Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm báo Tuổi Trẻ nhân dịp khánh thành trụ sở mới của báo vào năm 2005 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Vô cùng ngưỡng mộ, tri ân sâu sắc đóng góp vô cùng to lớn của ông Sáu
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2022), những kỷ niệm về ông vẫn vẹn nguyên nghĩa tình...
"Đọc loạt bài những kỷ niệm về ông Sáu Dân trên báo Tuổi Trẻ, tôi vô cùng ngưỡng mộ và kính trọng ông. Ông đúng là một nhà lãnh đạo nhìn xa trông rộng, có đức có tài. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, là thế hệ hậu sinh, một lần nữa tôi tri ân ông".
Ý kiến bạn đọc Minh Chánh
Hàng loạt kỷ niệm về một nhà lãnh đạo đức - tài trong sáng lại ùa về.
Loạt bài 10 kỳ Ông Sáu Dân - Những kỷ niệm thương quý không quên đăng trên Tuổi Trẻ là những thước phim sống động tái hiện chân dung người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, trọn đời cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
"Mình đọc hết loạt bài trên tất cả các báo về cố Thủ tướng, vô cùng cảm động, ngưỡng mộ, tri ân sâu sắc những đóng góp vô cùng to lớn của ông Sáu" - bạn đọc Yến viết.
Cùng bày tỏ tấm lòng tri ân, bạn đọc Anh Kỳ bổ sung: "Thật hay, thật cảm động và hết sức chính xác về một vị thủ tướng vì dân, làm được rất nhiều điều cho đất nước và nhân dân trong giai đoạn Việt Nam chuyển mình khó khăn sang đổi mới toàn diện".
Nhớ đến ông - nhớ đến đặc điểm của người con của vùng đất Nam Bộ mộc mạc hiền hòa, bạn đọc này viết: "Nhân dân sẽ còn nhớ mãi và khắc ghi trong tim nụ cười sảng khoái, giọng nói hào sảng, cởi mở hết lòng của ông Sáu Dân".
"Thật tuyệt vời với tư duy đổi mới sáng tạo của người con Nam Bộ, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên Thủ tướng Chính phủ thời kỳ đầu đổi mới. Trân quý con người tài năng đức độ này" - bạn đọc Hai Anh nói thêm.
Các cô gái đại diện cho 32 đội tuyển tại "Nóng cùng World Cup 2022" - Ảnh: Ban tổ chức
'Hot girl' bình luận World Cup gây tranh cãi
Bên cạnh các trận đấu và những ngôi sao sân cỏ, World Cup 2022 còn được khán giả Việt Nam chú ý vì dàn "hot girl bình luận World Cup" trong chương trình "Nóng cùng World Cup 2022".
Với một số khán giả, việc các cô gái xuất hiện trong vai trò người hâm mộ của 32 đội tuyển, mặc áo đấu theo phong cách gợi cảm và trả lời một số câu hỏi đơn giản trong phần bình luận các trận đấu, góp phần mang lại màu sắc cho World Cup.
Tuy nhiên, với những kiến thức về bóng đá có phần ngô nghê, khiến không ít khán giả phản ứng.
"Chán ngán, thật sự là không phù hợp. Gán ghép những cái không liên quan gì với nhau nó khiên cưỡng lắm. Đề nghị nhà đài lần sau đừng làm nữa, để World Cup được bình yên" - bạn đọc Nhật Phương viết.
Ủng hộ quan điểm này, bạn đọc Phú Vinh bổ sung: "Bản thân hai từ "bình luận", nó đã đòi hỏi phải am hiểu chuyên môn. Nói về bóng đá trên truyền hình trước cả triệu người xem, trong đó rất nhiều người hiểu sâu về bóng đá, càng cần phải có hàm lượng chuyên môn".
Theo bạn đọc này: "Nói ngô nghê, gượng gạo theo kiểu "học thuộc bài" như các cô gái đó, thì bị khán giả chê cười, phản ứng cũng là dễ hiểu".
Tuy nhiên, như trên đã nói, xung quanh câu chuyện 'Hot girl' bình luận World Cup cũng có không ít ý kiến ủng hộ.
Đứng về phía những khán giả dễ tính, bạn đọc Kim Liên viết: "Mình thấy để các cô gái bình luận vui mà, sự ngây ngô của các cô ấy thêm dễ thương chứ có sao đâu. Sau mỗi hiệp đấu, xen kẽ với các bình luận viên bóng đá chuyên nghiệp thì có thêm các bình luận nghiệp dư không có sao hết, các cô gái xinh đẹp làm nóng thêm trường quay. Tôi rất ủng hộ".
Một buổi sinh hoạt của tổ phụ nữ - tổ dân phố 80 thuộc Chi bộ P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Bỏ ngay tổ dân phố hay từ từ?
Xung quanh việc TP.HCM sẽ xóa bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân để tinh giản số người hoạt động không chuyên trách, đã có nhiều ý kiến tranh luận.
Trong đó, phần lớn ý kiến đều cho rằng khi xã hội phát triển với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin thì cũng nên xóa bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân để làm gọn lại bộ máy.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại đề nghị nên giữ lại bởi đây là lực lượng gần dân nhất, trực tiếp hỗ trợ từng hộ gia đình mỗi khi có việc cần.
Về ý này, bạn đọc Chí Thành nêu ý kiến: "Tổ trưởng tổ dân phố là người trực tiếp, gần gũi với người dân nhất, nắm rõ và hiểu được tâm tư nguyện vọng của từng hộ dân, thay dân phản ánh ý kiến cho chính quyền phường. Vậy bỏ tổ dân phố thì ai sẽ làm thay, làm có tốt hơn không?".
Nêu lên những mặt làm được và chưa được của tổ dân phố, bạn đọc Nam phân tích: "Đúng là trong đại dịch COVID-19 vai trò của tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, trưởng các tổ chức đoàn thể, mặt trận... cấp phường xã đóng vai trò lớn cho nỗ lực chống dịch thành công, hỗ trợ người dân đảm bảo an sinh xã hội".
Tuy nhiên, theo phần lớn bạn đọc, đến một lúc ý thức người dân nâng cao thì nếu không có lực lượng này cũng không sao, lúc đó "sẽ hình thành tổ chức cứu trợ, cứu tế làm thay việc đó".
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ thêm điều gì? Theo bạn, nên xóa bỏ ngay tổ dân phố, tổ nhân dân hay phải có quá trình?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận