Tàu thuyền vận tải trên sông Hồng đoạn chảy qua cầu Thăng Long, Hà Nội - Ảnh: Hoài Linh |
Dự án giao thông đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn Thái Group (trước là Tập đoàn Xuân Thành) đề xuất đã chính thức được Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) trình Thủ tướng xem xét.
Dự án này tham vọng sẽ tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288km đường sông và kết hợp làm thủy điện, trong đó sẽ xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ trên sông với công suất khoảng 228 MW.
Nhiều ý kiến chuyên gia khuyến cáo: nếu làm đập thủy điện đụng đến sông Hồng sẽ mất vựa lúa.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe (Khoa Môi trường, ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội), dự án mới chỉ là ý tưởng, bản thân dự án cũng chưa công bố và chưa hỏi ý kiến rộng rãi nên cũng chưa có cơ sở để phán xét.
Tuy nhiên ông cũng cho rằng khi ý tưởng này được thực hiện, nguy cơ cao là nền nông nghiệp đồng bằng sông Hồng sẽ bị giết chết.
Dư luận mấy ngày qua vô cùng bức xúc trước các thông tin về dự án, nhiều ý kiến khẳng định họ sẽ phản đối đến cùng.
Theo nhận định của giới chuyên gia, nếu không được xem xét một cách cẩn thận thì một dự án lợi ích đâu không nhiều nhưng có thể giết chết cuộc sống cùa hàng triệu người dân.
Đừng đánh đổi!
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe cho rằng trước khi đề xuất xây dựng một dự án thủy lộ hay thủy điện thì phải xem xét tác động ảnh hưởng của nó là đến những ai và đánh đổi cái gì để được gì.
“Phát triển kinh tế luôn luôn cần một sự đánh đổii, nhưng đánh đổi cái gì để được cái gì thì cần xem xét kĩ. Có những thứ không thể đem bán hay đánh đổi được” - PGS.TS Nguyễn Đình Hòe nói.
Việc xây đắp thủy điện, thủy lộ ở hạ lưu sông phải hết sức thận trọng. Không chỉ là cuộc sống của hàng triệu người dân, xét trên khía cạnh văn hóa, sông Hồng còn đại diện cho nền văn minh Đại Việt. Không thể biến con sông này thành sở hữu riêng của một doanh nghiệp nào được.
“Bây giờ biến cả một vùng sông Hồng thành một chuỗi những hồ, đập như vậy thì phù sa đâu, nước tưới đâu, an ninh lương thực đâu? Phải chăng là giết chết cuộc sống của hàng triệu người dân cũng như là nền văn minh nông nghiệp ngàn đời của dân tộc? Đó là chưa kể những tác động có thể xảy ra đối với tương lai của con cháu chúng ta sau này” - PGS.TS Nguyễn Đình Hòe thẳng thắn.
Ông Nguyễn Đình Hòe cho rằng sông Hồng là tài nguyên của toàn dân, rất khó để chấp nhận cho một doanh nghiệp có quyền làm biến đổi nó.
Theo Luật đầu tư, cái gì của doanh nghiệp thì họ có quyền quyết định chuyển giao hoặc bán. Tuy vậy, chỉ những dự án điểm như nhà máy hoặc hầm mỏ mới có thể được bán và chuyển đổi còn những dự án gây ảnh hưởng đến cả một khu vực rộng lớn, liên quan đến hơn một phần ba dân số đất nước thì không thể nào bị chuyển giao qua lại.
Bên cạnh đó, theo GS.TS Ngô Đình Tuấn (ĐH Thủy lợi Hà Nội), dự án này chỉ tính toán về mặt kinh tế theo kiểu chỉ nghĩ đến lợi ích ngay tại thời điểm hiện tại chứ không nghĩ về lâu dài, nghĩ cho quyền lợi của con cháu về sau và của đất nước.
Thêm vào đó, ý thức về cả môi trường lẫn an ninh quốc phòng là chưa cao. Tính thực tiễn cũng chưa thuyết phục.
“Đã xây dựng 6 nhà máy thủy điện thì không thể làm thủy lộ. Mặt khác, 6 đập thủy điện công suất chỉ khoảng 228 MW bằng một đập thủy điện nhỏ, không đem lại nhiều lợi ích kinh tế thì phải chăng là đánh đổi quá nhiều?” - GS.TS Ngô Đình Tuấn phân tích.
Trước khi xây công trình thủy điện, thủy lộ cần xem xét những gì?
Theo TS Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường VN, trước khi xây dựng công trình nào cũng đều phải xem xét các yếu tố về mặt môi trường, kinh tế và xã hội.
Công trình thực hiện trên một con sông lớn, liên quan đến nhiều tỉnh thành, nhiều khu vực, thậm chí nhiều quốc gia thì càng phải đánh giá rộng rãi để xem xét hết các ảnh hưởng của nó.
Nhất là khi nghĩ đến chuyện nạo vét lòng sông thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến thủy lực không chỉ ở ngay tại vị trí đó mà còn ở thượng lưu và hạ lưu dòng sông, trong khi thượng lưu của dòng sông này lại nằm ở Trung Quốc.
“Trước khi xây dựng bất kỳ công trình nào trên dòng sông cũng phải tham vấn ý kiến của cộng đồng người dân xưa nay vẫn sinh sống ở đó. Thậm chí còn phải tham khảo ý kiến của các nước cùng chung lưu vực sông bởi vì một dòng sông không chỉ thuộc sở hữu của một đất nước mà còn liên quan rất nhiều đến các nước khác nữa” - TS Nguyễn Ngọc Sinh cho biết.
Theo GS.TS Ngô Đình Tuấn, về nguyên tắc thì những công trình lớn như thế này phải do Bộ, ngành đưa vào một kế hoạch dài hạn thì mới được xem xét xây dựng.
Trong khi đó, dự án này quy hoạch chống lũ chưa có, quy hoạch về phát triển đồng bằng Bắc bộ sau khi xây dựng công trình cũng chưa thấy đâu. Chưa có những điều cụ thể mà đã đưa ra thảo luận thì không thể.
"Đem cả quyền lợi của quốc gia và tương lai con cháu giao cho một công ty như thế này là quá mạo hiểm” - GS.TS Ngô Đình Tuấn lo ngại.
Chia sẻ thêm câu chuyên về đập thủy điện ở sông Gâm, sông Lô và sông Thao, GS.TS Ngô Đình Tuấn cho rằng sở dĩ không làm thủy điện trên dòng chính của các con sông này là vì muốn phát triển nguồn thủy sinh.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, nhiều dự án ngay từ khâu ý tưởng là đã phải bỏ qua, nhất là những dự án liên quan đến nhiều tỉnh thành, liên quan đến hàng triệu người dân thì không thể để một tỉnh hay một doanh nghiệp quyết định.
“Bộ Kế hoạch - Đầu tư nên xem xét kĩ vì có những dự án ngay từ khâu ý tưởng đã phải bác bỏ chứ không cần đợi đến khi dư luận lên tiếng” - PGS.TS Nguyễn Đình Hòe nói.
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> PGS.TS Nguyễn Đình Hòe:
>> TS Nguyễn Ngọc Sinh:
>> GS.TS Ngô Đình Tuấn:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận