Các lọ vắc xin trong phòng nghiên cứu của Công ty Pfizer tại Michigan, Mỹ - Ảnh: REUTERS
Chính phủ Anh đã đặt hàng 40 triệu liều sau khi phê chuẩn sử dụng vắc xin của hãng Pfizer/BioNTech hôm 2-12. Dự kiến 800.000 liều đầu tiên, đủ tiêm chủng cho 400.000 người, sẽ đến Anh trong những ngày tới.
Vắc xin của Moderna và Oxford/AstraZeneca nhiều khả năng cũng được chấp thuận để sử dụng khẩn cấp trong thời gian tới. Các vắc xin này hứa hẹn sẽ giúp hàng tỉ người trên toàn cầu quay trở về với cuộc sống bình thường sau những ngày chật vật vì đại dịch COVID-19.
Sau những nỗ lực to lớn để phát triển và thử nghiệm vắc xin, hiện nay thế giới đang đối mặt với một nhiệm vụ to lớn khác: hậu cần phân phối vắc xin cho hàng tỉ người, theo CNA ngày 5-12.
Theo các chuyên gia, một số vấn đề chính cần xem xét trong hậu cần phân phối vắc xin là yêu cầu vận chuyển quốc tế, bảo quản, quá trình phân phối tại điểm sản xuất và tại địa phương. Tất cả những vấn đề này sẽ khác nhau tùy vào từng loại vắc xin.
Ví dụ, vắc xin của Moderna cần vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ -20 độ C với hạn sử dụng là 6 tháng. Tại điểm phân phối cuối cùng, thường là các trung tâm tiêm chủng hoặc bệnh viện, vắc xin có thể bảo quản trong các tủ lạnh thông thường nhưng phải sử dụng trong vòng 30 ngày.
Trong khi đó, vắc xin của Pfizer/BioNTech cần bảo quản ở -70 độ C, và có thời hạn sử dụng 5 ngày nếu để ở tủ lạnh thông thường.
Nếu không có cơ sở hạ tầng phù hợp, chúng ta có thể sẽ lãng phí nhiều vắc xin. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 50% vắc xin đã bị lãng phí trên toàn cầu vì không có cơ sở hạ tầng hậu cần để bảo quản hợp lý.
Nếu điều này xảy ra với vắc xin COVID-19, chúng ta có thể mất hàng tỉ liều, và đó là một lỗi lầm đắt giá không nên phạm phải trong khâu lên kế hoạch để vận chuyển, bảo quản và phân phối, theo kênh CNA.
Ngoài ra, việc chần chừ hay do dự dẫn đến thay đổi ý định tiêm phòng vắc xin COVID-19 cũng có thể gây lãng phí không cần thiết. Do hầu hết các loại vắc xin COVID-19 được phát triển đến nay đều cần tiêm 2 liều, nên những người đã tiêm 1 liều và thay đổi ý định, không quay lại tiêm mũi thứ 2 sẽ khiến vắc xin không hiệu quả và nhiều liều bị lãng phí.
Một vấn đề khác cần tính đến là sức chứa của các chuyến bay vận chuyển quốc tế, phụ thuộc lớn vào các yêu cầu chính xác về bảo quản, đóng gói và vận chuyển. Ví dụ, việc sử dụng đá khô để đạt nhiệt độ ổn định -80 độ C sẽ hạn chế sức chứa của máy bay.
Các yêu cầu nghiêm ngặt trong khâu bảo quản vắc xin cũng ảnh hưởng đến mạng lưới phân phối cấp địa phương. Một số quốc gia sẽ chỉ có thể trữ và bảo quản vắc xin ở các trung tâm tiêm ngừa lớn để đảm bảo đủ cơ sở hạ tầng nhằm tránh hư hỏng vắc xin.
Việc bảo quản vắc xin ở các trung tâm tiêm ngừa lớn cũng gây khó khăn cho những khu vực thưa dân, khu vực miền núi của một số nước hoặc gây khó cho quốc gia có nhiều đảo.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lo ngại sẽ không có nhiều người chịu di chuyển xa để tiêm ngừa, đặc biệt là những người lớn tuổi, hoặc những người sống tại những khu vực bị chiến tranh xâu xé.
Kênh CNA nhận định sẽ cần nhiều sự hợp tác trên toàn cầu và dựa vào các kinh nghiệm về phân phối vắc xin trước đây để đảm bảo rằng vắc xin COVID-19 sẽ đến tay những người dễ bị tổn thương nhất và không chỉ dành cho những quốc gia giàu có.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận