13/08/2019 13:32 GMT+7

Phấn đấu để TP.HCM là thành phố học tập suốt đời, học tập thông minh

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Ông Nguyễn Thiện Nhân - bí thư Thành ủy TP.HCM - bày tỏ kỳ vọng tại hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học mới do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 13-8.

Phấn đấu để TP.HCM là thành phố học tập suốt đời, học tập thông minh - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thiện Nhân - bí thư Thành ủy TP.HCM (giữa) - chúc mừng ngành GD-ĐT TP nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT dành cho đơn vị xuất sắc toàn diện và nhận cờ thi đua của Công đoàn giáo dục Việt Nam - Ảnh: TUYẾT NHUNG

Theo ông Nhân, để trả lời cho câu hỏi "Học để làm gì?", nếu chúng ta nhìn ra thế giới thì câu trả lời sẽ có sự thay đổi so với trước đây.

"Học để làm công dân tốt - công dân của nước Việt Nam trong thời đại hội nhập; Học để làm người con hiếu thảo và có trách nhiệm; Học để biết cách làm cha, làm mẹ, biết xây dựng gia đình hạnh phúc", ông nhấn mạnh.

Ông Nhân kể: "Tôi có đọc một bài báo về hiện tượng diễn ra tại một nước châu Á: đám cưới chỉ có 1 người. Như thế tức là người đó không yêu ai cả mà chỉ yêu chính bản thân mình, thế nên họ cưới chính mình. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có nên theo xu hướng đó không? Nếu chúng ta cũng theo xu hướng đó thì bị diệt chủng, xã hội không phát triển bền vững được.

Tôi cũng đọc những bài báo cho biết nhiều cá nhân ở một số nước ưa chuộng căn hộ 15m2 - tức là họ chỉ sống 1 mình. Kể ra những điều này để nhận ra tầm quan trọng của việc giáo dục học sinh về truyền thống Việt Nam, dạy các em phải biết trân trọng gia đình".

Cũng theo ông Nhân: "Học để có một cái nghề hiệu quả, học để đóng góp cho quê hương, đất nước mình và cho nhân loại. Một xã hội bền vững thì người dân không chỉ có thu nhập cao mà phải biết gìn giữ và xây dựng gia đình hạnh phúc".

Phát biểu chỉ đạo tại lễ tổng kết năm học, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Thành ủy, HĐND, UBND, MTTQ TP luôn dành cho ngành GD-ĐT sự quan tâm cao nhất. Ông Nhân đề nghị Sở GD-ĐT TP tiếp tục suy nghĩ để hoàn thiện cơ chế tài chính cho giáo dục, đề xuất thực hiện quy định về thu nhập tăng thêm cho giáo viên một cách phù hợp, khuyến khích giáo dục ngoài công lập phát triển...

Ông Nhân kỳ vọng: "Từ năm 80 của thế kỷ trước, nhân loại đã có chủ trương học tập suốt đời nhưng chúng ta đang ở thời kỳ 4.0, do đó thành phố chúng ta cần phấn đấu là thành phố học tập suốt đời và học tập thông minh".

Tại buổi lễ, ông Lê Hồng Sơn - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết năm học mới 2019-2020, ngành GD-ĐT thành phố tiếp tục tập trung thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng cho việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Đồng thời thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất nhà trường; chủ động trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ; đột phá trong công tác cải cách hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; nâng cao chất lượng giáo dục theo định hướng hội nhập khu vực và quốc tế...

TP.HCM: trường học thêm quá tải với hơn 75.000 học sinh

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2019-2020, TP.HCM có thêm 75.434 học sinh các cấp, trong đó có nhiều học sinh không có hộ khẩu tại TP. Điều này gây nhiều khó khăn cho nhà trường và phụ huynh.

Cụ thể, bậc mầm non tăng 7.293 học sinh (công lập: 3.249, ngoài công lập: 4.044), tiểu học tăng 21.711 học sinh (công lập: 19.549, ngoài công lập: 2.162).

Bậc trung học cơ sở (THCS) tăng 26.435 học sinh (công lập: 27.582, ngoài công lập: giảm 1.147), bậc trung học phổ thông (THPT) tăng 19.995 học sinh (công lập: 12.618, ngoài công lập: 7.377).

Cũng theo Sở GD-ĐT, số học sinh trong năm học 2019-2020 tăng nhiều ở cấp tiểu học và THCS, tập trung tại một số quận (quận 7, quận 9, quận 12, quận Gò Vấp, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Thủ Đức) và huyện ngoại thành (huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi).

Đây là những khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh nên tình trạng dân số tăng cơ học cao.

Những năm gần đây, số học sinh ở TP.HCM tăng lên theo thời gian. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp; điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện... đều co hẹp lại.

Hiện một số quận, huyện có nhiều trường tiểu học có sĩ số lên tới 55 học sinh/lớp (trong khi quy định của Bộ GD-ĐT là 35 học sinh/lớp). Yếu tố này đã làm hạn chế công tác quản lý và chất lượng giảng dạy tại các trường.

Tình trạng gia tăng học sinh quá nhanh cũng khiến các trường tiểu học, THCS giảm số lượng học sinh được học 2 buổi/ngày và bán trú (do thiếu phòng học). Trong khi đó, nhu cầu cho con em học bán trú ở TP.HCM lại rất cao vì phụ huynh không có điều kiện đưa đón con em khi các cháu học 1 buổi/ngày.

Cũng theo Sở GD-ĐT TP, năm học 2018-2019, số học sinh không có hộ khẩu tại TP là 367.298 em.

Học sinh TP.HCM giành 12 huy chương thi toán quốc tế WMO 2019 Học sinh TP.HCM giành 12 huy chương thi toán quốc tế WMO 2019

TTO - Cả 12 học sinh lớp 6 ở TP.HCM tham dự cuộc thi toán quốc tế WMO 2019 đều giành huy chương, trong đó có 2 huy chương bạc, 10 huy chương đồng.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên