TTCT - Tôi không biết nên gọi ông Philippe Franchini, chủ khách sạn Continental một thời hơn nửa thế kỷ trước ở Sài Gòn, là gì? Ông là nhà kinh doanh? Nhà nghiên cứu sử học? Nhà văn? Họa sĩ? Nhà làm phim?… Ông đã là tất cả từ rất lâu, ít nhất là từ khi quay lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình là Sài Gòn năm 1965. Những ký giả nước ngoài, các chính khách miền Nam, các họa sĩ và giới thượng lưu thời đó quen nhìn ông như một ông chủ Tây trẻ trung bảnh bao, đẹp trai của cái khách sạn sang trọng nằm ngay trung tâm thành phố, là một trục trong tam giác Continental - quán cà phê Givral - trụ sở Thượng viện (tức nhà hát Thành phố ngày nay) luôn nóng hực không khí chính trị, ở ngay “vị trí kim cương” của thành phố này. Họ không biết trước khi trở thành ông chủ khách sạn danh tiếng ấy, ông đã đi được một số bước vào lĩnh vực hội họa và điện ảnh. Ông Philippe Franchini. Ảnh: Nhân vật cung cấp Cội nguồn hòa thuận Khi tôi gửi đến ông những câu hỏi để mong được nghe kể về chặng đường dài 45 năm từ cuộc trở về quê cha nước Pháp năm 1975, tôi đã đợi hơn ba tháng sau mùa hè 2019 vì ông không thể trả lời sớm hơn. Ông giải thích: “Hiện nay tôi đang chuẩn bị một tác phẩm khá khó khăn cần nhiều thì giờ nghiên cứu. Tôi sẽ cho bạn biết sau”. Còn mong muốn gì hơn nữa về sức làm việc của Philippe, nay đã trong độ tuổi 90?! Tự gọi tiểu sử của mình là “một tiểu sử tương đối phức tạp”, nhưng điều đầu tiên ông nói với tôi là lời khẳng định “luôn gắn bó với cội nguồn” là đảo Corse và Việt Nam. Ông nhắc lại việc mình được sinh ra ở Sài Gòn, quãng đời thơ ấu và thiếu niên của ông trải qua ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ Việt Nam còn là thuộc địa Pháp ở Đông Dương. Cha của ông gốc miền nam đảo Corse, mẹ ông - con gái của Đốc phủ Lê Văn Mầu ở Mỹ Tho - mất khi ông mới là cậu bé năm tuổi. Phần lớn thời gian ông sống với ông bà ngoại. Ông cho rằng: “Sự may mắn trong đời con lai của tôi chính là sự hòa thuận tuyệt vời (và đặc biệt) giữa hai gia đình nội ngoại”. Một bức tranh mực của P.Franchini. Hội họa lấy từ cuộc đời Sau chiến tranh giữa Việt Minh với Pháp, đánh dấu bằng sự can thiệp của người Nhật vào Đông Dương, Philippe tận mắt chứng kiến bạo loạn bùng nổ năm 1945, cũng là khởi đầu cuộc chiến tranh giành độc lập của người Việt. “Đó thực sự là một điều ray rứt, giằng xé trong tôi”. Điều đó dễ hiểu khi có thân phận như ông. Sau khi đậu tú tài, ông rời Sài Gòn trở về Corse học khoa văn chương của Trường đại học Paris - Sorbonne. Ở đó, ông lấy bằng cử nhân văn chương với đề tài “Lịch sử thuộc địa”, sau đó là chứng chỉ cao học về lịch sử, đề tài là “Nguồn gốc các biến động ở Nam Kỳ” dưới sự hướng dẫn của giáo sư Charles André Julien. Rõ ràng ông đã tận dụng sự hiểu biết, gốc gác và vốn sống của mình cho việc chọn đề tài nghiên cứu. Các đề tài này còn theo ông suốt cuộc đời sáng tác. Bản tính phóng khoáng, mong muốn được tự do khiến sau đó ông từ bỏ nghề dạy học và chuyển hướng qua hội họa. Ông làm việc tại xưởng vẽ của Robert Lapoujade, họa sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ và đã triển lãm tại các galeries ở Paris (Galerie Pierre Domec, cùng với Lapoujade, F.X.Fagniez, Andréou, Wogensky, Coulot, Kallos, Olivier), cả ở nước ngoài với Lausanne (Thụy Sĩ), Odense (Đan Mạch) và tại một số salon quan trọng khác (Art Sacré, Jeune Peinture, Automne, Biennale de Paris (1963). Trong khoảng thời gian 1956-1960, Philippe trở lại Việt Nam nhiều lần để nghỉ ngơi. Năm 1965, sau khi cha ông là Mathieu Franchini mất, Philippe phải bay về Sài Gòn, tiếp nối việc quản lý khách sạn Continental của gia đình đã được mua từ năm 1933. Ông ở đó suốt 10 năm, từ 1965 - 1975. Cùng là 10 năm đó, khách sạn Continental trở thành nơi dừng chân của nhiều khách du lịch và nhà văn nổi tiếng (như Segalen, Malraux, Bodard, Jacques Laurent, James Jones...), các nhà làm phim (Pierre Schoendorfer, Raoul Coutard...), nhà báo (Bernardo Valli, Jon Randal, Jean Claude Pomonti...). Mười năm đó là một dịp may hiếm có để ông đắm mình vào việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam và Trung Hoa. Ông học thư pháp chữ Hoa và vẽ, hoàn thành một tác phẩm điêu khắc phản ánh cảm xúc của ông về “cuộc chiến chết chóc của người Mỹ và bi kịch cuộc sống của người Việt, thể hiện cảm xúc của tôi về cuộc chiến tranh đẫm máu của Mỹ và bi kịch của người Việt Nam”. Ông đã tạo ra một không gian cho tranh trong khách sạn, nơi ông tiếp nhận tranh của Hội Họa sĩ trẻ ở Sài Gòn để trưng bày và bán mà không nhận phí, điều mà những họa sĩ trong hội như Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ nhắc lại với lòng cảm kích. Thời gian đó, ông cũng đã triển lãm những tác phẩm của mình ở Sài Gòn, Hong Kong, Mỹ và quay nhiều phim ngắn về cuộc sống hằng ngày của dân Sài Gòn trong những năm tháng chiến tranh như các phim Les Maîtres Dames - Lên Đồng, Le Dernier Masseur Ambulant - Tẩm Quất (tác giả tự dịch sang Việt ngữ những phim này), Combats de Coqs - Đá Gà, Hôtel Bambou - Khách Sạn Tre (phim này được chọn chiếu ở Liên hoan phim nghệ thuật Tokyo 1968). Tất cả những phim này được lưu giữ ở Pathé Archives Paris (Viện Lưu trữ phim của Pháp). Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi (trái) cùng Philippe Franchini tại cuộc triển lãm Expo Impressions, năm 2016 Sự kiện năm 1975 đến khiến Philippe Franchini rời Việt Nam trở về quê cha đảo Corse và Paris với vợ và hai người con đầu. Tuy không từ bỏ hội họa (tiếp tục triển lãm tranh và thư pháp ở gallery Bellint và gallery Impressions), ông có cơ hội “cống hiến hết mình cho việc viết lách” như ông nói khi một nhà xuất bản chọn in cuốn Continental Saigon. Ông tiếp tục hai con đường, nghiên cứu lịch sử và viết tiểu thuyết. Đồng thời hợp tác với các tờ báo và tạp chí như Le Monde (viết về lịch sử và minh họa), L'Express (phê bình văn học) và trong các tạp chí khác nhau cùng các ấn phẩm chuyên ngành (Grands reportages, GEO...). Khi tôi hỏi đến lúc nào ông quyết định viết cuốn sách Khách sạn Continental và trở thành một nhà văn, viết tiểu luận, ông kể: “Ban đầu nhà xuất bản muốn có một câu chuyện về khách sạn, nhưng tôi thích viết một câu chuyện có tính riêng tư về trải nghiệm hai dòng máu của tôi, với những gì chính tôi cảm thấy trong cuộc chiến tranh Việt - Mỹ. Cần lưu ý rằng các khách của khách sạn chủ yếu là những nhà báo quốc tế (có thành viên của Ủy ban Kiểm soát quốc tế được thành lập bởi Hội nghị Genève)”. Philippe cho biết thêm: “Trong số những cuốn sách của tôi, cuốn sách này mang lại cho tôi một tiếng tăm nhất định cũng như cuốn Chiến tranh Đông Dương (Les Guerres D'Indochine), Lời nói dối của chiến tranh Đông Dương (Les mensonges de la guerres D'Indochine), Con đường ngàn dặm (La route des mille li), Tarra Nostra: Roman, Kẻ mang hai dòng máu (Métis), Khổng Tử (Confucius), Những con đường lót đá hoa cương (Les Chemins de Granit)". “Tôi quản lý thời gian theo một cách rất thực dụng - ông lý giải vì sao có thể làm được nhiều việc như vậy và đến nay ông vẫn tiếp tục viết - vì đó là nghề nghiệp chính và cũng là phong cách sống của tôi”. Ông Philippe Franchini trong cuộc triển lãm tranh duy nhất mang tên expo Impressions của ông năm 2016 Nhìn lại việc sáng tác tranh - thú đam mê theo đuổi từ khi còn trẻ, ông nói mình không thuộc bất kỳ trường phái nghệ thuật nào cụ thể, nhưng hội họa của ông đã trải qua nhiều thời kỳ (từ tượng hình đến trừu tượng). “Tôi đã thực hiện những tác phẩm rất đặc biệt thể hiện bạo lực chiến tranh, đặc biệt là tranh dán và điêu khắc kim loại”. Bức “le Survivant” (Kẻ Sống sót) của Philipe Franchini Nghiêng về cội rễ Từ chối nói về khách sạn Continental ngày nay vì “không còn trách nhiệm gì về nó nên không thể có ý kiến”, nhưng ông vẫn da diết như vậy khi nói về Sài Gòn, nơi chôn nhau cắt rốn và có cả một thanh xuân: “Tôi gắn bó với nó một cách rõ ràng và mỗi khi trở về, tôi cảm thấy như ở nhà bởi sự đón tiếp mà tôi nhận được và ngoài những cú va đập của lịch sử, thì đó là cội nguồn tôi không thể xóa nhòa”. Paris, với ông, là một đô thị lớn, nơi nhiều người cùng chung sống và là một trung tâm của các nền văn hóa đa dạng, cho phép ông xuất bản và viết lách để sống. “Đối với Việt Nam và sự phát triển của nó, không sống ở đó nên tôi không biết nói gì hơn, ngoại trừ đó là đất nước đang phát triển bùng nổ và đối đầu không chỉ với châu Á mới có một Trung Quốc độc đoán, mà còn chịu tác động về sự toàn cầu hóa hỗn loạn có nguy cơ làm suy yếu chiều sâu văn hóa Việt Nam, như đã xảy ra ở nơi khác trong lịch sử” - ông nói về Việt Nam. Một tác phẩm của P. Franchini Năm 2017, tôi gặp Philippe Franchini ngay khách sạn Continental, lúc đó ông đã 89 tuổi nhưng vẫn giữ vẻ tráng kiện. Sau cuộc gặp đó, ông về Mỹ Tho thăm mộ ông bà ngoại và mẹ. Ông tất bật như đứa cháu xa quê hương đã lâu không về. Đứa cháu đó vẫn còn có ngôi nhà xưa ở Sài Gòn là tòa khách sạn, nơi thuở bé ông chạy nhảy trên bậc thềm nhìn ra nhà hát Thành phố. Cuộc đời ông nhiều biến động nhưng khá thú vị, giăng giữa hai bờ quê hương Việt - Pháp, kinh doanh và sáng tác, vẽ và viết... Ông hạnh phúc giữa hai bến bờ ấy, mỗi lần đến nghĩa là một lần trở về một phần bản ngã của mình. Bởi vậy, tôi nhìn ông như một người Sài Gòn gốc, thuở Sài Gòn không mấy phồn hoa nhưng thật đáng yêu và đáng ghi nhớ.■ Tags: Khách sạn ContinentalPhilipe FranchiniÔng chủ khách sạn ContinentalSài Gòn thập niên 60STranh của Philipe Franchini
Tình báo Ukraine: Triều Tiên gửi 100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho Nga UYÊN PHƯƠNG 26/11/2024 Cơ quan Tình báo quốc phòng Ukraine (DIU) cáo buộc Triều Tiên gửi 100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) cho Nga.
Khởi tố, bắt 4 bị can gồm 2 giám đốc trong vụ án nhận hối lộ ở Nha Trang PHAN SÔNG NGÂN 26/11/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa vừa khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can liên quan việc đấu thầu thi công các dự án do Công ty TNHH Dũng Lợi thực hiện trên địa bàn TP Nha Trang.
Sửa thuế thu nhập cá nhân lạc hậu: Phải chờ đến... 2026! LÊ THANH 26/11/2024 Phải có quy định cho phép người nộp thuế thu nhập cá nhân được trừ lãi vay mua nhà, tiền học, khám chữa bệnh của người nộp thuế và của con cái họ.
Nhận hối lộ gần 6 tỉ, luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với cựu vụ phó Anh Tuấn TUYẾT MAI 26/11/2024 Sáng 26-11, phiên tòa xét xử vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan. Bào chữa cho ông Hoàng Anh Tuấn (cựu vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với ông Tuấn.