Phóng to |
Chị Trần Thị Thanh Lan trong căn nhà trọ chưa tới 6m2 ở gần chợ Carbon - Ảnh: Thanh Tuấn |
Chị Nguyễn Kim Phụng đã sang Philippines 10 năm qua, cùng với các con đang ở trong căn lều rách nát - Ảnh: Quốc Việt |
Rời quê nhà Tuy Hòa, Phú Yên, ngư dân một thời Huỳnh Sang tìm đến Philippines mong tìm cơ hội đổi đời.
Giấc mơ đổi đời... xa quá!
Theo đại sứ quán VN, phần lớn người Việt mới sang này đều bằng visa du lịch rồi ở lại với hi vọng cuộc sống sẽ đổi đời, nhưng đa số đang phải kiếm sống bấp bênh, vất vả. Philippines có 100 triệu dân, thu nhập đầu người khoảng 2.700 USD/năm. Mặt bằng chung dân Philippines đều khó khăn khi sự phân chia giàu nghèo xã hội vô cùng lớn. |
Để qua được đất nước bên kia bờ biển VN, anh phải chạy vạy vay mượn mấy lượng vàng để mua vé xuất cảnh theo đường du lịch. Đến Manila, anh theo chỉ dẫn của bạn bè xuống thành phố biển du lịch Tacloban ở miền trung cách xa gần 1.000km để mưu sinh bằng nghề bán dạo giày dép, quần áo.
Cách bán dạo ở xứ người này khác hẳn với kiểu hàng rong ở VN. Người bán dạo chỉ có thể bán được khi cho người mua trả góp dù món hàng là bộ quần áo hay đôi giày rẻ tiền.
Hầu hết bạn bè đồng hương của anh Sang đều kiếm cơm bằng “nghề” này. Sau trận bão khủng khiếp, anh Sang và hơn 40 bạn bè đồng hương ở Tacloban may mắn thoát nạn, nhưng tất cả đều trắng tay! Khách nợ số thì chết, số thì chẳng còn gì để trả...
Khác với anh Sang, chị Nguyễn Kim Phụng đã sang Philippines 10 năm theo đường lấy chồng. Người phụ nữ gầy gò và khắc khổ này từng là một thợ may ở quận 9, TP.HCM. Chúng tôi gặp chị Phụng lúc trời đã gần về tối nhưng chị vẫn chưa ăn gì. “Gặp hồi túng quẫn quá, tôi cũng chẳng muốn ăn gì nữa. Chúng tôi giờ nổi lửa nồi cơm bữa này, lại mướt mồ hôi lo bữa sau” - chị Phụng nói.
Đã hơn một tháng, người mẹ và ba đứa con nhỏ không còn nhà để ở bởi cơn động đất 5,1 độ Richter ở Cebu, Bohol hôm 15-10 làm hỏng mái nhà tranh là quán nhỏ nơi chị kiếm sống ở thành phố Madaue giáp Cebu. Không nhà, chị được một người Philippines tốt bụng cho mượn một cái chòi nhỏ nằm sâu trong một con hẻm để che mưa nắng. Cái chòi gồm vài tấm tôn mục che mưa che nắng và nằm sát bên đầm cỏ hoang bốc mùi hôi thối và muỗi mòng. “Ngôi nhà” cũng không có nhà vệ sinh, nước sạch. Hai vợ chồng cùng ba con nhỏ chen chúc trên chiếc giường đơn như sắp gãy sập đến nơi.
Phóng viên Quốc Việt (phải) hỏi chuyện một cảnh sát ở Ormoc - Ảnh: Thanh Tuấn |
Cùng cực chờ ngày về
Cô con gái lớn Kim J Linh 8 tuổi của chị Phụng núp sau chiếc tivi cũ rụt rè nhìn chúng tôi. Bé có gương mặt thon thả, đôi mắt to đẹp nhưng đượm buồn. Con trai 3 tuổi rưỡi của chị thì nằm li bì, mê man vì sốt.
“Con lớn tôi phải nghỉ học từ sau động đất. Giờ nhà cửa thế này không có ai đưa nó đi học được. Chồng tôi mới kiếm lại việc làm ở công trình, nhưng chưa được lãnh lương ngày nào” - chị Phụng u uẩn tâm sự.
Quanh nhà chị Phụng cũng có tám người Việt mới qua Philippines được một, hai năm và đều mưu sinh bằng nghề buôn bán hàng rong. Nhưng cuộc sống quá cơ cực khiến sáu người trong số họ phải về nước. Nhưng dù sao họ vẫn may mắn vì còn xoay xở đủ tiền về, còn chị Phụng muốn về cũng không được vì không biết kiếm đâu ra tiền để mua vé máy bay.
Người Việt ở Philippines không nhiều, nhưng gặp được họ thật khó vì hầu hết đều mưu sinh ngoài đường. Ở bến xe Nam Cebu, chúng tôi gặp Nguyễn Văn Hiệp đang bán dạo giày dép, quần áo trả góp. Có lẽ do dầm mưa nắng thường xuyên bên ngoài mà da anh đen nhẻm và đôi giày vải đã mòn bẩn.
Hiệp tâm sự mình cùng vợ vay tiền người nhà và hàng xóm sang Cebu theo đường du lịch với hi vọng cuộc sống sẽ khấm khá hơn vì làm ngư dân khá bấp bênh, cứ “sáu tháng mần, sáu tháng chơi”. Hiệp kể có ngày bán được 1.000 peso, có ngày rất ít hoặc chẳng được đồng nào và sợ nhất là bọn cướp “bắn trước, cướp sau” ở đất nước tự do mua bán vũ khí này.
“Sống bên đây vất vả lắm. Tôi cũng muốn về nhưng phải cố có một chút vốn. Chẳng lẽ ra đi nợ nần, về lại trắng tay?” - người đàn ông quê Phù Cát, Bình Định buồn bã nói. Theo lời Hiệp, phần lớn người Việt ở đây từ Bình Định, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa và đều nghèo khó.
Chia tay Hiệp, chúng tôi đến nhà chị Trần Thị Thanh Lan ở gần đó. Chị Lan cùng chồng vay 4 chỉ vàng với 90.000 peso (hơn 2.000 USD) sang đây cách đây hai năm và hiện đang ở một phòng trọ chưa đến 6m² gần chợ Carbon.
Họ chân tình mời dùng chung cơm rau, nhưng chúng tôi đành từ chối. Tận đáy lòng, chúng tôi hiểu rằng nếu đỡ chén thì có người sẽ phải sẻ bớt phần ăn của mình! Tạm biệt chúng tôi, họ hẹn ngày gặp lại ở quê nhà với đôi mắt khắc khoải đợi chờ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận