Giải pháp nào để tìm lối ra cho câu chuyện này khỏi rơi vào vòng luẩn quẩn? Bao giờ rác thải biến thành tài nguyên, đem lại lợi ích cho đất nước và từng hộ gia đình như nhiều nơi trên thế giới đã làm được?
Theo bạn đọc Minh Châu: "Trách nhiệm trong chuyện này thuộc về địa phương, nơi quản lý những người thu gom rác. Chỉ cần địa phương tuyên truyền đến tận từng hộ dân, sau đó yêu cầu người thu gom rác phải thu gom rác riêng từng loại và sẽ không thu gom rác mà các hộ dân chưa phân loại thì tình hình sẽ chuyển biến ngay".
Bạn đọc Đoàn Hòa nêu khó khăn từ thực tế: "Đặc thù ở TP.HCM là có nhiều đường hẻm chỉ vừa hai xe máy qua lại, khó tổ chức tốt việc phân loại rác tại nguồn. Theo tôi, việc phân loại rác tại nguồn trước tiên nên làm ở các chung cư, khu dân cư cao cấp, nhà mặt tiền".
Bạn đọc Phú đề xuất giải pháp: "Mỗi hẻm nhỏ phải có điểm thu gom rác tập trung để người dân đem ra bỏ. Nếu trước mỗi nhà đặt ba thùng rác (hoặc ba túi rác) đã phân loại sẽ rất chật chội, lại rất mất mỹ quan".
Từ kinh nghiệm gia đình, bạn đọc Tuyen chia sẻ: "Nhà tôi luôn có một bịch để chứa các loại rác có thể tái chế như đồ nhựa, vỏ chai, bịch ni lông, khi đầy sẽ mang ra để người thu gom rác lấy hoặc giao cho người nhặt ve chai. Theo tôi, các hộ gia đình phải có trách nhiệm phân loại rác. Nếu hộ gia đình nào phân loại rác không đúng quy định, lực lượng thu gom rác ghi nhận và nhắc nhở, còn tiếp diễn sẽ bị xử phạt. Mọi hành vi xả rác gây ô nhiễm môi trường cần được nghiêm trị và có thưởng cho người phát giác".
Không biết hay không muốn phân loại rác?
Sau nhiều năm tuyên truyền hướng dẫn phân loại rác đến từng hộ ở phố phường TP.HCM, vẫn có rất nhiều nhà chưa bao giờ phân loại rác, nhiều người vẫn lúng túng không biết rác nào loại gì! Nhiều chung cư hàng nghìn hộ, nhiều công sở hàng nghìn người cũng chưa bao giờ nghiêm túc phân loại rác.
Nếu muốn phân loại nhưng chưa rõ rác nào bỏ vào đâu, hãy hỏi học sinh tiểu học! Các em đã biết phân loại từ lúc lên 5, lên 10 nhưng người lớn ở nhà không làm, chưa muốn làm chứ không phải làm không được. Thiếu quyết tâm nên nhiều năm vẫn ì ạch trong chuyện phân loại rác. Chưa muốn làm nên đủ kiểu lý do đổ thừa.
Giải pháp cần có là gì? Theo tôi, cần thay đổi mạnh trong việc tách riêng rác tái chế ra khỏi rác hữu cơ, có thể có khó khăn nhưng muốn làm sẽ làm được. Rác tái chế đa phần là khô sạch nhưng kích thước lớn, tách loại này ra túi rác còn lại rác hữu cơ gọn ghẽ. Dễ xử lý thôi, chỉ có điều hầu hết mọi người vẫn còn đang nghĩ đó không phải việc của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận