29/10/2022 17:05 GMT+7

Phản hồi cuối tuần: Hàng ngàn phản hồi khen Sở GD-ĐT TP.HCM, Bộ Tư pháp

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Trong tuần, hai sự kiện được nhiều bạn đọc đồng tình đó là việc Sở GD-ĐT TP.HCM quyết định lùi giờ vào học đối với học sinh các cấp và Bộ Tư pháp lấy ý kiến 'nơi sinh' thay 'quê quán' trên giấy tờ tùy thân. Hàng ngàn phản hồi gởi đến TTO.

Phản hồi cuối tuần: Hàng ngàn phản hồi khen Sở GD-ĐT TP.HCM, Bộ Tư pháp - Ảnh 1.

Giờ học quá sớm khiến học sinh đến trường vẫn ngái ngủ - Ảnh: TỰ TRUNG

Quyết định hợp lòng dân, mong lan tỏa

Sau loạt bài Giờ vào học quá sớm, Tuổi Trẻ Online đã thăm dò ý kiến bạn đọc. Kết quả như sau:

1- Đáp án được nhiều người lựa chọn nhất là vào học lúc 7h30 (chiếm 52,3%); 2- Tiếp theo là vào học lúc 8h chiếm 41%;  3- Xếp cuối cùng là đáp án vào học lúc 7h như hiện tại với chỉ 6,1%.

Cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã nói lên vấn nạn nhức nhối này. Đọc mà đau lòng quá. Nhà em nhiều khi phải hy sinh để con bị khiển trách ở trường vì không làm đủ bài tập (nhưng hiếm khi bé học và làm bài xong trước 10h) để con được đi ngủ sớm (sớm nhất là 11h) chứ không thể 12h mới làm xong bài tập. Tối qua em còn viết thay bài cho con (hơn 1 trang giấy) để con hối hả làm 6 bài tập toán".

Ý kiến bạn đọc Anh Quốc

Ngoài việc thể hiện chính kiến của mình theo các đáp án đã gợi ý, nhiều bạn đọc còn phản ánh, nêu lên thực trạng, cũng như hiến kế... để việc học của con em mình ngày càng tốt hơn, phù hợp hơn. Đặc biệt, đây cũng là chủ đề thu hút nhiều ý kiến phản hồi trong tuần với hơn 4.500 bình luận của bạn đọc.

Và, điều đáng ghi nhận là sau đó không lâu, ngày 27-10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã ra quyết định về việc lùi giờ học đối với tất cả học sinh các cấp.

Có thể nói, đây là quyết định thể hiện tinh thần cầu thị, chịu khó lắng nghe ý kiến người dân, thẳng thắn nhìn vào thực tế và có sự điều chỉnh kịp thời.

Ngay khi có quyết định này, như giải tỏa được nỗi bức xúc của đa số gia đình có con em trong độ tuổi đến trường, nhiều phụ huynh vỗ tay vui mừng.

"Hoan nghênh TP.HCM đã quyết định đúng đắn, Phụ huynh 8h mới vào làm mà 6h45 đã bắt học sinh có mặt ở trường rồi, chưa kể sáng sớm người lớn ăn sáng còn nuốt không nổi huống hồ học sinh. Theo tôi, nên bỏ luôn cái quy định học sinh phải có mặt trước giờ học 15 phút, sáng sớm ở TP phụ huynh ai cũng rất bận rộn, 15 phút đối với học sinh rất quý" - bạn đọc T.H. viết.

Cùng suy nghĩ này, bạn đọc Đỗ Thanh Thúy bổ sung: "Lùi giờ học là đúng đắn, cha mẹ vào làm lúc 8h sao bắt con trẻ vào học lúc 7h sáng. Sáng ra chưa kịp tỉnh ngủ đã phải ăn sáng, người lớn còn không ăn nổi nữa là bắt đứa trẻ phải ăn để có sức cho một ngày học hành vất vả. Tôi thấy trẻ con bây giờ quá khổ".

Chia sẻ với niềm vui của những phụ huynh ở TP.HCM, một số bạn đọc ở những tỉnh thành khác cũng ao ước: việc lùi giờ học sẽ lan tỏa đến địa phương của mình.

Về ý này, bạn đọc Phuong Ho viết: "Đây là chuyện đã lâu và không ai không biết! Rất cám ơn sự lắng nghe của Sở GD-ĐT TP.HCM. Cám ơn báo Tuổi Trẻ đã phản ánh đúng kịp thời! Và, tôi cũng mong rằng sẽ lan tỏa xuống TP Cần Thơ trực thuộc T.Ư"!

Phản hồi cuối tuần: Hàng ngàn phản hồi khen Sở GD-ĐT TP.HCM, Bộ Tư pháp - Ảnh 6.

Lực lượng công an thu nhận thông tin cấp thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân để phục vụ việc cấp tài khoản định danh điện tử - Ảnh: Bộ Công an

Ủng hộ Bộ Tư pháp đề xuất ghi 'nơi sinh' thay 'quê quán' trên giấy tờ tùy thân

Cũng liên quan đến vấn đề đang gây nhiều tranh luận ghi 'nơi sinh' thay 'quê quán' trên giấy tờ tùy thân, Tuổi Trẻ Online đưa ra câu hỏi thăm dò bạn đọc. 

Thăm dò ý kiến

Đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc nên ghi nơi sinh hay quê quán trên căn cước công dân cũng như hộ chiếu. Theo bạn nên ghi:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Kết quả: 1- 61,4% bạn đọc chọn đáp án ghi "Nơi sinh"; 2- 25,4% lượt bạn đọc ủng hộ đáp án vừa ghi "Nơi sinh" vừa ghi "Quê quán"; 3- 12,5% lượt bạn đọc ủng hộ đáp án chỉ ghi "Quê quán".

Và, chiều 28-10, Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi Bộ Tư pháp có ý kiến như thế nào về những ý kiến cho rằng không cần ghi "nguyên quán", "quê quán" mà chỉ cần ghi "nơi sinh" trên các giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, giấy khai sinh...? 

Ông Nguyễn Thanh Hải - cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - cho biết như sau:

"Hiện Bộ Tư pháp đang cố gắng đốc thúc các đơn vị liên quan cho ý kiến sớm về việc ghi nơi sinh thay vì quê quán trên một số giấy tờ tùy thân".

Ông Hải thông tin thêm, liên quan đến "nơi sinh", bản thân Luật hộ tịch trong giấy khai sinh biểu mẫu cũng thể hiện rõ "nơi sinh". "Nơi sinh" thể hiện giá trị phân biệt cá nhân này với cá nhân khác và liên quan đến việc một cá nhân chào đời. "Nơi sinh" cũng là một trong những thông tin cơ bản sẽ kết nối sang Cơ sở dữ liệu dân cư.

Hoan nghênh tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến của đại đa số người dân của Bộ Tư pháp, bạn đọc Long Nguyen viết: "Mình cũng rất ủng hộ việc này, đây mới gọi là thay đổi hiệu quả thủ tục hành chính".

Cùng quan điểm, bạn đọc Trần Văn Luật viết: "Ghi nơi sinh là xác thực. Điển hình tôi sinh ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) mà nguyên quán tôi là ở Nam Định (quê cha tôi ở miền Bắc, từ nhỏ tới lớn tôi chưa bao giờ tới). Thật vô lý, sinh ở miền Nam, quê quán hay nguyên quán lại ghi miền Bắc dù chưa bao giờ biết".

Ngoài đa số ý kiến ủng hộ, một số bạn đọc còn đề nghị ghi vào giấy tờ tùy thân cả hai để không mất gốc quê cha đất tổ.

Về ý này, bạn đọc Hoàng Sang đề xuất: "Nên ghi cả hai mục: nơi sinh và quê quán. Con người phải có cội nguồn, phải biết và cho người khác biết cội nguồn của mình. Lỡ người mẹ đi du lịch ở Thái Lan rồi đột ngột trở dạ sinh con ra ở Thái Lan, vậy chỉ ghi nơi sinh thì sẽ rất mù mờ đủ thứ chuyện".

Phân tích thêm, bạn đọc Thái Phiên viết: "Nên ghi nơi sinh. Ghi nơi sinh ghi tên tỉnh thành là đủ bởi trên thẻ CCCD không có chỗ để ghi đầy đủ và nếu chỉ ghi huyện xã thì có thể bị trùng lắp với tỉnh thành khác. Muốn biết đủ thông tin thì trên giấy khai sinh đã có và nếu có thay đổi thông tin trên căn cước thì nên thêm phần nhóm máu vào vì sẽ rút ngắn thời gian cấp cứu kịp thời nếu cần".

Bạn quan tâm và muốn chia sẻ vấn đề gì? Theo bạn, các tỉnh thành khác có nên theo mô hình của TP.HCM lùi giờ vào học cho hợp lý? Những giấy tờ tùy thân nào chỉ cần ghi "nơi sinh" và loại nào vừa ghi "nơi sinh" vừa ghi "quê quán"?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến PHẢN HỒI CUỐI TUẦN qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM quyết định lùi giờ học: Bạn đọc mừng vì ý kiến được lắng nghe Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM quyết định lùi giờ học: Bạn đọc mừng vì ý kiến được lắng nghe

TTO - Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vừa quyết định lùi giờ học tất cả học sinh các cấp, mầm non và tiểu học không sớm hơn 7h30; THCS không sớm hơn 7h15; THPT không sớm hơn 7h. Quyết định này phù hợp với hơn 93% lựa chọn của bạn đọc Tuổi Trẻ Online.


TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên