16/11/2018 16:48 GMT+7

Phan Sào Nam thừa nhận 'rửa tiền' bằng hóa đơn khống

THÂN HOÀNG - DIỆP THANH
THÂN HOÀNG - DIỆP THANH

TTO - Trong phiên xét hỏi chiều 16-11, lần đầu tiên tòa đã cho bị cáo Phan Sào Nam đối chất với nhóm bị cáo thuộc Công ty ODS. Nam thừa nhận những lời khai của các bị cáo về việc "rửa tiền bẩn" bằng cách mua bán hóa đơn trái phép.

Phan Sào Nam thừa nhận rửa tiền bằng hóa đơn khống - Ảnh 1.

Phan Sào Nam (đứng tại bục khai báo) đối chất lời khai của Huỳnh Trọng Văn chiều 16-11 - Ảnh: NAM TRẦN

Chiều ngày 16-11, phiên tòa xét xử vụ án hai cựu tướng công an bảo kê đường dây đánh bạc tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo là lãnh đạo, nhân viên của Công ty cổ phần dịch vụ dữ liệu trực tuyến (Công ty ODS). 

Thừa nhận mua bán hóa đơn trái phép

Trả lời trước tòa, bị cáo Huỳnh Trọng Văn - giám đốc Công ty ODS - tỏ ra thành khẩn, thừa nhận những hành vi mua bán hóa đơn trái phép. 

Bị cáo Phan Sào Nam đối chất tại tòa chiều 16-11 - Video: DANH TRỌNG

Theo cáo trạng, để có tiền nạp vào tài khoản "Syline", tiền chi cho các khoản không được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và sử dụng cá nhân, Phan Sào Nam đã liên hệ với Huỳnh Trọng Văn để nhờ xử lý giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bằng cách mua hóa đơn đầu vào với chi phí 10% trên tổng giá trị ghi trên hóa đơn. 

Phan Sào Nam thừa nhận rửa tiền bằng hóa đơn khống - Ảnh 3.

Bị cáo Huỳnh Trọng Văn khai báo - Ảnh: NAM TRẦN

Sau khi được Văn đồng ý, Phan Sào Nam chỉ đạo Đỗ Bích Thủy - giám đốc Công ty Nam Việt - ký hợp đồng với Công ty ODS để thuê máy chủ và đường truyền. Nam cũng chỉ đạo Phan Anh Tuấn - giám đốc công nghệ Công ty VTC Online - ký hợp đồng với Công ty ODS cũng với nội dung thuê máy chủ và đường truyền. 

Sau khi Công ty ODS xuất hóa đơn giá trị gia tăng và có giấy đề nghị thanh toán, Nam chỉ đạo Đỗ Bích Thủy và Phan Anh Tuấn cho kế toán chuyển tiền vào tài khoản của Công ty ODS. Có tiền, Văn chỉ đạo kế toán rút tiền từ tài khoản Công ty ODS nộp vào tài khoản cá nhân của Vũ Hà Phương ( kiểm soát kế toán của Công ty Nam Việt) để chi theo chỉ đạo của Phan Sào Nam. 

Tại tòa, Văn khai theo thỏa thuận ban đầu với Phan Sào Nam bị cáo đã nâng giá trị hợp đồng, nâng số lượng máy chủ. Đối với Công ty Nam Việt, Văn đã nâng lên 85 máy chủ và với VTC Online là 8 máy chủ. 

"Theo như trong hợp đồng, bị cáo nâng của Nam Việt lên thành 235 máy chủ, còn đối với VTC Onlina nâng lên thành 32 máy chủ. Giá trị hợp đồng nâng khống lên gấp 10 lần giá trị hợp đồng", bị cáo Văn khai về hành vi sai phạm của mình. 

Tuy nhiên về số tiền được hưởng lợi thì bị cáo Văn giải thích mình "không được trích lại phần trăm cá nhân trong việc nâng khống này mà chỉ là công ty được nhận lại tiền đã thực hiện hợp đồng, đây là tiền giá trị thực".

Theo bị cáo Văn, toàn bộ tiền nâng khống chuyển lại cho các công ty qua tài khoản của Vũ Hà Phương. 

 "Bị cáo xác định công ty được hưởng 7,8 tỉ. Nhiều lần làm việc với cơ quan điều tra đề nghị xem xét số tiền được hưởng vì công ty đã bỏ ra cho Công ty Nam Việt và VTC Online thuê máy chủ là 7,6 tỉ đồng. Số tiền thực chất Công ty ODS còn được lợi nhuận trong hợp đồng là 116 triệu và đến nay đã nộp khắc phục số tiền này. Đây là số tiền giao dịch bất hợp pháp. Xin HĐXX xem xét lại việc thực hiện hợp đồng đó", bị cáo Văn nói về số tiền mà cơ quan tố tụng quy kết công ty ODS hưởng lợi bất chính. 

Đại diện Viện kiểm sát (VKS) đưa ra nhiều tài liệu chứng minh việc Công ty ODS hưởng lợi bất chính. Cụ thể, Huỳnh Trọng Văn đã bán cho Công ty Nam Việt 22 hóa đơn GTGT khống với tổng doanh số là 80 tỉ đồng, bán 14 hóa đơn GTGT khống cho Công ty VTC Online với doanh số là 5 tỉ đồng. Văn cho người rút ra và chuyển lại vào tài khoản Vũ Hà Phương 78 tỉ đồng, còn lại Công ty ODS hưởng lợi 7,8 tỉ đồng. 

Bị cáo Văn tiếp tục giải thích về số tiền trên, đại diện VKS cho biết sẽ tiếp tục tranh luận trong phần tranh tụng. 

Phan Sào Nam thừa nhận "rửa tiền"

HĐXX đã cho bị cáo Phan Sào Nam lên đối chất về những lời khai của Văn. Lần đầu tiên đứng trước bục khai báo trong phần xét hỏi, Nam tỏ ra khá bình tĩnh, đứng chắp tay chéo trước bụng. 

Nam trả lời với giọng đều đều, xác nhận những thông tin mà Văn khai về việc thỏa thuận, thực hiện mua bán hóa đơn trái phép để "rửa tiền bẩn" từ đường dây đánh bạc là đúng. Một số thông tin khác, Nam nói "không nhớ". 

"Có nội dung gì về việc mà bị cáo cần bổ sung với lời khai bị cáo Văn trong việc đã bán hóa đơn cho 2 công ty, bị cáo có đứng ra trao đổi với bị cáo Văn trong việc xử lý..", tòa hỏi. "Thưa HĐXX, Công ty ODS có bàn giao máy chủ, đường truyền cho hai công ty kia bị cáo không nhớ rõ chi tiết đó, nên không có ý kiến. Bị cáo không nhớ là có bàn giao hay không", bị cáo Nam trả lời. 

Liên quan đến hành vi mua bán hóa đơn, HĐXX cũng thẩm vấn bị cáo Vũ Hà Phương - kiểm soát kế toán của Công ty Nam Việt. 

Theo hồ sơ vụ án, Phan Sào Nam giao cho Phan Anh Tuấn tìm mối để xử lý chi phí cho Công ty VTC Online. Theo đó, có một khoản tiền đối tác nhận xử lý chuyển về tài khoản Vũ Hà Phương nhưng Phương hoàn toàn không biết nội dung. Tổng cộng số tiền xử lý được chuyển về tài khoản của Vũ Hà Phương là 87 tỉ đồng. 

Sau khi nhận số tiền trên, theo sự chỉ đạo của Phan Sào Nam và Phan Anh Tuấn, bị cáo Phương đã chuyển tiền vào các tài khoản của cá nhân, trong đó có 6 tỉ đồng chuyển vào tài khoản Phan Thu Hương là dì ruột của Phan Sào Nam. 

Phương cũng chuyển tiền vào 4 công ty là Công ty cổ phần BITPRO, công ty FINTECH, Công ty Ấn tượng Hạ Long, Vịnh Xanh Hạ Long để góp vốn trong tổng số 92 tỉ do Đỗ Bích Thủy, Hoàng Thành Trung, Phan Anh Tuấn và Lê Văn Kiên đứng tên góp vốn. 

Số tiền góp vốn Công ty Nam Việt và Công tyBITPRO sau đó được sử dụng mua 3 xe ô tô (1 xe KIA Rondo; 1 xe KIA Sedona BKS:1 xe Rangrover BKS) cho Nam và Trung sử dụng. 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm soát kế toán của Công ty Nam Việt, Vũ Hà Phương biết rõ việc mua bán hóa đơn khống giữa Công ty VTC Online, Công ty Nam Việt với Công ty ODS được thể hiện qua tin nhắn Viber giữa Nam và Phương nhưng vẫn giúp Nam thực hiện. 

Phương bị cơ quan điều tra khởi tố bị can về hành vi mua bán trái phép hóa đơn với vai trò đồng phạm giúp sức cho Huỳnh Trọng Văn. 

Nữ bị cáo bật khóc khai việc “nhắm mắt” giúp sức cho Phan Sào Nam

Trả lời xét hỏi, khi nhắc đến Phan Sào Nam, bị cáo Đỗ Bích Thủy - chủ tịch HĐTV kiêm giám đốc Công ty TNHH phát triển nhà và đất Nam Việt - không giữ được bình tĩnh đã bật khóc trước bục khai báo. Nữ chủ tọa đã động viên Thủy giữ bình tĩnh để trả lời các câu hỏi của HĐXX.

46457909_582172218894996_8008980436321566720_n

Bị cáo Đỗ Bích Thủy - Ảnh: NAM TRẦN

Theo lời Đỗ Bích Thủy, Phan Sào Nam là con của dì ruột. Nam đã gặp hỏi mượn pháp nhân Công ty Nam Việt để xây dựng phần mềm trò chơi trực tuyến. Thủy đồng ý cho Nam và Hoàng Thành Trung (đang trốn nã) mượn danh công ty để tiến hành các công việc cần thiết.

Lý giải về hành động này của mình, bị cáo Thủy khai: “Bị cáo đồng ý cho Nam mượn pháp nhân vì tin tưởng Nam là em của mình. Bị cáo không coi hợp đồng mà chỉ thấy nói đó là hợp đồng phát triển phần mềm cho VTC Online”.

Nhận thấy bị cáo Thủy vẫn còn xúc động, chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo có cần ghế ngồi không. Thay vì trả lời câu hỏi trên, bị cáo Thủy nói sẽ cố gắng đồng thời cho biết bản thân mới đi cấp cứu hôm thứ 6. Dù vậy, nữ chủ tọa vẫn đề nghị BTC bố trí ghế cho Thủy ngồi.

“Từ khi bắt đầu làm việc với cơ quan điều tra bị cáo nhận thấy việc làm của mình giúp sức cho Nam là sai lầm, trong lương tâm bị cáo nói không thể chấp nhận được. Sau khi làm việc với cơ quan an ninh điều tra và 5 ngày trước tòa, bị cáo nhận thấy hành vi đã giúp sức cho Nam trong việc tổ chức đánh bạc”, Thủy phân trần

Hơn 5.000 tỉ đánh bạc được

TTO - Lần đầu tiên TAND Phú Thọ đã cho điều tra viên đối chất bị cáo Lê Lan Thanh vì bị cáo khẳng định không biết game bài Rikvip là cờ bạc, không tiếp tay đường dây đánh bạc.

THÂN HOÀNG - DIỆP THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên