một giới hạn nào cho mỗi đơn thuốc để tránh tương tác giữa các thuốc?
- Một đơn không quá ba thuốc là lý thuyết, trong quá trình điều trị có thể có những thay đổi tùy theo bệnh nhân. Nhưng đúng là số thuốc trong đơn càng tăng thì nguy cơ xảy ra tác dụng phụ càng lớn. Về nguyên tắc không nên giới hạn bao nhiêu thuốc/đơn, nhưng chỉ nên kê những gì bệnh nhân cần. Người dân khi đi khám chữa bệnh cũng nên chủ động nói với bác sĩ về tiền sử sử dụng thuốc, bệnh và tiền sử có hay không có dị ứng của mình. Bác sĩ cũng có trách nhiệm hướng dẫn bệnh nhân, như những chế phẩm có canxi, sắt có rất nhiều trong các viên bổ tổng hợp, nếu dùng cùng lúc với kháng sinh sẽ làm giảm hiệu quả kháng sinh.
* Để tránh các phản ứng có hại do dùng thuốc, theo ông, người bệnh nên làm gì?
- Trước khi dùng thuốc, người dân nên đọc kỹ phần dành cho bệnh nhân trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, trong đó có dặn dò cả về tác dụng phụ của thuốc. Đọc kỹ không phải để cho mình sợ, mà vì có khi bác sĩ khám bệnh do quá đông bệnh nhân nên chưa nói hết. Trong trường hợp ai đó có yếu tố nguy cơ xảy ra phản ứng có hại, có thể nói với bác sĩ thay thuốc. Nếu đi mua thuốc ở hiệu thuốc, cũng nên nói rõ với người bán thuốc về tiền sử dị ứng để người bán thuốc nắm được. Trường hợp tự mua thuốc (với những thuốc được coi là bổ, mua tự do) thì phải cân nhắc về nguồn gốc, những thứ hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc không nên mua. Cũng cân nhắc nếu bạn đang gặp vấn đề sức khỏe như bệnh gan, đang định có thai hay đang có thai... Gần đây chúng tôi nhận được một báo cáo phản ứng có hại sau dùng collagen, vốn đang được chị em tìm mua nhiều để làm đẹp. Ca dị ứng này khá nặng, tuy chỉ là một trường hợp nhưng ở nghề của chúng tôi đó cũng là dấu hiệu cảnh báo collagen không phải tuyệt đối lành tính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận