26/11/2018 09:53 GMT+7

Phân loại rác: phạt cao đã đủ?

NGUYỄN MINH HÒA
NGUYỄN MINH HÒA

TTO - Là chủ trương kiên quyết rất đáng ghi nhận từ chính quyền, nhưng không chỉ đưa ra mức phạt cao, để làm được việc này còn rất nhiều chuyện thuộc về tổ chức và kỹ thuật phải tính đến.

Phân loại rác: phạt cao đã đủ? - Ảnh 1.

Việc thu gom rác từ hộ gia đình đến bãi rác một cách bài bản và quy củ hơn - Ảnh: TTO

UBND TP.HCM vừa ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt với mức phạt có thể lên tới 20 triệu đồng cho những hộ gia đình không phân loại tại nguồn.

Lợi ích của việc phân loại rác đầu nguồn ai cũng thấy: nó giúp việc thu gom rác thuận lợi, vận chuyển và xử lý nhanh. Đồng thời ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người.

Đây là một chủ trương kiên quyết rất đáng ghi nhận từ chính quyền, nhưng để làm được việc này còn rất nhiều chuyện thuộc về tổ chức và kỹ thuật phải tính đến, chứ không phải chỉ đưa ra mức phạt cao là đủ.

Ở Singapore, với người xả rác bừa bãi lần đầu tiên sẽ bị phạt 1.000 đôla Singapore, tái phạm thì mức phạt sẽ tăng lên 2.000 - 5.000 đôla.

Tất nhiên trước khi ban hành điều luật này, Chính phủ Singapore phải đảm bảo có được một hệ thống dịch vụ kỹ thuật hoàn tất, đơn giản là 4 thùng rác hoặc 1 thùng rác có 4 ngăn (theo yêu cầu phân loại của chính phủ) phải có ở nơi dễ thấy nhất, với khoảng cách không quá 500m.

Nếu không có các thùng rác tiêu chuẩn, tiện dụng mà phạt thì người dân có quyền kiện cơ quan quản lý nhà nước không tạo điều kiện cho người dân thực hiện hành vi theo luật.

Tại TP.HCM, việc đặt cùng lúc 3 thùng rác với 3 màu khác nhau xanh, vàng, cam, hoặc một thùng lớn chia làm 3 ngăn được đặt ở công viên, bến tàu, bến xe là khả dĩ, nhưng ở vỉa hè đi bộ không dễ, bởi số lượng vỉa hè từ 4m trở lên ở thành phố này không nhiều, còn trong hẻm nhỏ (thường dưới 3m) là điều cực kỳ nan giải.

Việc người dân phân loại rác tại gia đình theo túi nilông có ba màu sắc khác nhau có thể làm được, nhưng rất có thể trở nên vô ích nếu đội quân ve chai vẫn miệt mài xé toang các túi bọc để móc lấy những thứ có thể bán được, rồi đổ tung tóe ra đường.

Do vậy cần tổ chức lại việc thu gom rác từ hộ gia đình đến bãi rác một cách bài bản và quy củ hơn. Cần trang bị cho các đội thu gom rác loại xe chuyên dụng với các ngăn chứa rác theo chủng loại khác nhau, thu gom đúng giờ để người dân mang ra điểm tập kết đúng lúc chứ không đổ đống ra vỉa hè, đầu ngõ tạo điều kiện cho người lượm ve chai bới móc tung tóe lên.

Trước mắt, thành phố nên tập trung hiện thực hóa việc phân loại rác ở những nơi có đủ điều kiện như trường học, bệnh viện, cơ quan, công ty, nhà máy, cơ sở tôn giáo, ở những khu đô thị mới hiện đại như Phú Mỹ Hưng, Thảo Điền, An Phú, An Khánh, khu trung tâm 930ha, các chung cư cao cấp, không gian công cộng, các trục đường chính… rồi sau đó tiến dần tới bến tàu, bến xe, các trục đường nhỏ, hẻm phố và chợ.

Việc phân loại rác tại nguồn là một hành vi đơn giản, không cần đòi hỏi phải tuyên truyền tốn kém, phong trào biểu ngữ rầm rộ, bởi là thị dân thì hầu như ai cũng hiểu ý nghĩa của nó.

Điều quan trọng nhất là xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh đủ để phục vụ công việc này và sau đó là kiên quyết thực hiện chế tài theo luật.

Các quốc gia như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… đã thành công trong việc duy trì trật tự xã hội (trong đó có rác thải) theo một quy trình như thế, chứ không phải theo phong trào và kêu gọi thiện chí hợp tác của người dân.

Đó chính là sự kết hợp của nhà nước pháp quyền và xã hội công dân.

Phân loại rác tại nguồn: cần thêm nhiều quy định thống nhất

TTO - Hôm nay, 24-11-2018, TP.HCM bắt đầu thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Bắt đầu một thói quen mới: phân loại rác tại từng nhà, từng công sở… với không ít băn khoăn.

NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên