Phóng to |
Tại hội thảo, Viện Khoa học giáo dục (Bộ GD-ĐT) công bố những thông tin đáng quan tâm: gần 73% học sinh xác định sau khi tốt nghiệp THPT sẽ thi vào ĐH. Đối với phụ huynh học sinh, số có suy nghĩ và định hướng như vậy còn cao hơn. Khi được hỏi về các dự định trong tương lai đối với con em, trên 90% phụ huynh xác định sẽ cho con đi thi ĐH ngay sau khi tốt nghiệp THPT...
Hàng trăm ngàn học sinh “ngồi nhầm chỗ”
Trong khi đó, TS Quách Tuấn Ngọc, cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), cho hay theo thống kê kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ liên tục tám năm gần đây, mỗi năm đều có hàng trăm ngàn thí sinh đi thi nhưng không đạt nổi... 1 điểm/môn. Ông Ngọc phân tích: kết quả đó phản ánh một thực tế là hằng năm có hàng trăm ngàn học sinh đã “ngồi nhầm chỗ” ở bậc THPT, những học sinh đó đã lãng phí thời gian, sức lực cho ba năm học nhưng không thu được hiệu quả. Đáng lẽ những học sinh đó cần phải đi theo một con đường khác ngay sau khi tốt nghiệp THCS.
Cần đào tạo những sản phẩm nghề có chất lượng “Thử hỏi con em của cán bộ hay những người có vị trí trong xã hội xem các cháu có đi học nghề không, theo tôi thì rất hiếm. Các cháu sẽ được ba mẹ tuyên truyền rằng: tệ lắm cũng phải học cao đẳng. Giáo dục hướng nghiệp là một việc khó nhưng cần sự kiên nhẫn và phải làm lâu dài. Tôi đề nghị các phương tiện truyền thông cũng như các đơn vị của ngành GD-ĐT cần tuyên truyền rộng rãi theo hướng “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tập trung ngân sách để xây dựng trường, trung tâm dạy nghề, nâng cấp trang thiết bị dạy học... để trường nghề thu hút học sinh và đào tạo ra những “sản phẩm” có chất lượng, được doanh nghiệp tin cậy”. |
Thực tế đã giải thích nguyên nhân của tình trạng trên không chỉ xuất phát từ học sinh, phụ huynh.
Qua hàng chục ý kiến tại hội thảo, trong đó có nhiều lãnh đạo các sở GD-ĐT địa phương, cho thấy phân luồng học sinh sau bậc THCS và sau THPT đều đang bế tắc, chưa đạt được hiệu quả cần thiết, phù hợp với nhu cầu nhân lực của xã hội, năng lực của người học và cả khả năng đào tạo của các cơ sở giáo dục. Chính vì vậy, hầu hết các luồng khác (học nghề, học trung cấp chuyên nghiệp...) đều bế tắc, chỉ có luồng học lên ĐH, CĐ luôn luôn thông. Còn Bộ GD-ĐT vẫn đang bó tay trong việc giải quyết được những trở ngại để “thông luồng”.
Ông Hoàng Ngọc Vinh, vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD - ĐT, cho biết mỗi năm có trên 400.000 học sinh tốt nghiệp THCS không vào học THPT. Một phần trong số đó có thể vào học trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, phần còn lại ra thị trường lao động mà chưa được đào tạo lấy một nghề.
Tuy nhiên, một nghịch lý đang tồn tại là bản thân các đơn vị đào tạo nghề cũng không đủ điều kiện thu hút học sinh.
Theo thống kê của Viện Khoa học giáo dục VN, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp ở địa bàn quận, huyện quá tải vì số lượng học sinh học nghề theo thời vụ quá đông. Cả nước hiện có 300 trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, có khả năng đáp ứng 80 vạn học sinh học nghề, trong khi số lượng học sinh cần học nghề hằng năm là 1,6 triệu em. Đội ngũ giáo viên hướng nghiệp và dạy nghề cũng đang thiếu về số lượng, yếu kém về chất lượng vì không được đào tạo chính quy.
Phụ thuộc vào hướng nghiệp
Ông Phạm Ngọc Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thẳng thắn: “Hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường hiện nay quá yếu kém là một nguyên nhân hạn chế hiệu quả phân luồng”.
Ông Phạm Ngọc Thanh đặt vấn đề: “Chúng ta đang thiếu mảng quản lý nhà nước và vận động xã hội cho công tác phân luồng. Cả nước đang đẩy mạnh phổ cập giáo dục, từng phường, xã đều có ban chỉ đạo phổ cập giáo dục với sự tham gia của chính quyền địa phương, hội khuyến học, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh... Thế thì tại sao chúng ta lại không thành lập ban chỉ đạo công tác hướng nghiệp - phân luồng để huy động nguồn lực của cả xã hội tham gia: có thể giao chỉ tiêu vận động học sinh đi học nghề cho từng phường, xã”.
Nhưng đồng thời với thực tế của TP.HCM, ông Thanh cho biết nếu có vận động được hết học sinh đi học nghề sau khi tốt nghiệp THCS và THPT thì cũng không đủ trường lớp do hiện nay hệ thống trường nghề thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên...Chính vì vậy, sức hút đối với người học cũng giảm nhiều.
Ông Cao Văn Sâm, phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng: “Để đẩy mạnh phân luồng học sinh, quan trọng nhất là phải đẩy mạnh tuyên truyền, tạo ra sự thay đổi nhận thức về bằng cấp và cần thay đổi nhất là từ các bậc phụ huynh”. Cũng theo ông Sâm, “tiền lương là chính sách tác động mạnh mẽ nhất đến phân luồng, đến định hướng nghề nghiệp của đông đảo người học. Vì vậy muốn tạo ra hiệu quả trong phân luồng, trước hết phải thay đổi từ chính sách trả lương, thu nhập đối với người học nghề, học trung cấp”.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định hiệu quả của phân luồng phụ thuộc nhiều vào hoạt dộng hướng nghiệp trong trường phổ thông. Ông Nhân yêu cầu các cấp quản lý giáo dục tập trung tạo ra sự thay đổi trong hoạt động hướng nghiệp với định hướng trong thời gian tới, hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường phải có doanh nghiệp tham gia.
“Các nhà trường phải xây dựng quan hệ đối tác chiến lược đối với các doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp là một đơn vị hướng nghiệp, thông qua việc tiếp nhận học sinh đến tham quan, thực tập” - ông Nhân nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận