Đây là ý kiến nhiều chuyên gia nêu ra tại hội nghị nghiên cứu, thảo luận về dự thảo nghị định của Chính phủ phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP.HCM, do UBND TP.HCM tổ chức sáng 10-1.
TP.HCM được phân cấp, nhưng khi làm phải xin ý kiến bộ ngành
Phát biểu tại hội nghị, nhiều chuyên gia bày tỏ băn khoăn làm sao xây dựng một nghị định phân cấp, ủy quyền của Chính phủ cho TP.HCM đủ mạnh, tránh việc phân quyền xong nhưng TP.HCM vẫn phải xin ý kiến, chờ ý kiến của bộ, ngành trước khi quyết định vấn đề.
TS Trần Anh Tuấn - chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng nếu phân cấp cho chính quyền TP.HCM không đủ mạnh, TP sẽ đánh mất cơ hội lớn thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trong nghị quyết 98.
Lâu nay TP.HCM được phân cấp, nhưng khi làm cũng phải đi xin ý kiến các bộ ngành. Nghị định lần này vẫn xây dựng theo cách làm đó, chưa thể hiện được phân cấp mạnh mẽ.
Vì vậy, ông Tuấn đề nghị cần thay đổi tư duy. Phân cấp cho TP.HCM phải đảm bảo nguyên tắc phân cấp triệt để, bảo đảm sự chủ động, tự quyết cho chính quyền TP.HCM. Vì nếu những vấn đề TP.HCM xin ý kiến các bộ, sau đó báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng sẽ mất rất nhiều thời gian.
"Chính phủ đã phân cấp vấn đề gì thì khi quyết định vấn đề đó, TP.HCM có trách nhiệm trực tiếp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng để quyết. Như vậy địa phương mới có quyền chủ động, triển khai những nhiệm vụ cấp trên giao", ông Tuấn nêu.
Góp ý 4 nhóm đề xuất phân cấp cho TP.HCM
PGS.TS Võ Trí Hảo - trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cố vấn cao cấp Viện Pháp luật quốc tế và So sánh (IICL), Đại học Kinh tế Luật - cũng chia sẻ băn khoăn khi đọc dự thảo nghị định là: "Sau khi có nghị định thì cần bao nhiêu thông tư và bao lâu để có hướng dẫn thi hành các nội dung được phân quyền?".
Ngoài ra, khi đọc báo cáo đánh giá tác động chính sách mới, ông Hảo thấy các sở ngành của TP.HCM đang bị vướng mắc rất nhiều trong giải quyết các vấn đề được giao. Vì vậy, ông Hảo đề xuất chia dự thảo nghị định thành 4 nhóm gồm:
Nhóm 1: Các vấn đề mới trung ương đã có luật hoặc nghị định, nhưng còn nợ thông tư, nên địa phương phải chờ, không triển khai được.
Nhóm 2: Các vấn đề cũ, nhưng văn bản trung ương ban hành không rõ ràng, dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau giữa các bộ ngành.
Nhóm 3: Các vấn đề cũ nhưng thẩm quyền xử lý thuộc Thủ tướng và trước khi Thủ tướng ban hành quyết định sẽ có cơ chế lấy ý kiến liên bộ, liên ngành.
Nhóm 4: Các vấn đề cũ, thuộc thẩm quyền của trung ương, TP.HCM chỉ xin được ủy quyền nhận hồ sơ, ví dụ đăng ký website thương mại điện tử.
Phân tích thêm, ông Hảo cho hay ở nhóm 1, hàm ý của dự thảo nghị định cho thấy TP.HCM được phân cấp để có thể nhanh chóng triển khai thay vì chờ đợi. Điều này đòi hỏi TP.HCM phải được ủy quyền lập quy đồng bộ trên cả ba phương diện: thẩm quyền, chủ thể quyết định, giải quyết vấn đề; tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình xét duyệt.
Còn với nhóm 2, TP.HCM muốn được ủy quyền để được giải quyết vấn đề theo cách hiểu của TP.HCM. Tuy nhiên, thực tế để các bộ ngành chịu giao hết quyền tự quyết cho TP sẽ khó. Ông Hảo đề xuất giải pháp "dung hòa" là "lập quy thi đua".
Theo đó, thay vì mòn mỏi chờ các bộ, ngành trả nợ văn bản hướng dẫn, một số quốc gia cho phép chính quyền địa phương "lấp khoảng trống" bằng việc chủ động ban hành ngay lập tức các văn bản hướng dẫn cho chính mình, cho địa phương mình.
Sau khi chính quyền trung ương "trả nợ", các nội dung mà trung ương đã có quy định tương ứng, quy định của địa phương sẽ hết hiệu lực.
Ở nhóm 3 và 4, ông Hảo cho rằng cần áp dụng giải pháp "thủ tục hành chính song hành". Theo đó, người dân và doanh nghiệp có thể chọn nộp hồ sơ tại cơ quan cấp trên hay cơ quan cấp dưới miễn sao nhanh chóng, thuận tiện hơn cho họ.
"Kèm theo nghị định cần có phụ lục, nêu rõ thẩm quyền; quy trình; tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện tương ứng với 36 nhóm vấn đề", ông Hảo ý kiến thêm.
Cần thiết có nghị định phân cấp thêm cho TP.HCM
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng nghị quyết 98 tạo cho TP nhiều cơ hội để phát huy tiềm năng, thế mạnh. Tuy nhiên, thực tế cũng còn nhiều vướng mắc trong điều hành.
Cách đây hơn 20 năm, Chính phủ ban hành nghị 93 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP. Đến nay, phần lớn nội dung của nghị định đã đưa vào luật. Tuy nhiên nhiều nội dung của pháp luật chưa ứng với hoạt động của doanh nghiệp, nhu cầu người dân.
"Quá trình điều hành và phát triển, TP nhận thấy cần thiết tiếp tục có nghị định phân cấp thêm nhiệm vụ, quyền hạn của TP trên cơ sở thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ ngành trung ương", ông Hoan nói.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước quan tâm đến việc phân cấp, ủy quyền cho cơ sở, phát huy tính năng động sáng tạo từ cơ sở. Quan điểm này cần được cập nhật và thực thi thông qua các quy định về phân cấp, ủy quyền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận