24/01/2015 14:00 GMT+7

​Phần “con” lấn phần “người”

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Tòa đã tuyên án, luật pháp xong phần việc của mình, nhưng còn mạng sống của một sinh viên hiền lành vô tội và nỗi bất hạnh của đấng sinh thành thì biết lấy gì đền trả nổi.

Bị cáo Long, Chiến, Thuận tại tòa (từ trái sang) - Ảnh: M.Tâm

Theo hồ sơ vụ án, sau khi nhậu xong, Phan Thành Long chạy xe máy chở Nguyễn Văn Thuận và Nguyễn Văn Chiến về.

Khi chạy qua mặt nhóm thanh niên gồm Võ Bá Duy, Nguyễn Nam và Nguyễn Phước Anh (sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Cần Thơ) đang đi bộ ngược chiều phía trước, thấy nhóm này cười cười nói nói, Thuận nghĩ là họ chửi mình nên nói với Long: “Nó chửi mình kìa”.

Long liền thắng xe chặn nhóm Duy lại. 

Chiến và Thuận cũng xuống xe cùng rượt đánh nhóm của Duy. Hai bạn của Duy kịp chạy vô nhà dân gần đó trốn. Còn Duy bị nhóm của Thuận đuổi phải chạy vào trốn bên trong tiệm tạp hóa của chị Elizabeth Prudente.

Dù chủ nhà căn ngăn, nhưng Long và Thuận vẫn xông vào đánh Duy gục xuống. Sau đó Long bỏ đi trước, Thuận đánh thêm vài cái nữa rồi ra sau. Chiến không tham gia đánh mà đứng ở cửa nhìn.

 Tàn ác

Tại UBND P.An Thới (Q.Bình Thủy, TP Cần Thơ), TAND TP Cần Thơ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử lưu động bị cáo Thuận, Long, và Chiến về hành vi giết người.

Hội đồng xét xử thẩm vấn: “Tại sao đánh Duy đến tử vong?”. Bị cáo Thuận trình bày: “Lúc xe chạy ngang nhóm Duy, bị cáo nghe loáng thoáng nhóm Duy chửi nên mới đánh dằn mặt, không ngờ Duy tử vong”.

Bị cáo Long bào chữa: “Khi nghe Thuận nói nhóm Duy chửi mình, bị cáo mới lái xe chặn đầu. Bị cáo chỉ đánh bằng tay nhằm dằn mặt...”. Riêng Chiến thì khai chỉ rượt đến tiệm tạp hóa rồi đứng bên ngoài chứ không vào bên trong tham gia đánh.

Những lời biện hộ của cả ba đều bị hội đồng xét xử bác bỏ. Theo hội đồng xét xử, giữa các bị cáo và bị hại không hề có mâu thuẫn gì, chẳng qua là cho bị hại chửi mình.

Chủ tọa nghiêm giọng: “Phải chi nạn nhân chống cự, đằng này người ta hoảng sợ bỏ chạy vào tiệm tạp hóa. Van xin, kêu cứu nhưng bị cáo Long vẫn đánh. Bị cáo Thuận hung hãn hơn, dùng nón bảo hiểm đánh ngay đầu nạn nhân. Chưa hả dạ, trước khi bỏ đi còn đánh bồi thêm vài cái nữa. Đánh dã man như thâm cừu đại hận, đến nỗi nạn nhân tử vong mà nói đánh dằn mặt cái gì?”.

Về bị cáo Chiến, chủ tọa phân tích: “Chiến không vào tiệm tạp hóa đánh vì nơi nạn nhân trốn diện tích quá nhỏ hẹp, nên Chiến đứng bên ngoài canh chừng, đợi khi nạn nhân chạy ra sẽ đón đầu đánh”.

Chị Elizabeth Prudente, nhân chứng, kể: khi Duy chạy vào tiệm tạp hóa của chị trốn, Thuận và Long vẫn xông vào đánh, Duy van xin: “Anh ơi! Em không biết gì”. Rồi Duy kêu: “Chị ơi! Cứu với”. Chị kéo Long ra nhưng không kéo nổi. Chị kêu đừng đánh nữa, Long và Thuận vẫn xông vào đánh.

Kể đến đây, chị phẫn uất: “Do tôi vừa bị sẩy thai, hôm đó sức khỏe tôi không được tốt, chứ không thì hai người này đừng hòng ra khỏi nhà tôi”. Chị cho biết thêm trước khi bỏ đi, Chiến còn hăm dọa chị: “Bà muốn bao nhiêu, vô ngã tư đón bà hết”.

Kiểm sát viên luận tội cho rằng: “Ở các bị cáo, phần “con” lấn át phần “người”, dẫn đến việc các bị cáo hành động ác tính”...

Lời xin lỗi muộn màng

Trong suốt phiên xử, mẹ của bị hại thỉnh thoảng đưa tay ôm lấy ngực. Người chồng phải đưa tay choàng đỡ lấy vợ. Ông bảo vợ bình tĩnh nhưng nước mắt ông lại rơi lã chã.

Khi được phát biểu, bà nhìn về các bị cáo nói giọng căm phẫn: “Con tôi là đứa hiền lành, nó vừa đi học vừa đi làm. Nó là mầm non đất nước. Nó đi học sau này đem kiến thức phục vụ xã hội. Còn các bị cáo này là những kẻ vô tích sự, tụ tập quậy phá, gây ra cái chết cho con tôi, tôi đề nghị tòa xử theo luật để răn đe kẻ khác...”.

Nói đến đây giọng bà nghẹn lại. Thấy bà xúc động quá, hội đồng xét xử yêu cầu bà ngồi xuống. Người chồng cầm lấy micro nhưng cũng chỉ nói được vài câu. Hai vợ chồng dựa vào nhau khóc...

Vị hội thẩm, nguyên là phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, thở dài: “Tôi ngồi ghế hội thẩm nhiều năm rồi nhưng chưa bao giờ thấy đau lòng như thế này". 

Các bị cáo hành xử quá côn đồ, độc ác. Gia đình các bị cáo vốn nghèo khó. Lý ra ở tuổi mười chín, đôi mươi, các bị cáo phải phụ giúp cha mẹ. Đằng này tiền làm thuê bao nhiêu nhậu hết bấy nhiêu.

Theo xác nhận của chính quyền địa phương, các bị cáo thường xuyên nhậu nhẹt rồi đánh người. Lối sống của các bị cáo làm cha mẹ xấu hổ với bà con lối xóm, giờ này lại phải ngồi đây nghe tòa phân tích về tội lỗi của con mình.

Đầu buổi xử, các bị cáo còn thản nhiên nhưng càng về sau thái độ dần thay đổi.

Những câu hỏi của hội đồng xét xử, những lời cáo buộc của kiểm sát viên, sự phẫn nộ của nhân chứng, cùng nỗi đau đớn, uất hận của thân nhân nạn nhân và những lời bình phẩm của những người dự khán: “trời ơi ác quá... người ta van xin vẫn đánh”, “lưu manh quá!”... đã làm gương mặt của những kẻ thủ ác dần trở nên xám gắt. 

Khi được nói lời sau cùng, bị cáo Thuận và Long đều xin lỗi cha mẹ của nạn nhân. Riêng bị cáo Chiến nói: “Bị cáo ở tù cha mẹ bị cáo còn đau lòng buồn lo, huống hồ chi cha mẹ Duy đã mất con. Cho bị cáo xin lỗi...”.

Nghe vậy người dự khán xì xầm: “Khi hành động hung hăng thì không xin lỗi. Giờ xin lỗi cũng đâu có làm người chết sống lại được...”.

Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Thuận chung thân, Long 20 năm tù, Chiến 13 năm tù cùng về tội “giết người”.

Tắt một ước mơ

Cái chết oan khốc của sinh viên 20 tuổi thôi thúc tôi tìm đến nhà nạn nhân. Mẹ của Duy đang nằm trên võng với nỗi buồn đong đầy gương mặt. Nhắc đến con là cha mẹ Duy lại ràn rụa nước mắt. Họ kể vợ chồng có ba đứa con.

Duy là con đầu lòng rất hiếu thảo. Nhà chỉ có vài công đất nên hai vợ chồng chịu khó sắm ghe đi chở thuê, quyết chí nuôi con ăn học thành tài. Duy biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau giờ học là phụ cha mẹ lo chuyện đồng áng.

Rồi khi đi học cao đẳng chi tiêu cũng rất tằn tiện. Mỗi tuần con chỉ xài 200.000 đồng. Giọng bà buồn não: “Nhập học mấy tháng nó xin đi chạy bàn để kiếm tiền tự trang trải việc học, để cha mẹ dành tiền lo cho hai em đang là học sinh phổ thông...”.

Bà đem bức di ảnh của Duy ra cho tôi xem. Trong ảnh là khuôn mặt đẹp trai, tươi cười. Rồi ánh mắt bà trìu mến nhìn vào di ảnh.

Được một lúc khá lâu, bà mới bần thần quay lại: “Duy rất mê vi tính nên học ngành vi tính. Nó dự định sau khi ra trường sẽ xin việc làm phụ cha mẹ nuôi em, rồi sau đó sẽ học tiếp lên cao. Nó bảo để chế phần mềm phần miếc gì đó...”.

Nhưng giấc mơ của chàng trai trẻ mãi mãi không thành hiện thực. Kể từ ngày con mất, vợ chồng không còn sức lực để làm, bỏ luôn việc đồng áng.

Người cha kể: “Hôm dự tòa nghe nhân chứng kể con cầu cứu, tôi cứ nghĩ đến cảnh con mình cùng đường cầu cứu mà thở không muốn nổi. Đến giờ tôi vẫn bị ám ảnh bởi tiếng kêu cứu tuyệt vọng của con. Không biết giờ phút đó, con có kêu cha mẹ cứu không. Mà có kêu, cha mẹ cũng không có mặt ở đó để cứu con. Con ơi!”.

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên