Diễn đàn “Làm gì để chấm dứt lạm thu?” khép lại sau gần một tuần, thu hút sự tham gia của đông đảo bạn đọc - Ảnh chụp trang báo
Nóng diễn đàn: 'Làm gì để chấm dứt lạm thu?
Bước vào năm học mới, hàng chục khoản chi không tên là vấn đề làm đau đầu phụ huynh học sinh.
Chính vì vậy, diễn đàn "Làm gì để chấm dứt lạm thu?" thu hút sự quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến của đông đảo bạn đọc của Tuổi Trẻ Online.
"Theo tôi, đây chỉ là hiện tượng ở một số trường, còn rất nhiều trường vẫn làm đúng. Trường nào sai là xử lý nghiêm. Không vì những cái viện cớ của các trường làm sai mà không xử lý được, rồi lôi kéo trách nhiệm của Hội phụ huynh. Cần xử lý cái gốc vấn đề là ở các trường làm sai" - bạn đọc tên Vinh góp ý.
Trong khi đó, một số bạn đọc đề nghị nên xóa quỹ phụ huynh học sinh để không còn cảnh lạm thu.
Về ý này, bạn đọc Minh viết: "Tôi thấy quỹ phụ huynh cũng không cần thiết. Vì không phải ban phụ huynh nào cũng công tâm trong vấn đề quản lý và sử dụng quỹ này. Sử dụng minh bạch tức là trước tiên phải sử dụng hợp lý, đúng mực.
Có thực sự cần thiết đóng quỹ "một cục" để dự trù chi cho "photo tài liệu", "thăm hỏi ốm đau", "lễ lạt" và nhiều cái do ban đại diện nghĩ ra cho cả năm?
Ngày trước, thủ quỹ lớp chỉ thu một số tiền nhỏ cho mục đích học tập, còn lại thì khi nào có việc thì cả lớp sẽ được phổ biến và đóng góp tùy theo khả năng mỗi học sinh.
Còn vấn đề khen thưởng bây giờ vừa đóng góp ở mức trường và cả ở mức lớp, lạm dụng khen thưởng sẽ phản tác dụng làm cho học sinh giảm động lực phấn đấu".
Rất đồng tình với nhận định trên, bạn đọc Phú đề xuất 2 giải pháp: 1- Bỏ Hội phụ huynh. 2- Quy định khoản thu cụ thể vào Luật giáo dục.
"Theo tôi, cái chính là kiểm soát thu - chi các khoản vận động tránh lạm thu, chi không đúng mục đích hay có tiêu cực" - bạn đọc Vietlq viết.
Nhà sử học Lê Văn Lan - thành viên ban cố vấn chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22 - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Cảm ơn giáo sư đã có lời giải thích thấu tình đạt lý
"Không có gì đáng để phê phán"; "Với một học sinh phổ thông, lại không chuyên sử, thì hiểu rõ được như vậy là quá tốt rồi"; "Rất ủng hộ ý kiến của giáo sư, các em trả lời được như vậy là rất tốt rồi"... là những ý kiến của bạn đọc xung quanh lời giải thích của nhà sử học Lê Văn Lan về câu lịch sử bị cho là sai tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia vừa kết thúc.
Tuy nhiên, bên cạnh các ý kiến ủng hộ, cũng có một số ít bạn đọc cho rằng về quyết định cho điểm thì đồng ý, còn về cách giải thích "nhất thống" với "thống nhất" của giáo sư nên xem lại.
"Sai là sai, đúng là đúng. Chúng ta không nên cho điểm khắt khe thì đúng, còn "chúng ta không nên khắt khe với cái sai" thì sai, quá sai" - bạn đọc Trung Thu bình luận.
Cũng với suy nghĩ tương tự, bạn đọc Phạm Thiết Hùng bổ sung: "Cá nhân tôi đồng ý với kiến giải của nhà sử học Lê Văn Lan. Tuy vậy cũng cần phải nói thêm là "Thống nhất" (là sự định hướng) chỉ sự phù hợp, nhất trí với nhau, không mâu thuẫn với nhau, hợp thành một khối.
Còn "Nhất thống" là thu phục đất nước về một mối. Cả nước do một triều đại (một chính phủ) thống trị (lãnh đạo). Khi nào các em lớn hơn sẽ hiểu rõ và trích dẫn chính xác hơn".
Với quan niệm, sử học phải chính xác, hơn nữa do đây là cuộc thi lớn có bề dày lịch sử, do đó đề thi được chỉn chu.
Về ý này, bạn đọc Thiên Khai viết: "Trong một sân chơi cho học sinh, biết và nói được như vậy cũng là quá tốt và quan trọng là không phải sai về ý nghĩa. Tuy nhiên, trong "sân chơi" Đường lên đỉnh Olympia cũng còn nhiều hạt sạn".
Hình ảnh từ camera của quán ghi lại hành động của người đàn ông - Ảnh cắt từ clip
Cần nghiêm trị hành vi hách dịch
Xung quanh clip người đàn ông ném tiền tung tóe trong quán ăn ở Đà Nẵng và sau đó bị đình chỉ công tác, nhiều bạn đọc cho rằng đây là cái giá phải trả và đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiêm trị hành vi hách dịch này.
"Là cán bộ phải biết khiêm nhường và vì nhân dân phục vụ, có mấy chục ngàn lẻ, mà người ta thối đầy đủ chứ có mất đồng nào đâu mà tỏ vẻ ta đây" - bạn đọc Bạch Giang Mãi viết.
Là cán bộ, đã biết luật mà còn vi phạm luật, nhiều bạn đọc cho rằng hành vi đó không phù hợp với tư cách của người cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước.
Về ý này, bạn đọc nick name Tulen Tel'Annas phân tích: Nên phạt thật nặng với 3 lý do: 1- Gây tổn thất đến tài sản cá nhân; 2- Hành hung tổn thương đe dọa đến tính mạng người khác; 3- Hành xử không chuẩn mực với tiền do Nhà nước in ra.
Nhìn ở góc độ tình người, bạn đọc Danh Nguyen Cong bổ sung: "Không có tinh thần đoàn kết xóm giềng, mà còn xem thường đồng tiền Việt Nam".
Bạn đọc có tên Zed Candy phân tích kỹ hơn: "Dù là bao nhiêu thì cũng là tiền, tiền được Nhà nước cho phép lưu hành sao bảo là rác? Nếu không thích quán trả lại tiền lẻ thì thanh toán qua thẻ đi, hoặc lấy tiền đó trả lại cho quán khi thanh toán lần sau cũng có chết ai đâu. Quá hách dịch".
"Tiền lẻ là rác thì tại sao một số nơi công cộng lại quyên góp những đồng tiền lẻ để làm từ thiện. Đúng là nhận thức kém" - bạn đọc Lê Văn Vinh chốt lại một kết luận đắng nghét cho vị cán bộ phó phòng kia.
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ vấn đề gì? Theo bạn, giải pháp nào để chấm dứt nạn lạm thu trong trường học? Hành vi ném tiền lẻ tung tóe trong quán ăn, xuất phát từ nhận thức?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi ý kiến ở KHUNG BÊN DƯỚI. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận