Không lâu sau khi Nga bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine ngày 24-2-2022, Phần Lan và Thụy Điển cùng tuyên bố nguyện vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ngày 4-4-2023, Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO. Ngày 10-7, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sẽ ủng hộ việc kết nạp Thụy Điển, gạt bỏ những trở ngại cuối cùng của Stockholm đến NATO.
Việc Phần Lan và Thụy Điển phá vỡ trạng thái trung lập kéo dài nhiều năm để gia nhập NATO được dự đoán sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình hình an ninh châu Âu.
Lực lượng NATO đã mạnh càng mạnh hơn
Theo báo Washington Post, Thụy Điển và Phần Lan sẽ mang lại sự bổ sung lực lượng đáng kể cho NATO.
Thụy Điển là quốc gia có hải quân mạnh mẽ, lại có thể đóng góp vào việc sản xuất khí tài của NATO khi nước này đang tự mình sản xuất máy bay chiến đấu.
Phần Lan cũng có quân đội được đầu tư bài bản, hùng hậu vì đang áp dụng chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam giới.
Tăng cường hiện diện trên biển Baltic
Thụy Điển và Phần Lan bao phủ gần hết đường bờ biển phía bắc của biển Baltic. Do đó việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan đã đặt gần như toàn bộ biển này dưới sự kiểm soát của NATO.
Hơn nữa Thụy Điển còn sở hữu đảo Gotland, với chu vi lên tới 175km ngay chính giữa biển Baltic. Năm 2022, Stockholm đã công bố khoản chi lên đến 163 triệu USD để củng cố năng lực quốc phòng trên đảo này, trong đó có việc dựng thêm doanh trại.
Điều này đem lại lo ngại an ninh lớn cho Matxcơva, khi vùng biển này từ lâu đã có ý nghĩa chiến lược với Nga. Nga hiện có thành phố St. Petersburg và vùng lãnh thổ tách rời Kaliningrad tiếp giáp biển Baltic. Nếu xung đột giữa Nga và NATO xảy ra, các nước NATO sẽ có nhiều hướng tấn công cả hai nơi này.
Gấp đôi đường biên giới trên bộ với Nga
Phần Lan có đường biên giới trên bộ với Nga dài hơn 1.300km, đang được bố trí lực lượng tuần tra chặt chẽ. Với Phần Lan là thành viên chính thức, chiều dài đường biên giới trên bộ của NATO với Nga đã tăng gấp đôi.
Bà Carisa Nietsche, nhà nghiên cứu tại Chương trình an ninh xuyên Đại Tây Dương thuộc Trung tâm vì nền an ninh Mỹ mới, nhận định: "Một mặt, điều này tạo áp lực không nhỏ lên Matxcơva khi phải tăng cường bảo vệ biên giới. Mặt khác, NATO cũng sẽ phải bảo vệ đường biên giới này trong trường hợp Nga tấn công".
Tư cách thành viên của Phần Lan cũng giúp NATO tiến gần hơn đến bán đảo Kola - căn cứ Hạm đội phía Bắc của Nga. Đây chính là lực lượng đang đảm nhiệm công tác tuần tra khu vực Bắc Băng Dương.
Tăng cường hiện diện tại Bắc cực
Nếu được kết nạp, Thụy Điển sẽ giúp NATO tăng cường sự hiện diện tại Bắc cực.
Cùng với Phần Lan, Thụy Điển đang là thành viên của Hội đồng Bắc cực - tổ chức giám sát khu vực này. Nga, Mỹ và Canada cũng đang là thành viên của hội đồng trên.
Bà Nietsche cho rằng với sự bổ sung này, "an ninh khu vực Bắc cực sẽ trở thành mối quan tâm lớn hơn trong chương trình của NATO".
Điều này cũng sẽ đúng với Matxcơva, khi có đến hơn 50% đường bờ biển của Bắc Băng Dương thuộc lãnh thổ Nga, và Điện Kremlin chắc chắn xem an ninh ở khu vực này là vấn đề quốc phòng.
Ông Christopher Skaluba - giám đốc Sáng kiến An ninh xuyên Đại Tây Dương tại Hội đồng Đại Tây Dương, phân tích: "Từ trước đến nay, Bắc cực được xem là hình mẫu thành công trong sự hợp tác giữa NATO và Nga. Tuy nhiên, các lo ngại về việc tranh chấp liên quan đến an ninh trong khu vực này đang hiện diện ngày một nhiều. Điều này sẽ càng đúng khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận