TTCT - Dự thảo nghị định về phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học mà Bộ GD-ĐT đưa ra tuần trước dự kiến chia các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thành ba tầng, mỗi tầng năm hạng. Bộ sẽ “trông nom” cả việc này hay đây là một cú bấm nút khởi động một “thị trường thứ hạng” đại học trong tương lai gần? Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam sau hai thập niên tăng trưởng mạnh về số lượng đã đến lúc phải tái cấu trúc để tập trung cho chất lượng và nhất là hiệu quả.Việc tái cấu trúc này thường được gọi tên là “phân tầng” dựa trên ý tưởng của quy hoạch tổng thể hệ thống giáo dục đại học California, trong đó chỉ một số ít trường nằm trên đỉnh hình tháp của hệ thống là các trường đại học nghiên cứu, còn đại bộ phận sẽ là những trường đại học tập trung cho hoạt động giảng dạy, một số lớn sẽ là các trường đại học và cao đẳng cộng đồng, nơi đào tạo khoảng 3/4 số sinh viên trong cả hệ thống. Nhưng vì dự thảo nghị định về việc phân tầng, xếp hạng vừa công bố để lấy ý kiến (gọi tắt là dự thảo) đã dùng từ “phân tầng”, chúng tôi muốn lưu ý rằng mặc dù trong tiếng Việt từ này tạo ra ấn tượng về “đẳng cấp”, “trên dưới”, với nghĩa trường ở tầng trên thì chất lượng cao, còn ở tầng dưới thì chất lượng yếu kém hơn, nhưng thực chất sự phân biệt trên dưới đó không phản ánh đúng bản chất và mục đích của việc tái cấu trúc hệ thống. Cấu trúc hình tháp vốn là cơ sở cho từ “phân tầng” chỉ phản ánh số lượng trường, chứ không nhằm phản ánh sự khác biệt về chất lượng. Các trường cần phải khác nhau về sứ mạng, chứ không phải về chất lượng.Câu hỏi về việc tái cấu trúc hệ thống không phải là dựa trên những tiêu chuẩn nào để quyết định một trường sẽ thuộc tầng nào trong hệ thống, mà là cần phải thiết kế chính sách như thế nào để có được những loại trường phù hợp với những sứ mạng khác nhau nhằm tạo ra một hệ sinh thái đại học hài hòa và đáp ứng tốt nhất những nhu cầu của xã hội, phù hợp với ưu tiên chiến lược mà nhà nước xác định cho từng giai đoạn phát triển của đất nước.Đáng tiếc là dự thảo đã không phản ánh được ý nghĩa trên đây, mà trái lại, củng cố thêm cách hiểu phân tầng là phân biệt về chất lượng. Đáng tiếc hơn nữa là chỉ tập trung trả lời câu hỏi thứ nhất thay vì phải trả lời câu hỏi thứ hai.Hiểu đúng về từng khái niệm Liệu cái “thị trường thứ hạng” này sẽ đóng góp gì cho việc nâng cao chất lượng giáo dục hay chỉ kích thích bệnh thành tích, sự gian dối và xói mòn động lực cải thiện nghiêm túc, hướng tới chất lượng thật của các trường? Mặc dù tái cấu trúc hệ thống là một nhu cầu có thật nhằm tăng hiệu quả, cần hết sức thận trọng với cách tiếp cận hành chính hóa việc phân tầng và xếp hạng, vì nó sẽ dẫn đến nhiều hậu quả rối ren và nhất là kích thích văn hóa đối phó thay cho văn hóa chất lượng. Đáng lẽ phải bắt đầu từ việc thiết kế chính sách đối với từng loại trường, và dựa trên đặc điểm của từng trường về nguồn lực, con người, nhu cầu kinh tế - xã hội của địa phương để hướng các trường tới sự lựa chọn sứ mạng phù hợp, thì dự thảo nghị định đã biến việc phân tầng xếp hạng thành một quy trình hành chính với những tiêu chuẩn được áp đặt, và để trống hoàn toàn câu hỏi về chính sách đối với từng loại trường. Các trường cần phải được phân biệt với nhau, nhưng sự phân biệt này có thể phục vụ cho những mục đích khác nhau, mỗi mục đích sẽ có cách tiếp cận khác nhau. Chính vì vậy, để thực hiện tái cấu trúc hệ thống, cần phân biệt rõ việc đánh giá, xếp hạng và xếp loại.Đánh giá (evaluation and assessment) (có thể là tự đánh giá qua hệ thống bảo đảm chất lượng và đánh giá ngoài qua hệ thống kiểm định) là nhằm xem xét hoạt động của nhà trường trên cơ sở đối chiếu với những chuẩn mực về chất lượng, để phát hiện những chỗ cần cải thiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng.Do vậy, các tiêu chuẩn kiểm định dùng để đánh giá các trường thường bao hàm toàn diện nhiều nhân tố, phản ánh cả đầu vào, quá trình, lẫn kết quả hoạt động. Xếp hạng (ranking) là một sự đánh giá từ bên ngoài nhằm so sánh kết quả hoạt động của một trường trong tương quan đối chiếu với các trường khác, để cung cấp thông tin cho các bên liên quan. Kết quả xếp hạng bao giờ cũng là một danh sách có tính thứ bậc: vị trí thứ hạng cao nghĩa là đạt được thành tích, kết quả tốt hơn.Xếp hạng thường dựa trên một số tiêu chí và phương pháp do các tổ chức xếp hạng đưa ra, do đó kết quả thứ hạng của một trường có thể rất khác nhau trong các hệ thống xếp hạng khác nhau. Các tiêu chí và phương pháp ấy cũng là chủ đề thường xuyên bị tranh cãi.Gần đây, để cải thiện tính khách quan và toàn diện của việc xếp hạng, Hội đồng châu Âu đã đề xướng một hệ thống gọi là U-multi-rank, tức xếp hạng các trường dựa trên nhiều khía cạnh riêng biệt: uy tín về nghiên cứu, chất lượng dạy và học, định hướng quốc tế, thành tựu trong chuyển giao tri thức, và gắn kết với cộng đồng xã hội trong khu vực.Do mục đích của việc xếp hạng, các tiêu chí xếp hạng chủ yếu dựa trên kết quả hoạt động hơn là các nhân tố đầu vào và đặc biệt ít lưu ý đến nhân tố quá trình.Xếp loại (categorization) lại có một mục đích hoàn toàn khác. Xếp loại là nhằm chỉ ra những đặc trưng về bản chất của một trường khiến nó khác với những trường khác loại. Đó là một quá trình nhận biết và phân biệt các trường dựa trên tính chất, mục tiêu và cách thức vận hành của nó, chứ không phải dựa trên thành tích hoạt động.Vì vậy, nhân tố trọng yếu nhất trong việc phân loại không phải là đầu vào, đầu ra, mà chính là bản chất của quá trình, nằm trong sứ mạng của nhà trường, nếu ta hiểu sứ mạng không chỉ là những gì được tuyên bố mà còn thật sự chi phối hướng đi, chiến lược và hoạt động của nhà trường. Dự thảo đã không cho thấy sự phân biệt giữa đánh giá, xếp hạng và xếp loại. Không phải đánh giá hay xếp hạng, mà chính xếp loại mới là điều cần làm khi tái cấu trúc hệ thống. Bức tranh thực trạngĐiều cần nhấn mạnh trong bức tranh thực trạng hiện nay là tuyên ngôn sứ mạng của các trường không nhất quán với hành động và kết quả của họ trên thực tế.Rất nhiều trường tuyên bố sứ mạng của mình là trường đại học định hướng nghiên cứu, nhưng trong thực tế thì hầu như toàn bộ nguồn lực được dành cho hoạt động đào tạo, trong lúc ngân sách nghiên cứu rất hạn hẹp và kết quả của hoạt động nghiên cứu dựa trên các thước đo và chuẩn mực quốc tế là rất ít ỏi.Đặc điểm thứ hai là hệ thống hiện tại không có sự phân biệt rõ ràng về sứ mạng và tính chất của các trường. Các đại học quốc gia được kỳ vọng là nơi dẫn đầu về hoạt động nghiên cứu thì lại đang đào tạo quá nửa số sinh viên của mình trong các hệ phi chính quy vốn phải là chức năng nhiệm vụ của đại học mở thay vì đại học nghiên cứu.Việc theo đuổi đào tạo không chính quy với quy mô quá lớn hầu như chắc chắn sẽ làm suy giảm năng lực nghiên cứu của các đại học nghiên cứu, trong lúc các đại học mở thì đang chạy đua để có thành tích nghiên cứu khoa học nhằm tạo uy tín để thu hút sinh viên.Dù thuộc loại nào, theo mô hình gì, thuộc quyền quản lý của ai, tất cả các trường đều muốn đa ngành, đa lĩnh vực, đa phương thức, đa hệ thống, theo nghĩa đuổi theo thị trường sinh viên, mở ra bất cứ ngành nào, bất cứ hệ nào mà nhà trường tìm được sinh viên, kể cả cao đẳng, trung cấp, tại chức, từ xa... nhằm tạo ra thu nhập, mà thiếu hẳn sự điều phối hệ thống và gắn kết với thế giới việc làm. Điều này diễn ra do một quan niệm và một thực trạng phổ biến: nghiên cứu là hoạt động tiêu tiền, còn đào tạo là hoạt động mang lại thu nhập, đặc biệt là đào tạo không chính quy.Phần lớn các trường công lập đang được cung cấp một nguồn ngân sách hạn chế và bị kiểm soát chặt chẽ, nhất là ngân sách chi thường xuyên, do đó việc chạy theo các hoạt động đào tạo nhằm tìm kiếm nguồn thu nhập trang trải chi phí cho bộ máy nhân sự là điều khó tránh. Tác động chính sách Hai vấn đề được đặt ra trong dự thảo: “phân tầng” và “xếp hạng” là hai vấn đề rất khác nhau, nhưng dự thảo đã đưa ra một kiểu giải quyết: chủ yếu dựa trên các tiêu chí đầu vào (quy mô, tỉ lệ nguồn thu, cơ cấu nghiên cứu và đào tạo, kết quả kiểm định chất lượng).Vì không có một hệ thống chính sách đi kèm với việc phân tầng và xếp hạng, các trường sẽ không tìm thấy động lực để xác định sứ mạng của mình phù hợp với đặc điểm hiện tại và nhu cầu của xã hội, nhất là nhu cầu của địa phương. Phân tầng và xếp hạng trong bối cảnh đó sẽ biến thành trò chơi thành tích của các trường. Vì việc phân tầng được Bộ GD-ĐT ủy nhiệm cho một tổ chức thực hiện, mà không có bất cứ quy định nào về việc đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của tổ chức này, thêm vào đó, kết quả phân tầng và xếp hạng lại được Thủ tướng phê duyệt, người ta có thể hình dung được “thị trường thứ hạng” sẽ nhộn nhịp như thế nào. Có ba câu hỏi quan trọng đặt ra cho việc tái cấu trúc hệ thống: Những tiêu chí/đặc điểm nào phản ánh sứ mạng khác nhau của các loại trường khác nhau? Chính sách nào cho từng loại trường? Và quy trình nào nên được lựa chọn để đưa các trường hiện nay vào hệ thống đã định dạng ấy?Câu hỏi thứ hai là quan trọng nhất đã bị bỏ trống hoàn toàn trong dự thảo. Câu hỏi thứ nhất được trả lời bằng những tiêu chí dành cho kiểm định thay vì xếp loại. Câu hỏi thứ ba được trả lời bằng một quy trình hành chính không kèm theo những điều kiện bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tái cấu trúc hệ thống là tổ chức sắp xếp lại các cơ sở giáo dục đại học thành một hệ sinh thái đại học đa dạng, trong đó mỗi loại trường có một sứ mạng khác nhau để có thể bổ sung cho nhau, và mỗi loại trường đều có một khuôn khổ chính sách phù hợp để kích thích nó lớn mạnh.Việc tái cấu trúc hệ thống chỉ có ý nghĩa khi các trường khác loại, tức là có sứ mạng khác nhau, thật sự có một kế hoạch hoạt động nhất quán với sứ mạng của mình. Tags: Đại họcXếp hạng đại họcPhân tầng và xếp hạngKiểm định đại họcThị trường thứ hạng đại họcSứ mạng đại học
Bầu cử Mỹ: Cử tri Mỹ bắt đầu đến phòng phiếu DUY LINH 05/11/2024 Chiều tối nay 5-11 (giờ Việt Nam), những điểm bỏ phiếu đầu tiên tại các bang miền đông Mỹ bắt đầu mở cửa. Đây sẽ là thời khắc cử tri đưa ra quyết định cuối cùng cho sự kiện 4 năm một lần.
Quốc lộ 51 bỗng nhiên 'vô chủ': Đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT quốc lộ 51.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Cứu học sinh đang chới với giữa nước lũ, người đàn ông bị lũ cuốn mất tích QUỐC NAM 05/11/2024 Người đàn ông tại Quảng Bình bị lũ cuốn mất tích khi lao xuống nước lũ cứu một học sinh đang chới với.