Cay đắng
Nghe bác sĩ Hùng trả lời mà cay đắng! Bác sĩ bảo người bệnh yêu cầu cho thuốc bao nhiêu ngày là bác sĩ cấp bấy nhiêu ngày. Người bệnh đến bệnh viện, nhất là các bệnh viện lớn thì trông cậy hoàn toàn vào bác sĩ. Việc khám và cho toa thuốc như thế nào là quyền quyết định của bác sĩ. Người bệnh nào dám cãi hay làm khác được.
Người lao động nghèo, cầm toa thuốc trị giá cả một tháng lương ròng thì “đắng lòng” lắm bác sĩ ơi!
Sự việc xảy ra hằng ngày mà sao bệnh viện chẳng ai quan tâm, đến khi người bệnh và báo chí đặt vấn đề thì mới họp, mới “bình toa”, vậy biết bao giờ mới có hướng xử lý cho dân nhờ?
Tội dân nghèo
Tại sao nhiều bác sĩ chỉ thích công tác tại các khoa khám bệnh và lâm sàng, họ không chịu học và làm việc ở các khoa cận lâm sàng. Có phải được khám bệnh, mỗi tháng họ sẽ nhận được bao nhiêu hoa hồng từ các công ty dược phẩm? Một đơn thuốc có 5-6 loại thuốc, trong đó có ít nhất 1-2 loại hỗ trợ (không có cũng không sao, nhưng đa số người bệnh đều mua vì đây là thuốc do bác sĩ chỉ định).
Đến khi người bệnh không đủ tiền trả thì nhà thuốc thường cắt bỏ những khoản thuốc hỗ trợ này.
Chỉ tội cho bệnh nhân nghèo, vùng sâu vùng xa. Tát một ao cá nuôi trong năm tháng vẫn không đủ mua một đơn thuốc trị bệnh.
Mất niềm tin
Nhiều người nói rằng đi khám và chữa bệnh bây giờ cứ như chơi trò hên xui may rủi vậy. May mắn gặp được bác sĩ có tâm có tầm thì bệnh sẽ khỏi, tiền không tốn nhiều. Còn chẳng may gặp phải những bác sĩ kiểu như bài báo nêu trên thì ôi thôi, vừa tốn tiền và không khéo bệnh lại nặng hơn.
Đi khám dịch vụ mất tiền lại bị cho đủ loại thuốc linh tinh, nếu không chấn chỉnh thì thật tình là mất niềm tin với hai chữ lương y.
Có hoa hồng không?
Cần làm rõ mối quan hệ có hay không chuyện bắt tay giữa công ty dược, bệnh viện và bác sĩ kê toa liên quan đến đấu thầu, kê toa hưởng hoa hồng.
Đã có thông tin có những khoản hoa hồng 30-40%, có khi lên đến 50% giá bán thuốc, ví dụ một viên thuốc A giá bán 15.000 đồng/viên, tiền kê toa công ty dược phải chi hoa hồng 6.000-7.500 đồng/viên.
Số tiền này lấy từ người bệnh chứ ở đâu!
Cần chấn chỉnh
Đề nghị giám đốc Bệnh viện Bình Dân kiểm tra, sát hạch lại những bác sĩ nào tay nghề kém, có kiểu kê toa thế này thì cho chuyển công tác. Bệnh viện này là bệnh viện lớn của TP.HCM, cần phải có những bác sĩ giỏi thật sự và có tâm.
Người dân chúng tôi lặn lội từ phương xa đến đây khám chữa bệnh cũng chỉ vì một lý do là nghĩ bác sĩ ở đây rất giỏi.
Nếu cứ để tình trạng “tiền mất, tật mang” thì khổ cho dân chúng tôi lắm.
Phải xử lý nghiêm
Sở Y tế TP.HCM cần kiểm tra và xử lý nghiêm trường hợp kê toa thuốc “khủng” này. Bác sĩ mà nói như tiếp thị thuốc. Bác sĩ phải biết với tình trạng bệnh như vậy thì bệnh nhân phải uống thuốc gì và trong bao lâu, chứ sao lại nói bệnh nhân muốn mua mấy ngày thì cho theo yêu cầu của bệnh nhân.
Thật là không “như từ mẫu” chút nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận