Học sinh Trường THCS Hồng Bàng (Q.5, TP.HCM) trong một tiết thực hành môn điện- Ảnh: Như Hùng |
Bởi hơn ai hết, chúng tôi nhận ra cái tỉ lệ mà xã hội nhìn vào với “hơn 80% học sinh khá - giỏi” và tỉ lệ các em học sinh “yếu, lưu ban, bỏ học không quá 2%” là một tỉ lệ thực chất chỉ tồn tại trên giấy tờ với biết bao “nỗ lực” nhiều khi đến tuyệt vọng của thầy cô giáo đứng lớp.
Chính cái tỉ lệ này được lấy làm cơ sở đánh giá cho việc công nhận một đơn vị trường học nào đó trong thi đua đã tạo ra ảo tưởng trong không ít học sinh, phụ huynh và một bộ phận không nhỏ những người giữ quyền quản lý ở các địa phương.
1 Rào cản lớn nhất vẫn là từ phía gia đình. Trong tập quán suy nghĩ của nhiều người VN, việc con em mình không thể học chữ “chính thống” gần như là điều khó chấp nhận, là một sự xấu hổ cho gia đình.
Cha mẹ và gia đình VN chưa quen với suy nghĩ hãy để con mình học những gì các em thích mà thường là thích hướng con em mình học vì... cha mẹ, vì truyền thống gia tộc...
Việc các em chưa có bằng này, bằng nọ “như người ta” mà đã rẽ sang học nghề là một hành vi đáng lên án! Bản thân tôi khi còn phụ trách công tác hướng nghiệp ở trường, sau khi sinh hoạt hướng nghiệp cho các em học sinh lớp 9 năm học đó, đã bị nhiều phụ huynh của trường khiếu nại lên phòng giáo dục vì lý do “cô đó nói sao hay quá, giờ con tôi nhất định đòi đi học nghề chứ không chịu thi lớp 10. Con tôi “có chuyện gì” thì nhà trường phải chịu trách nhiệm” (?).
Đơn giản chỉ vì trong bài hướng nghiệp tôi đã nêu rõ thực trạng xã hội VN thừa thầy, thiếu thợ, đặc biệt là thợ có tay nghề và chuyên môn bậc cao. Tôi đã chỉ ra có nhiều con đường học tập, tại sao phải mòn mỏi, lê lết theo đuổi việc học chữ mà sức mình có hạn chế, để rồi khi ra trường, không thể học lên nữa lại thất nghiệp và chạy xe ôm hoặc cũng phải làm việc tay chân?
Ngay cả khi vì sự dồn ép của gia đình, bản thân các em vào được đại học thì cũng “vật vờ” thêm bốn năm nữa mà kết quả cuối cùng cũng là “sung quân” vào công ty “vô trách nhiệm vô hạn” vì thất nghiệp?
2 Rào cản thứ hai là chính từ bản thân học sinh. Học sinh VN, nói một cách công bằng, về trình độ tri thức là không thua kém học sinh nước ngoài. Nhưng bản thân các em về tính chủ động và tự quyết lại rất kém.
Có thể do tập quán từ gia đình, từ cách dạy “bú mớm” của nhà trường đã làm cho các em trở thành người ỷ lại, thích dựa dẫm và phó mặc. Nhưng cái chính là tổng thể xã hội VN đã không giúp cho học sinh của mình có thể có suy nghĩ chín chắn trong việc quyết định hướng đi cho cuộc đời mình khi có thể. Tôi từng thấy những cô, cậu cử nhân mà ra trường đi dạy còn bị... bố đánh, mẹ la vì đi chơi về trễ.
Thấy luôn cả những cô thạc sĩ, những anh tiến sĩ thậm chí vẫn nhận “trợ cấp hoàn cảnh” từ bố mẹ, gia đình và mặc nhiên bằng lòng với cách sống ấy. Người thanh niên không hiểu mình cần gì, không biết mình muốn gì, không màng tới việc mình sẽ ra sao trong tương lai, sẽ là người thế nào thì cho dù có một hay một trăm “cái luồng”, bản thân họ vẫn chọn cái luồng: chui vào trong kén để “sống mòn”.
3 Và cuối cùng là trách nhiệm của người thầy, của nhà trường. Việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh tuy là quy định bắt buộc của ngành, là một hướng đi đúng đắn. Nhưng không phải người thầy nào cũng đánh giá đúng tầm vóc của nó, không phải nhà trường nào cũng thật sự coi trọng nó.
Một số nơi cá biệt còn coi chuyện phân luồng như một biện pháp “tích cực” để giảm thiểu “rủi ro” khi các em thi không đậu vào cấp III hay thi tốt nghiệp tú tài làm... ảnh hưởng đến thi đua của thầy, của trường. Và suy nghĩ hay gặp nhất đó là việc giúp các em làm quen với những nghề phổ thông để từ đó giúp các em phát hiện năng khiếu, sở trường để hướng nghiệp đã bị đẩy lùi xuống thứ yếu trước yêu cầu phải có cái bằng nghề để được cộng điểm khi thi tuyển sinh hay thi tốt nghiệp.
Với chừng ấy cái tồn tại, thử hỏi khi nào bài toán “phân luồng học sinh” sẽ có một đáp số tích cực? Câu hỏi này cho đến nay vẫn còn là một câu hỏi rất dở... dang.
Có đứng lớp mới biết học sinh chúng ta có nhiều em phải vất vả lắm mới có thể viết mươi dòng văn, trầy trật lắm mới làm được xong vài bài tập đại số và với hình học thì gần như bó tay. Đó là ở hai môn khoa học cơ bản, chưa kể đến những môn cũng đòi hỏi độ tư duy cao như lý, hóa, địa, và cả một môn mà ngoài khả năng tiếp thu kiến thức còn đòi hỏi phải có chút năng khiếu cộng với sự khổ luyện đó là môn tiếng Anh. Tuy nhiên, ở những học sinh này, là người đứng lớp chúng tôi lại nhận ra các em rất có năng khiếu trong những việc... tay chân. Đơn cử như với môn học nấu ăn, cắm hoa, sửa điện hoặc thậm chí là môn tin học. Thái độ của các em khi tham gia những môn học này hoàn toàn khác hẳn, nó đầy tính tích cực, thể hiện sự ham thích chứ không phải là thái độ sợ hãi, đối phó và uể oải như khi các em học những môn văn hóa. Thế nhưng, việc hướng dẫn các em định hướng một nghề, chỉ ra cho các em một hướng đi không “thuần học chữ” nơi các đơn vị trường học là một việc không dễ dàng và nhiều khi là một nhiệm vụ... bất khả thể (mission impossible!). Vì sao? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận