18/01/2013 12:20 GMT+7

Phận người trên bãi rác Rù Rì

HÀNG CHỨC NGUYÊN
HÀNG CHỨC NGUYÊN

TT - Chiều xuống, trên bãi rác mênh mông lầy lội bên triền núi, chiếc xe ép rác lùi dần. Hàng trăm con người đứng thành vòng cung phía sau xe cũng lùi theo. Những đôi mắt đăm đăm dán vào thùng xe.

JGUHLyp2.jpgPhóng to
Rác và người ở Rù Rì - Ảnh: P.S.NGÂN

Thùng xe bật nắp, một dòng rác ùa ra, lầy nhầy chảy xuống cùng với mùi hôi thối nồng nặc thốc tháo xông lên. Tức khắc, những con người ùa vào và những cánh tay vội vàng đưa những chiếc cào vào dòng rác để móc, kéo, cào, lượm...Rác và rác, ngập ngụa, nhầy nhụa dưới chân, bên trái, bên phải, trước mặt, sau lưng...

Một đời trên bãi rác

Tại bãi rác đèo Rù Rì (nằm trong nghĩa trang phía bắc TP Nha Trang, Khánh Hòa), chúng tôi gặp những con người không phải chỉ sống với rác một giờ, một ngày mà họ đã trải qua nhiều năm tháng, thậm chí một đời sống với rác...

Một đời sống với rác, một đời gắn với cái cào có hai chấu, với một chiếc bao trên vai, một ngọn đèn soi trên trán và một đôi ủng dưới chân. Ngày ngày, dù nắng mưa, gió rét, cứ 17g họ túa ra bãi rác và đợi những chiếc xe ép rác về. Tất cả cứ lăn lộn với rác đến 1g-2g sáng để bươi móc lượm những chiếc bao nilông, những mảnh nhựa vỡ, chút dây kẽm, dây điện, những bịch đồ ăn thừa và hàng trăm thứ linh tinh không tên khác. Anh Nguyễn Vũ Phi Hùng - công nhân Công ty Môi trường đô thị Khánh Hòa, theo xe ép rác - cho biết mỗi đêm có

50-60 xe chuyển 300-400 tấn rác về bãi. Anh nói: “Rác cùng rác tận ấy mà...”. Anh giải thích thêm đó là rác của rác, bởi đã qua bao nhiêu người nhặt lượm rồi mới đến đây. “Chẳng còn gì...” - anh nói. Chẳng còn gì, vậy mà thứ rác cùng rác tận ấy đã nuôi sống bao nhiêu con người, qua nhiều thế hệ từ ông bà, cha mẹ đến con cháu, chắt chít. Hiện có ít nhất 200 hộ sống nhờ bãi rác này.

Ở một góc trên bãi rác gần chỗ xe rác về, lấp ló trong một cái chòi lụp xụp che chắn bằng đủ thứ là một người đàn ông trạc 50 tuổi ngồi trên một chiếc xalông rách gãy chân đang trệu trạo nhai một miếng bánh mì. Đó là ông Nguyễn Hùng. Nghe hỏi lượm rác từ bao giờ, ông cười nói: “Ô, hồi còn rác Mỹ, rác Đại Hàn lận, tui lượm đồ hộp ăn lúc còn đi lẫm chẫm mà...”. Tiếng mấy chị trẻ tuổi ngồi bên chòi cười ồ lên, chỉ vào cái chòi nói vui: “Chú lượm thâm niên thành đại gia, xây cái biệt thự đó...”. Trong những phụ nữ hồn nhiên cười nói ấy, tôi thấy một chị trạc gần 30, tay mang chiếc bao tay còn đầy dấu vết của rác đang bưng tô cơm xúc ăn ngon lành. Ăn với gì vậy? “Có bột Knorr rắc vào đây rồi” - chị nói. Đó là chị Cao Kim Mỹ. Bỗng nhiều tiếng kêu lên: “Xe rác đến!...”.

Tất cả lao về phía xe rác, chỉ một người còn ngồi lại đơn độc. Đó là má Ba Dễ (Ngô Thị Dễ), 75 tuổi. “Mệt rồi, nghe lạnh rồi, nghỉ chút” - má nói. “Lượm từ Mậu Thân (1968) tới giờ chớ có ít đâu” - má kể. Có chồng trên bãi rác, sinh bảy người con trên các bãi rác. Gần nửa thế kỷ, bãi rác dời đi đâu, đời má, đời những đứa con, đứa cháu cứ trôi theo đó... Người má gầy ốm, lưng còng vậy mà đêm đêm chân má vẫn mang đôi ủng nặng, tay má vẫn cầm chiếc cào có hai chấu sắt, vai má vẫn mang chiếc bao và trán má vẫn đeo chiếc đèn soi.

RHxRegWy.jpgPhóng to
Dù tuổi cao sức yếu, bà Trần Thị Bông vẫn cùng con cái đi lượm phế liệu ở bãi rác Rù Rì để có tiền tiêu tết - Ảnh: TIẾN THÀNH

Bãi rác đèo Rù Rì hiện nuôi sống trên 500 con người, nhưng cũng để lại quá nhiều nỗi đau: như chồng bà Chín Lùn bị xe rác lật đè chết; như anh Nguyễn Hòa bị sụp hố té gãy chân, giờ phải mang tật. Anh Nguyễn Nhựt cũng bị té, xe rác đè nát một cánh tay. Còn một tay, ngày ngày anh vẫn cầm cái cào bươn vào bãi rác. Thằng Lem bị rác trụt, đè, không biết vì sao bị teo cái tai, điếc. Bà Hường bị sụp hố rác, cây ngã đè lên gãy một chân...

Lượm ở, lượm ăn, lượm mặc...

Bãi rác nằm phía trong khu nghĩa địa mênh mông, bao quanh là dãy núi Rù Rì. Buổi trưa, chúng tôi đến nơi ở của bà con. Dọc con đường lầy lội, phía bên trái, chập chùng trên bờ núi, chen trong cây cối là những khu trại thấp, nhỏ, chằm đắp, rách nát. Vào đó, chúng tôi ngỡ ngàng tự hỏi: Nhà đây sao? Chỗ ở đây sao? Thấy một phụ nữ lớn tuổi ngồi bên ngoài trại, chúng tôi bắt chuyện. Đó là bà Thai, 64 tuổi, quê ở Phú Yên. “Cái tết này nữa là 23 năm rồi đây” - bà nói. Bà có bốn người con, hai đứa đã có gia đình ra riêng, “cũng trên bãi rác này”. Bốn người con của bà lớn lên trên bãi rác, khác với cỏ cây là “đứa nào tui cũng dạy cho biết đọc biết viết, nhưng giờ có đứa quên rồi”. Kế bên trại của bà là trại của một đứa con ra riêng, Cao Ngọc Pháp, đã có một đứa con. Chúng tôi bước vào trại của Pháp: thấp lè tè, tối tăm, ẩm thấp. Trong góc là một cái bếp củi lạnh tanh. Trên cái nền đất nhớp nháp trải một tấm simili ẩm ướt. Đó là “cơ ngơi” của một đôi vợ chồng còn trẻ. Nhìn kỹ, chúng tôi mới thấy những thứ gì có thể che chắn đều được lượm về đắp lên một cái khung cây chặt ngoài rừng là thành “nhà”. Gần cả trăm cái “nhà” toàn bằng đồ lượm như vậy của những con người từ Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk..., từ những huyện của Khánh Hòa đã trôi dạt về đây.

Ghé vào một trại trống hoác có năm bảy người đang ngồi quanh mâm rượu, chúng tôi thấy ở giữa chiếc mâm nhôm méo mó chỉ có vỏn vẹn một đĩa thịt và hai nửa ổ bánh mì dẹp lép. Một người giải thích: “Mỗi người góp 2.000 đồng mua tí rượu...”. Còn thịt? “Lượm...” - một người nói. Mấy anh tài xế xe ép rác rất tử tế: thịt hư hư mấy nhà hàng bỏ, các anh để riêng đem cho bà con. Còn bánh mì? Một anh cười nói: “Anh không thấy nó dẹp lép đó sao? Lượm đó”. Một anh khác nói thêm: “Ăn được, có sao đâu, người ta bỏ trong bao mà”.

Ngồi bệt trên một tảng đá là Bé Biếm (28 tuổi) đang bưng tô cơm ăn. Trong tô có một ít bắp cải và những con cá nhỏ bằng ngón tay. Chợ có gần đây không mà mua được cá? Bé Biếm cười, chỉ bịch cá khô treo toòng teng trong trại: “Lượm đó chớ mua gì. Cá khô vụn người ta bỏ trong bịch, còn ngon mà, đâu có mốc gì đâu”.

Ngồi trong góc bên mâm rượu là Cao Thị Hoa có khuôn mặt sáng trưng, mang đôi vớ chiếc trắng chiếc đen. Sao vậy? “Lượm sao mang vậy mà... - Hoa cười nói - Ở đây cái gì cũng lượm. Áo quần nè, xinh không? Tóc tụi em cũng thơm vậy. Dầu gội người ta bỏ, còn thừa trong chai, lượm về. Tết sắp đến rồi, lượm nhiều lắm, người ta bỏ nhiều...”. Một người nói thêm: “Dân lượm rác không có tết, chỉ có lượm tết, lượm cả đêm giao thừa, mồng một, mồng hai...”. Lượm, lượm hết.

Không chỉ lượm cho người sống mà còn lượm cho cả người chết: chồng bà Thai mất năm 2004, bà lượm đá về xây được mấy lớp, người em lượm được ít ximăng làm cái bia...

HÀNG CHỨC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên