
Thùng rác có ngăn phân loại rác ở hẻm 592 Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM - Ảnh: AN VI
Theo nghị định 45 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ ngày 25-8-2022), hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Nhưng đến giờ vẫn chưa thấy ai bị phạt...
Xe thu gom rác có phân loại?
Gần đây, Bộ TN&MT yêu cầu đến hết năm 2024 các tỉnh thành phải hoàn thành việc phân loại rác sinh hoạt. Phải nói ngay rất nhiều người dân quan tâm đến việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn vì nếu không làm đúng có thể bị phạt tiền. Đa số người dân đồng tình với quy định phân loại rác sinh hoạt tại nguồn.
Tuy nhiên, cần phân loại ra sao và đặt rác phân loại như thế nào thì quả không dễ làm. Vì từ trước cho đến nay chưa có yêu cầu nào từ chính quyền địa phương, nhất là các đơn vị, cá nhân thu gom rác nên nhiều người cứ theo thói quen bỏ hết tất cả rác vào một túi cho gọn lẹ.
Cũng có người tập tành bỏ riêng giấy, đồ nhựa, ni lông… nhưng rồi hóa ra công cốc do đều bị thu gom chung vào một xe đẩy. Và mọi chuyện giẫm chân tại chỗ.
Với quy định xử phạt nêu trên, có hai chuyện cần bàn. Đầu tiên là chuyện phân loại rác theo quy định. Trước đây quy định không yêu cầu phân riêng nhóm chất thải thực phẩm thì hiện tại để làm theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, TP.HCM và nhiều nơi đều phân thành ba nhóm, gồm: 1.Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; 2.Chất thải thực phẩm; 3.Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Bao đựng rác phân loại có màu sắc để nhận biết
Nếu cách thức phân loại rác giờ đã rõ ràng để người dân đỡ khó khăn thì chuyện tiếp theo cần bàn là bao bì bỏ rác. Tại TP.HCM, quyết định 63/2024 của UBND TP lưu ý rác phải được lưu chứa trong bao bì (túi) hoặc thiết bị lưu giữ (thùng) riêng biệt, có dấu hiệu nhận biết loại chất thải hoặc theo các quy định hiện hành của pháp luật.
Túi hay thùng phải bảo đảm lưu chứa an toàn chất thải, có khả năng chống thấm, không làm rò rỉ nước rỉ rác và có kích thước phù hợp với lượng chất thải, thời gian lưu giữ. Ngoài ra, túi còn phải được buộc kín, thùng phải có nắp đậy kín để đảm bảo không phát tán mùi và có dán biển cảnh báo thông tin trên thân thùng.
Vậy những bao đựng rác thông dụng của nhiều nhà với đủ màu sắc, kích cỡ miễn sao không làm bốc mùi, rò rỉ nước… đều được chấp nhận? Phải làm gì để "có dấu hiệu nhận biết loại chất thải"?
"Theo các quy định hiện hành của pháp luật" là các quy định nào, nội dung có khác hơn? Rồi các nhóm rác sẽ được thu gom riêng biệt hay cùng lúc và nếu cùng lúc thì liệu có phí công phân loại của các hộ dân khi các thùng xe thu gom thô sơ hiện vẫn không có chỗ lưu giữ riêng các nhóm rác?...
Liên quan đến bao bì chứa rác, một số địa phương có đề ra cách nhận diện khá cụ thể để mọi người dễ làm thống nhất. Chẳng hạn, Đồng Nai quy định với nhóm 2 thì bao bì có màu xanh lá cây; Bình Dương quy định với nhóm 2 thì bao bì có màu xanh, với chất thải nguy hại thuộc nhóm 3 thì bao bì có màu đỏ…
Đây là cách thức mà 7 năm trước TP.HCM từng khuyến khích chứ không bắt buộc (dùng túi có màu trắng, màu xanh để chứa chất thải hữu cơ, dùng màu sắc khác để chứa chất thải còn lại…).
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nhanh chóng hướng dẫn cụ thể để chuyện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn không còn tiếp tục bị lỡ hạn. Khi thuận tiện phân loại, người dân đỡ phải vướng bận mối lo không làm đúng có thể bị từ chối thu gom rác và còn phải móc túi nộp phạt.
Theo hướng dẫn của Bộ TN&MT về phân loại rác: Nhóm 1 có giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh, vải, đồ da, đồ gỗ, thiết bị điện, điện tử thải bỏ.
Ở nhóm 2 có thức ăn thừa, thức ăn hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn…; các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm; thủy, hải sản.
Nhóm 3 có chất thải nguy hại (như kim tiêm, các loại bóng đèn huỳnh quang thải, pin, ắc quy thải, tủ, bàn ghế, sofa, giường, nệm cũ hư…) và chất thải khác còn lại (như vỏ các loại hạt, bã các loại, giấy vệ sinh, giấy ăn hoặc giấy ướt đã sử dụng, bông tẩy trang, khẩu trang; các loại hộp xốp; các loại sản phẩm nhựa sử dụng một lần…).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận