06/10/2022 17:08 GMT+7

Phản hồi 6-10: Học sinh tiểu học ra về lúc 15h15: Lại đưa phụ huynh vào thế khó

TUỖI TRẺ ONLINE
TUỖI TRẺ ONLINE

TTO - "Cho học sinh tiểu học ra về lúc 15h15: Lại đặt phụ huynh vào thế khó"; "Là cựu cán bộ cao cấp, phải hy sinh lợi ích cá nhân trả đất cho khu bảo tồn để không tạo tiền lệ xấu..." là những phản hồi đáng chú ý của ban đọc trong ngày 6-10.

Phản hồi 6-10: Học sinh tiểu học ra về lúc 15h15: Lại đưa phụ huynh vào thế khó - Ảnh 1.

Toàn cảnh khu trang trại của nguyên bí thư tỉnh ủy giữa khu bảo tồn thiên nhiên - Ảnh: TRUNG TÂN

Là cán bộ cấp cao lại càng phải "gương mẫu"

Theo khảo sát thực địa của phóng viên Tuổi Trẻ, đi trên quốc lộ 29 sẽ thấy một con đường nhỏ tự mở giữa rừng chạy về hướng hồ thủy điện Krông H’Năng. Tuy nhiên, khi xuyên rừng được gần 1km thì sẽ gặp một cổng sắt chắn ngang, phía trong như một trang trại giữa rừng, người ngoài không thể tiếp cận nếu không được sự đồng ý của gia chủ.

Ông Nguyễn Hoài Dương, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, xác nhận trang trại nuôi bò trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) thuộc sở hữu của gia đình ông Y Luyện Niê Kđăm, bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk giai đoạn 2000-2005.

"Cựu lãnh đạo càng phải "gương mẫu". Thậm chí, phải hy sinh lợi ích cá nhân để không tạo tiền lệ xấu. Đã có uy tín như thế thì nên gương mẫu tự nguyện chấp hành rời đi, trả đất lại cho khu bảo tồn".

Ý kiến bạn đọc Lê Vũ

Theo tìm hiểu, khu vực này được xác định là vùng bán ngập của hồ thủy điện và đất khu bảo tồn, tức không thể xây dựng, làm trang trại. Vậy tại sao giữa "rừng cấm" lại có trang trại được cho là của nguyên bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk?

Trả lời việc này, lãnh đạo Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cho biết khi về tiếp nhận công việc thì "trang trại bác Luyện" đã có rồi.

Còn theo ông Nguyễn Hoài Dương - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, việc có một trang trại giữa rừng cấm, xét về quy định là sai. Tuy nhiên, cũng có điều tế nhị là trang trại có trước, ông Y Luyện là nguyên lãnh đạo, có nhiều công lao, nay về già lại thích ở trong trang trại này hơn.

Không đồng tình với cách trả lời này, nhiều bạn đọc cho rằng dù trang trại có trước khu bảo tồn nhưng khi trang trại được xây dựng thì đây là rừng cấm, có nghĩa là thời điểm đó người nhà lợi dụng chức quyền của ông để xây dựng chiếm đoạt đất công. Vì thế, phải kiên quyết xử lý trả lại hiện trạng vốn có của khu bảo tồn.

"Ông cụ đã từng là bí thư tỉnh ủy chắc chắn sẽ hiểu luật. Ông nên làm gương cho các thế hệ sau trong gia đình cũng như tôn trọng phép nước bằng việc trả lại đất cho khu bảo tồn. Hơn nữa cũng là cách để các cơ quan công quyền bớt khó xử trong trường hợp này" - bạn đọc nickname Fuot VietNam viết.

Cùng quan điểm là cán bộ cấp cao phải làm gương, bạn đọc Truong Hao bổ sung: "Người lãnh đạo cao cấp của tỉnh dù nghỉ hưu thì vẫn sinh hoạt Đảng và vẫn phải nêu cao tấm gương trong sáng cho con cháu và thế hệ sau. Do đó, trả lại đất cho khu bảo tồn là hợp lý".

Có lý có tình, bạn đọc Truong Kiet viết: "Theo như nội dung trong bài, nhà bác này đã có từ trước khi thành lập khu bảo tồn. Cho nên cách giải quyết như ông giám đốc sở đề nghị là hợp lý: không cho xây cất thêm gì, tới khi chủ nhân không còn nữa thì giải tỏa".

Phản hồi 6-10: Học sinh tiểu học ra về lúc 15h15: Lại đưa phụ huynh vào thế khó - Ảnh 4.

Cô trò Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM) trong ngày khai giảng năm học mới 2022-2023 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Học sinh tiểu học ra về lúc 15h15: Lại đặt phụ huynh vào thế khó!

Nhiều phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM) về việc trường thay đổi thời khóa biểu và cho học sinh ra về lúc 15h15 hằng ngày đã gọi đến báo Tuổi Trẻ "cầu cứu".

Một phụ huynh đề nghị không nêu tên thắc mắc: "Trường thông báo từ ngày 3-10 giờ ra về của học sinh là 15h15. Nếu học sinh tham gia các câu lạc bộ ngoài giờ chính khóa thì sẽ ra về vào lúc 16h30. Nhà trường đưa ra 15 câu lạc bộ như kỹ năng sống, tin học trẻ, tiếng Anh vui nhộn, khoa học vui, STEM, hội họa sáng tạo, thể dục nhịp điệu, nhảy hiện đại...

Mỗi buổi phụ huynh chỉ được đăng ký một câu lạc bộ cho con em, học phí mỗi câu lạc bộ từ 30.000 - 320.000 đồng/tháng/học sinh. Như vậy, tôi phải đăng ký năm câu lạc bộ khác nhau và số tiền phải đóng thêm hằng tháng khoảng 600.000 đồng để con mình có thể ra về lúc 16h30 vì tôi không thể đón con lúc 15h15".

"Cháu nhà tôi ở TP.HCM học hai tuần đầu cũng vậy. 15h15 là về, gia đình đảo lộn tùng phèo vì không có ai đưa đón. Sau đó là một list học thêm các nội dung như tiếng Anh với người nước ngoài, tin học, bơi, Robocon… Vậy là mỗi tháng đóng thêm 400.000 - 500.000 đồng nữa để các con học thêm tới 4h40".

Ý kiến bạn đọc Văn Minh

Cô Lê Thanh Hương - hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Hưng Đạo - cho biết: "Khi thay đổi thời khóa biểu, trường đã trao đổi với trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, trao đổi trong buổi họp cha mẹ học sinh các lớp, trong buổi họp cha mẹ học sinh toàn trường. Chúng tôi cũng sẵn sàng gặp trực tiếp các phụ huynh gặp khó khăn để cùng có hướng tháo gỡ và hỗ trợ".

"Phụ huynh nào không thể đón con lúc 15h15 và con không tham gia câu lạc bộ thì sẽ được trường hỗ trợ đến 16h (giờ về trước khi thay đổi thời khóa biểu). Thời điểm này, các em sẽ được ở trên lớp, vào thư viện hay phòng học STEM để đợi ba mẹ đến đón (các phòng đều có giáo viên, thủ thư hướng dẫn các em đọc sách, chơi...)" - cô Hương nói.

Không đồng tình với cách giải thích này, một số bạn đọc cho rằng đó chẳng qua là một hình thức học thêm mới, bởi phần lớn phụ huynh còn phải đi làm, công sở không phải ai cũng ra về lúc 15h15 để đón con.

Về ý này, bạn đọc Nguyễn Việt Thắng viết: "Một số trường THCS tại Hà Nội cũng cho học sinh về một số ngày trong tuần lúc 15h20 nên sẽ rất khó khăn cho cha mẹ học sinh đón con về khi học sinh không tham gia các câu lạc bộ ngoài giờ. Các trường nên xem xét lại việc này để thuận lợi cho học sinh và phụ huynh phải đón con".

Liên quan đến việc cho học sinh ra về sớm để tham gia các câu lạc bộ ngoại khóa, bạn đọc nickname Ba Phi cho rằng thật ra việc học ngoại khóa không bắt buộc nhưng phụ huynh bị đẩy vào thế kẹt, bởi phần lớn phụ huynh phải làm theo giờ hành chính không thể về sớm để đón con nên phải chấp nhận cho con học tất cả các môn ngoại khóa. 

"Vấn đề đặt ra là các môn học ngoại khóa này đều do phụ huynh đóng phí nhưng có ai đảm bảo nhà trường không được hưởng huê hồng, lợi nhuận trong việc này không? Có đơn vị nào thanh tra giám sát để tránh lạm thu không? Nhà trường có công bố chi tiết chi phí để phục vụ giảng dạy ngoại khóa này bao nhiêu và tiền thu là bao nhiêu để công khai minh bạch không"? - bạn đọc này hỏi.

Góp thêm một góc nhìn khác, bạn đọc Huỳnh My viết: "Về trễ kêu tắc đường, về sớm kêu không đón được. Đóng tiền hoạt động thì kêu lạm thu. Không đóng tiền thì kêu sao không tổ chức hoạt động gì. Tổ chức hoạt động mà không có tiền thì tổ chức bằng niềm tin à?".

Bạn quan tâm và muốn chia sẻ vấn đề gì? Theo bạn, làm cách nào để xóa bỏ nạn lạm thu trong trường học? Cho học sinh tiểu học ra về lúc 15h15, có hợp lý?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi ý kiến ở KHUNG BÊN DƯỚI.

Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM cấm ban đại diện cha mẹ học sinh thu ngoài quy định Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM cấm ban đại diện cha mẹ học sinh thu ngoài quy định

TTO - Ngày 6-10, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM ban hành văn bản chấn chỉnh công tác thu - chi đầu năm học 2022-2023, trong đó có nội dung nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định.

Đặt câu hỏi đến
Gửi câu hỏi
TUỖI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên