Nữ trung tá Trần Thị Kim Thanh - khắc tinh của các đối tượng có án truy nã - Ảnh: B.D. |
Đại tá Đoàn Quốc Thư - phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk - kể về cấp dưới của mình: “Bà ấy là người khá đặc biệt và hiếm hoi. Tôi chưa nghe bả than khổ hay kể lể bao giờ”.
“Vì tôi tin chị”
Theo ông Thư, hiện Đắk Lắk mỗi năm tiếp nhận và phát lệnh truy nã nhiều đối tượng, tất cả công việc nặng nhọc và đầy hiểm nguy này được giao về cho Phòng cảnh sát truy nã tội phạm (PC52).
Ở đây, trung tá Trần Thị Kim Thanh - đội trưởng đội tham mưu tổng hợp - nhiều lần nhận “trát” cùng đồng đội lên đường vây bắt các đối tượng có án truy nã.
Một buổi chiều vào tháng 8-2015, số điện thoại của PC52 reo gấp gáp. Phía đầu dây, một phụ nữ cất tiếng: “Cán bộ cho tôi gặp bà Thanh”.
Bà Thanh cho biết sau cuộc điện thoại đó, bà nhận được nhiều tin nhắn quý giá về một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà bà cùng đồng đội đang truy đuổi.
Những ngày sau, người này đều đặn nhắn tin “cập nhật” miêu tả kỹ đặc điểm nhận dạng, địa điểm đối tượng đang lẩn trốn, thời gian và giờ giấc xuất hiện.
Miệt mài lần tìm, một ngày đầu tháng 3-2016, các trinh sát PC52 đã lần ra được dấu vết và bắt được đối tượng tại một nhà trọ ở Bình Dương.
Đánh được án, bà Thanh hoàn toàn thất vọng khi cố tìm ra tin tức của người báo tin.
"Số điện thoại nhắn tin cho tôi trong những ngày vây bắt đối tượng cũng đã bị hủy. Cho tới lúc này tôi cũng không biết chị ấy là ai, chỉ nhận được câu trả lời duy nhất của chị ta là: Vì tôi tin chị nên tôi mới báo tin” - bà Thanh kể lại.
Về lý do mình được nhiều nguồn tin tin tưởng, cung cấp thông tin, bà Thanh nói rằng bà làm nghề truy nã nhưng luôn tin ở trong mỗi con người có lòng thiện.
Mỗi lần về làng, đi trinh sát, vây bắt tội phạm, bà đều đối xử chân thành với người bị bắt lẫn người dân. Từ đó nguồn tin của bà đa dạng, nhiều người tìm đến bà để gửi gắm.
Muốn được chị Thanh đón ở cổng
Bà Thanh cho biết bà thấy mãn nguyện với công việc truy nã tội phạm. Bà xuất thân từ lính văn phòng, rồi khi đội truy nã tội phạm được cơ cấu (nằm trong Phòng cảnh sát hình sự), bà được điều về làm lính truy nã với lý do: “Chữ đẹp quá, viết... hồ sơ án thì rất ổn”.
Rồi thấy bà “máu lửa”, chịu đi, chịu săn lùng nên cấp trên giao bà phụ trách đội truy nã từ năm 1992.
Danh sách các đối tượng mà bà Thanh cùng đồng đội vây bắt hàng chục năm qua đủ thứ án: cố ý gây thương tích, giết người, trộm cắp tài sản, lừa đảo, ma túy... Bà Thanh nói rằng có những vụ như duyên nợ, những người bị bà bắt lại nhận bà làm ân nhân.
Bản thân bà cũng thật sự quý mến họ, những người phần lớn là lương thiện nhưng vì một bước sa chân nào đó đã vướng vào vòng lao lý, sống chui lủi và mang một vỏ bọc khác.
Năm 1996-1997, Công an huyện Lắk (Đắk Lắk) phát lệnh truy nã một cặp vợ chồng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bà Thanh, lúc đó còn là một nữ trinh sát trẻ, được lệnh truy tìm để đưa hai đối tượng này về chịu án.
Bà Thanh nói: “Họ không có án tích, cũng vì mải mê làm ăn mà cấn nợ quá nhiều, đến khi mất khả năng chi trả nên bỏ trốn”.
Bà Thanh kể rằng ngay khi đọc hồ sơ án, biết cặp vợ chồng này đang cùng con trốn ở Hà Nội, bà đã liên lạc với công an địa phương tìm cách đưa đối tượng ra đầu thú nhằm tránh mức án nặng. Nhiều ngày thuyết phục, trấn an, khuyên nhủ, cuối cùng họ chấp nhận theo xe cảnh sát về Đắk Lắk.
Trong những ngày ở tù, chứng kiến cảnh con cái của họ bơ vơ, bà Thanh đã tới nhà chia sẻ, hỗ trợ tiền bạc. Bà trực tiếp vào trại giam thăm nom, động viên, giúp đỡ. Nhờ cải tạo tốt, cả hai vợ chồng đều được ra trại sớm. Ngày đầu tiên ra trại, họ yêu cầu “được thấy chị Thanh đứng đón ở cổng”.
“Đó là phần thưởng của những người làm nghề truy nã” - trung tá Thanh nói. Bà kể rằng nhiều đối tượng sau khi bị bà bắt, thấy bà khuyên nhủ nhẹ nhàng và chân thành đã chấp hành án tốt, nhiều thanh niên chưa vợ còn nhận bà là “mẹ”, “bà cô”.
Có người khi vào cửa tù còn ngoái lại nhắn nhủ với bà: “Lúc nào cháu ra trại sớm, lấy được vợ nhất định cô phải tới dự đám cưới của cháu!”.
Cho tới lúc này, dù đã 50 tuổi, bà Thanh vẫn tiếp tục làm công tác truy nã tội phạm. Bà nói: “Cũng may là ông xã tôi cũng làm lính hình sự, giống tôi nên ổng thông cảm. Giờ ổng về hưu rồi nên có thời gian lo cho gia đình để tôi rảnh rang đi bắt tội phạm. Hồi ổng còn công tác, ổng làm xa nhà, mỗi lần tôi đi truy nã phải gửi con cho đồng đội trông giúp”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận